Đối diện nguy cơ thiếu điện lớn, miền Bắc sẽ phải nhận điện từ miền Nam

Kết quả cân đối cung cầu điện trong giai đoạn 2026 – 2030 cho thấy trong giai đoạn này miền Bắc sẽ có xu hướng không tự cân đối được cung cầu điện và phải nhận điện từ khu vực miền Trung thông qua lưới điện truyền tải liên miền Trung – Bắc.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngóng tiến độ các dự án nhiệt điện

Như đã thông tin tại bài viết “Thiếu điện nghiêm trọng 2020 – 2023: Đề xuất quy hoạch thêm 6.000MW điện mặt trời, 12.000MW điện gió”, giai đoạn 2020 – 2025, Việt Nam đối diện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng.

Trong trường hợp năm nước khô hạn 75%, thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra ở tất cả các năm, từ 2019 – 2025. Giai đoạn thiếu hụt nghiêm trọng nhất tập trung ở các năm 2020 – 2023, với sản lượng thiếu hụt từ 1,5 tỷ kWh - 5 tỷ kWh. Các năm còn lại thiếu từ 100 triệu kWh – 500 triệu kWh.

Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ tiếp tục tình trạng thiếu điện, nếu các dự án nguồn điện giai đoạn 2019 – 2025 không thể đưa vào vận hành. Theo thống kê, có 41 nhà máy trong giai đoạn này có sự thay đổi thời điểm vận hành so với tiến độ tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Cụ thể, ở miền Bắc có các dự án nhiệt điện: Na Dương 2 (chậm 3 năm, lùi đến 2022), Cẩm Phả 3 (không cân đối), Thái Bình 2 (chậm 3 năm, lùi đến 2021), Nam Định 1 (chậm 3 năm, lùi đến 12/2024 – 6/2025), Công Thanh (chậm 5 năm, lùi đến 2024), An Khánh 2 (chậm 1 năm, lùi đến 6/2023), Hải Phòng 3 (sau 2025, địa phương không đồng thuận sử dụng than)…

Ở miền Trung có các dự án; nhiệt điện Quảng Trị 1 (chậm 3 năm, lùi đến 2/2026 - 6/2027), TBKHH Quảng Nam (chậm 1 năm, lùi đến 12/2024 - 6/2025), TBKHH Dung Quất (chậm 2 năm, lùi đến 2026), thủy điện Yaly MR (chậm 4 năm, lùi đến 2024)…

Ở miền Nam có các dự án: nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (chậm 2 năm, lùi đến 12/2024 – 6/2025), TBKHH Sơn Mỹ 2 (chậm 3 năm, lùi đến 12/2026 – 2027), Nhơn Trạch 3+4 (chậm 3 năm, lùi đến 12/2023 – 6/2024)…

Tính toán cân đối cung cầu điện giai đoạn 2026 – 2030, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng trong giai đoạn này, các dự án nhiệt điện trong 2021- 2025 nêu trên sẽ phải được đưa vào vận hành;

Đồng thời các dự án nhiệt điện đã được phê duyệt theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong giai đoạn 2026 – 2030 cần được thực hiện theo tiến độ đã đề xuất.

Ngoài ra, các nguồn điện được bổ sung để thay thế cho nguồn điện hạt nhân sẽ gồm: nhiệt điện An Khánh 2, nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3&4, bổ sung thêm khoảng 4GW điện gió, 7GW điện mặt trời và nhập khẩu điện từ Lào thêm 4GW so vơi Quy hoạch 7 điều chỉnh.

Được biết hiện nay có khá nhiều các dự án nhiệt điện than đã được phê duyệt trong điều chỉnh Quy hoạch điện 7 nhưng không được đồng thuận của địa phương như: nhiệt điện Hải Phòng 3 (2x600MW, 2025 – 2026), nhiệt điện Vũng Áng 3 (2x600MW, 2024 – 2025), nhiệt điện Tân Phước 1 (2x600MW, 2027 – 2028).

Các địa phương có dự án trên đều mong muốn chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG để giảm ảnh hưởng tới môi trường.

Miền Bắc có nguy cơ thiếu điện rất lớn, phải nhận điện từ miền Nam

Kết quả cân đối cung cầu điện trong giai đoạn 2026 – 2030 cho thấy trong giai đoạn này miền Bắc sẽ có xu hướng không tự cân đối được cung cầu điện và phải nhận điện từ khu vực miền Trung thông qua lưới điện truyền tải liên miền Trung – Bắc.

Do hệ thống điện miền Nam và miền Trung có tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời, việc đưa vào phát triển khối lượng lớn các nguồn điện gió và mặt trời trong giai đoạn 2021 – 2023 để giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Nam trong giai đoạn này đã làm cho xu hướng truyền tải liên miền bị đảo ngược.

Khu vực phía Bắc không có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời, các nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, nguồn than nội địa không phát triển thêm, địa điểm xây dựng nhà máy điện than mới hạn chế và khó được chấp thuận bởi địa phương. Vì vậy trong trường hợp không xây được nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng 3 và Vũng Áng 3, miền Bắc sẽ thiếu điện lớn, cần phải xem xét bổ sung nguồn điện than LNG tại khu vực này trong giai đoạn 2026 – 2030.

Đối với miền Nam, nguồn điện hạt nhân đã được thay thế đủ bằng tổ hợp nguồn LNG Nhơn Trạch 3&4, nguồn điện gió, điện mặt trời và nguồn điện nhập khẩu từ Lào.

Chỉ trong trường hợp nhiệt điện Tân Phước 1 không được xây dựng trong giai đoạn 2029 – 2030 như Quy hoạch điện 7 điều chỉnh mới cần phải thay thế bổ sung thêm nguồn LNG.

Xuân Hải

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doi-dien-nguy-co-thieu-dien-lon-mien-bac-se-phai-nhan-dien-tu-mien-nam-20180504224228117.htm