Đối đầu những cơn gió ngược

Năm 2022, kinh tế của Việt Nam là điểm sáng của khu vực và thế giới với sự tăng trưởng ngoạn mục, GDP đạt mức 8,02%, nhưng khi nhận định về tình hình phát triển kinh tế năm 2023, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng: 'Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023'.

Không lấy kết quả về sự phục hồi ngoạn mục năm 2022 làm thước đo, dự báo kinh tế nước ta năm 2023 sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức, kịch bản phát triển kinh tế năm 2023, do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT) xây dựng, có thể diễn ra theo 2 phương án: Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã được thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, được đánh giá khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế nước ta có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn và các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

So với mục tiêu mà Chính phủ đề ra: Tăng trưởng GDP năm nay phấn đấu đạt mức 6,5%, GDP đầu người vào khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chiếm 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5%... thì với những kịch bản và nhận định nêu trên, việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của nước ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trước hết, những dư âm suy thoái kinh tế năm 2022 của nhiều nước trên thế giới vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm 2023. Điều mà từ nửa cuối năm 2022 đến nay, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nước ta đã chứng kiến nhu cầu tiêu dùng của nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm bị giảm sút. Do các đơn hàng bị cắt giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động và thu hẹp quy mô sản xuất. Dự báo, khó khăn này sẽ còn tiếp tục và có thể sẽ còn ảm đạm hơn do suy thoái kinh tế của nhiều nước chưa thể hồi phục trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng và những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo các chuyên gia kinh tế, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên rất có thể khi các đơn hàng xuất khẩu tiếp tục bị cắt giảm mới chính là điểm cần phải chú ý nhiều hơn cả trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chứ không phải sự lên xuống thất thường của thị trường chứng khoán, sự đóng băng của thị trường bất động sản hay những biến động trồi sụt của giá xăng dầu .

Từ nhiều năm nay, chúng ta luôn xác định hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu là một động lực quan trọng trong bài toán tăng trưởng kinh tế. Việc các đơn hàng bị cắt giảm, xuất khẩu gặp nhiều yếu tố bất lợi trong thời gian vừa qua và cả trong thời kỳ đầu năm mới đã và đang dẫn đến những khó khăn và hệ lụy trong vấn đề giải quyết việc làm và tiêu dùng trong nước. Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, năng động tạo thế mạnh nguồn hàng đặc trưng và chiếm lĩnh thị trường các mặt hàng truyền thống. Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên cơ sở rà soát lại các đơn hàng và tận dụng cơ hội bằng tư duy đột phá mới.

Bên cạnh đó, để đối đầu những cơn gió ngược, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm bản lề 2023, kinh tế Việt Nam phải trông chờ nhiều hơn vào động lực đầu tư công. Đòi hỏi ngay từ những tháng đầu năm, các địa phương, các đơn vị phải khẩn trương tháo gỡ những nút thắt giải ngân vốn đầu tư công - một căn bệnh trầm kha thường đổ dồn vào quý IV hàng năm.

Chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

HOÀNG LÊ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/202301/doi-dau-nhung-con-gio-nguoc-968662/