Đối đầu dài hơi với Mỹ, Trung Quốc có hụt bước?

Bắc Kinh đang giảm nhẹ cường độ của kế hoạch Made in China 2025 vì cuộc đối đầu với Mỹ?

Kế hoạch “Made in China 2025” là một chiến lược của Trung Quốc được công bố vào tháng 5/2015 nhằm đưa nước này bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong những lĩnh vực kinh tế then chốt, có khả năng cạnh tranh cao như: tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch.

Trung Quốc nuôi tham vọng "Made in China 2025".

Kế hoạch này đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm qua.

Trong bản hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện kế hoạch này vào năm 2016, Quốc vụ viện ưu tiên hỗ trợ các chính quyền địa phương nào vừa thúc đẩy thực hiện chính sách "Made in China 2025" và khuyến khích tăng trưởng công nghiệp và nâng cấp khả năng sản xuất.

Nhưng trong bản hướng dẫn mới nhất do truyền thông Nhà nước Trung Quốc tường thuật hôm 12/12, cụm từ ‘Made in China 2025’ đã bị bỏ.

Quốc vụ viện cũng kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tờ Wall Street Journal hôm 12/12 đưa tin rằng Bắc Kinh có kế hoạch thay thế "Made in China 2025" bằng một chính sách mới. Theo đó, Bắc Kinh sẽ cởi mở hơn với sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường trong nước. Theo đó, kế hoạch sẽ được thực thi vào đầu năm tới.

Cũng trong bản hướng dẫn này, Bắc Kinh cũng thay đổi các thứ tự ưu tiên để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ tập trung vào xây dựng đường sắt và đường bộ mới. Quốc vụ viện sẽ dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho các thành phố, nhất là các thành phố dựa vào các ngành công nghiệp cơ bản, để cải thiện môi trường.

Kế hoạch "Made in China 2025" vốn là một đại kế hoạch đầy tham vọng mà đáng lẽ Bắc Kinh bảo vệ đến cùng.

Nhưng việc Bắc Kinh bỗng nhiên giảm dần sự ưu tiên vào kế hoạch này xảy ra sau khi Washington tung đòn thuế quan vào Trung Quốc. Khung thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD có hiệu lực từ ngày 6//2018 đặc biệt nhắm vào các mặt hàng liên quan tới “Made in China 2025”.

Trong tháng 6/2018, chỉ số các đơn hàng xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông sụt giảm. Theo Asian Nikkei Review, các chính sách thuế của Mỹ đã gây sốc với sản xuất công nghiệp của Trung Quốc khi tỷ lệ tăng trưởng sản lượng của một số sản phẩm công nghệ cao như robot và mạch tích hợp giảm sâu.

Theo hãng tin CNN, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đi ngược chiều với đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ.

Đối đầu thương mại Mỹ- Trung khiến "Made in China 2025" bị ngưng lại.

Đầu năm nay, giới phân tích dự báo hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) Xiaomi sẽ huy động được 10 tỷ USD trong cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, cuối cùng, Xiaomi chỉ huy động được chưa đầy một nửa số vốn kỳ vọng. Thậm chí, giá cổ phiếu Xiaomi niêm yết tại thị trường Hồng Kông hiện còn đang thấp hơn cả giá IPO.

Giám đốc điều hành Xiaomi đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung là nguyên nhân khiến các điều kiện thị trường xấu đi cho việc công ty lên sàn.

Sản xuất sản phẩm mạch tích hợp tăng trưởng chỉ 5,8% trong tháng 8/2018, chỉ bằng nửa tốc độ tăng trưởng của tháng 7/2018. Hoạt động sản xuất ô tô bắt đầu suy giảm trong tháng 7/2018, mức sụt giảm trong tháng 8/2018 lên đến 4,4%.

Theo Reuters, dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra, Bắc Kinh mới đây buộc phải hạ thấp mục tiêu trong “Made in China 2025”. Kế hoạch này là cốt lõi trong nỗ lực biến Trung Quốc thành một siêu cường vào năm 2050 và là cái gai trong mắt phương Tây.

Trong tháng 6/2018, chỉ số các đơn hàng xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông giảm xuống dưới ngưỡng 50 - ngưỡng tăng trưởng. Đây là lần suy giảm đầu tiên của chỉ số này trong 2 năm rưỡi. Từ đó đến nay, chỉ số liên tục duy trì ở dưới ngưỡng 50.

Lưu Á Đông - Tổng biên tập tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ, một cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang nuôi tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới về một loạt lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nhưng điều này còn quá xa vời.

“Trung Quốc nên ngừng tự huyễn hoặc bản thân rằng mình là người đi đầu về khoa học và công nghệ của thế giới" - ông Lưu cho biết.

Đòn thuế quan của Mỹ rõ ràng đã khiến Bắc Kinh phải lùi bước, đầu tiên là kiềm chế dần tham vọng "Made in China 2025" của mình.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/doi-dau-dai-hoi-voi-my-trung-quoc-co-hut-buoc-3371055/