Đợi chờ trong lo lắng

Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn cho nước Anh thêm sáu tháng, đến ngày 31-10, để tìm giải pháp cho việc rời EU (Brexit). Với nhiều người, quãng thời gian này không giải quyết được những mâu thuẫn trong nội bộ nước Anh mà chỉ kéo dài thêm sự đợi chờ mệt mỏi.

 Ảnh minh họa Hữu Tài.

Ảnh minh họa Hữu Tài.

Cô Roni Savage, giám đốc của Công ty tư vấn kỹ thuật Jomas Associates, là một trong những người chứng kiến rõ nhất sự bế tắc của các doanh nghiệp khi quá trình Brexit kéo dài.

Công ty gồm 15 nhân viên của cô chuyên làm nhiệm vụ khảo sát điều kiện mặt đất cho các dự án xây dựng. Roni cho biết, một nửa số khách hàng của công ty đã trì hoãn các dự án mới vì không biết nhu cầu của người mua sẽ thế nào sau Brexit.

“Đây là một cơn ác mộng. Tôi rất buồn khi thấy Brexit được gia hạn thêm sáu tháng, đồng nghĩa với việc phải chờ đợi lâu hơn. Tất cả chúng tôi đều mong mọi việc sớm kết thúc”, Roni nói với tờ New York Times.

Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ ở Anh cho rằng, trừ phi nội bộ nước Anh có được sự đồng thuận chính trị, còn không việc kéo dài thêm thời gian sẽ chỉ tạo ra bất ổn, khiến các công ty nhỏ rơi vào tuyệt vọng. Ông Alan Soady, phát ngôn viên của liên đoàn cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện đang ở chế độ “tạm dừng và chờ đợi”.

Đối với nhiều doanh nghiệp lớn, Brexit đã xảy ra rồi. Các ngân hàng đã thiết lập văn phòng ở nước ngoài để tiếp tục phục vụ khách hàng của họ trên lục địa. Các nhà sản xuất ô tô cũng lên kế hoạch tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước. Các nhà bán lẻ thực phẩm cũng đang tìm cách để đảm bảo dự trữ một lượng hàng nhập khẩu cần thiết nếu Anh rời EU vào cuối tháng 10, thời điểm mà doanh số bán hàng nội địa giảm và nhu cầu tiêu thụ hàng nhập khẩu tăng mạnh dịp Giáng sinh.

Những người có điều kiện thì từ lâu đã chuẩn bị cho các phương án Brexit dù bất kỳ tình huống nào xảy ra. Nhưng nhiều công ty, đặc biệt là các công ty nhỏ, thiếu tiền mặt và nhân sự để có thể đối phó với sự thay đổi đột ngột trong vòng “một đêm”, thì chỉ còn cách chờ đợi để xem Brexit sẽ diễn ra như thế nào.

Ông Josh Hardie, Phó tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh cho rằng, mọi sự gia hạn cho các cuộc đàm phán đều phải trả giá và đi kèm bất ổn. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đặt cược vào các quốc gia khác nếu Anh không còn được coi là cửa ngõ vào châu Âu và họ không thể ngồi đó mà chờ đợi.

Ở phía Tây Nam thủ đô London, Lars Andersen, Giám đốc điều hành của My Nametags, một công ty in nhãn cho đồ dùng của trẻ em, đang cân nhắc xem có nên mở thêm văn phòng ở Hà Lan hay không. Nếu muốn duy trì doanh số sau Brexit thì anh phải làm điều này, bởi 40% doanh thu của công ty đến từ khách hàng EU.

Giống như nhiều doanh nhân khác, Lars Anderen cảm thấy nhẹ nhõm trong giây lát khi Brexit được gia hạn thêm sáu tháng, nhưng ngay sau đó anh lại rơi vào tình cảnh hoang mang vì phải tiếp tục chờ đợi quá trình đàm phán Brexit.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287644/doi-cho-trong-lo-lang-.html