Đồi chè vùng thượng Kỳ Anh 'ngủ đông' chờ ngày bung búp

Người trồng chè ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã hoàn tất công đoạn đốn chè tạo tán và đang tích cực chuẩn bị giống cho vụ tới.

Video: Người dân đốn ngọn, tạo tán và sản xuất giống chè cho vụ mới.

Hằng năm, vào khoảng tháng 11 âm lịch, người trồng chè ở huyện Kỳ Anh bắt đầu tiến hành đốn chè - đốn phẳng phần ngọn để tạo tán mới cho cây chè. Sau 2 tháng “ngủ đông”, vào tháng giêng năm sau, cây chè sẽ cho lứa búp mới, để đến sau rằm tháng giêng, người trồng chè bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên trong năm. (Trong ảnh: Vườn chè ở xã Kỳ Trung vừa được thu hoạch lứa búp cuối cùng trong năm và chuẩn bị được đốn ngọn tạo tán để sản sinh lứa chè búp cho năm sau).

Để chuẩn bị cho việc đốn ngọn, cây chè được người dân bón một lượng phân lớn nhất trong năm gồm phân chuồng và phân tổng hợp.

Phân chuồng (thường là phân bò) ủ đến hoai mục được bón trước tiên.

Sau đó rắc một lớp phân tổng hợp NPK lên trên.

"Phân NPK sử dụng bón cho cây chè cũng phải được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng, có tác dụng "dưỡng sức" cho cây sau khi bị đốn ngọn và nâng cao năng suất chè búp tươi ngay trong vụ đầu tiên" - chị Dương Thị Đoài (thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung) chia sẻ.

Sau khi bón phân các loại, bà con tiến hành cày dập rãnh. Công đoạn này có tác dụng vùi lấp phân bón, tạo độ xốp đất cho cây trồng.

Sau khi bón phân, xới đất, người dân bắt đầu vào công đoạn chính là đốn ngọn chè.

Kể từ khi sử dụng cơ giới vào việc đốn chè, năng suất công việc đạt cao cũng như đảm bảo thẩm mỹ cho các vườn chè.

Một công đoạn quan trọng sau khi đốn chè là phải cào thật sạch lớp cành, lá bị vương vãi trên thân cây bằng cào chuyên dụng...

Theo người trồng chè, nếu để sót cành và lá trên cây sẽ gây ẩm thấp, dễ phát sinh sâu bệnh.

Lớp cành, lá sau khi đốn trở thành nguồn nguyên liệu lý tưởng để tấp ủ gốc chè.

Sau 2 tháng “ngủ đông”, vườn chè này sẽ cho lứa sản phẩm đầu tiên trong những ngày đầu năm mới Tân Sửu.

Năm nay, các xã vùng thượng Kỳ Anh có 300/ 500 ha chè trong thời kỳ thu hoạch được tiến hành đốn ngọn, tạo tán.

Hiện các xã vùng thượng Kỳ Anh đã hoàn thành việc bón phân, đốn chè và vệ sinh đồi chè trên diện tích 300 ha, gồm: Kỳ Trung (150 ha), Kỳ Tây (40ha), Kỳ Sơn (30ha) và Kỳ Thượng (80 ha). Các đồi chè sẽ bước vào thời kỳ “ngủ đông”, đến đầu tháng 3/2021 sẽ bắt đầu thời kỳ thu hoạch kéo dài đến trung tuần tháng 12/2021.

Cùng với việc đốn ngọn tạo tán cho chè, Xí nghiệp Chè 12-9 (xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) đang tập trung gieo ươm 80 vạn cây chè giống chất lượng cao phục vụ cho vụ trồng chè năm nay.

Công nhân Xí nghiệp Chè 12-9 đang chuẩn bị đất ươm giống chè.

Tranh thủ những ngày nắng ráo, đơn vị huy động hàng chục lao động chạy đua với thời gian để gieo ươm giống đảm bảo tiến độ, thời vụ.

Để đảm bảo các hom giống đạt tỷ lệ sống cao và phát triển tốt, công đoạn đóng bầu đòi hỏi phải thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật.

Đến thời điểm này, Xí nghiệp Chè 12-9 đã cơ bản hoàn thành việc chuẩn bị 80 vạn cây giống và bắt đầu quá trình chăm sóc cây giống.

Hiện nay, các hom chè giống đã đâm chồi non. Khoảng tháng 10 năm nay, số chè giống này sẽ được đem trồng.

Sau gieo ươm, công nhân luôn túc trực theo dõi và chăm sóc cho cây giống. Đặc biệt, giai đoạn đầu, hom chè rất cần nước để phát triển nên cần tiến hành tưới thường xuyên.

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/doi-che-vung-thuong-ky-anh-ngu-dong-cho-ngay-bung-bup/204474.htm