Đội 'chảo lửa' ra đồng

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có khi lên gần 40 độ C, gió Lào thổi rát bỏng. Trong lúc mọi người tranh thủ tìm bóng râm trốn nóng thì nhiều nông dân canh tác ở bãi đất bồi ven sông Yên (thuộc địa phận Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn đội 'chảo lửa', gập mình trên những ruộng dưa. Công đoạn nào, họ cũng làm nhẹ nhàng, cẩn thận chăm chút dưa như chăm sóc con mọn. Vì vậy, trời nắng mấy họ cũng phải ra đồng. Một buổi không tưới nước, ruộng dưa sẽ ủ rũ ngay. Trồng dưa phải túc trực ròng rã chờ đến ngày thu hoạch. Rồi phải che lều bảo quản, đề phòng trẻ con nghịch phá quả. Cho nên, nhà nào có nhiều lao động mới dám canh tác dưa.

Người trồng dưa thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương) bám nghề mưu sinh bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

Quệt vội lớp mồ hôi trên trán, bà Trần Thị Cường cho biết: "Cây dưa nó nghiệt lắm. Nếu bỏ một ngày không chăm sóc, dưa bị sâu bệnh ngay; đặc biệt là công đoạn sau chọn trái, sâu rầy rất nhiều, lơ là một tí là dính liền, trái nào bị sâu tạo vết coi như vứt bỏ. Từ sáng sớm đến chiều muộn phải thường trực trên ruộng dưa, đợi lúc thu hoạch xong mới thảnh thơi được". Cũng theo bà Cường, gần 20 sào dưa hấu Hắc mỹ nhân của 13 hộ dân nơi đây đã xuống giống được hơn một tháng. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đều dồn vào ruộng dưa nên phải tiếp tục đầu tư. "Năm ngoái nhiều người lỗ quá, nên năm nay ít người trồng. Sợ ít bữa nữa giá lại xuống thấp, lo lắm chứ. Còn hơn 10 ngày nữa là dưa chín, cầu mong trời đừng mưa và thương lái đến tận nơi thu mua với giá 4.500 đồng/kg như hiện nay là người trồng dưa mừng lắm rồi" - bà Cường vừa lo, vừa hy vọng.

Những người đang canh tác dưa trên bãi đất bồi ven sông Yên đều là những người có thâm niên trong nghề, nhưng do những năm trước giá dưa bấp bênh cộng thêm khí hậu thất thường không ổn định, nên nhiều người theo nghề thua lỗ phải bỏ nghề, chuyển sang canh tác các loại hoa màu khác. Trồng dưa mỗi năm chỉ được một vụ và chỉ trồng vào mùa khô, nếu chẳng may vừa xuống giống mà gặp phải trời mưa là coi như bỏ, bởi mưa trong giai đoạn này sẽ làm cây bị thối rễ không sinh trưởng được; còn nếu mưa vào giai đoạn quả phát triển thì làm giảm chất lượng sản phẩm. Nghề trồng dưa cũng như "đánh bạc với trời", mùa này có thể thu vài chục triệu, mùa sau trắng tay là chuyện thường, người dân phải đối mặt với nhiều nỗi lo khi gắn bó với nghề. Thế nhưng, so với các loại nông sản khác thì dưa hấu vẫn là loại cây đưa người nông dân từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống... "Không phải đến bây giờ, người nông dân mới thấu hết sự bấp bênh của nghề trồng dưa. Giá dưa hấu rất thất thường. Năm trước được giá, năm sau lại mất giá, trong một mùa giá cũng có lúc cao, lúc thấp. Suy cho cùng, cũng bởi tâm lý "ăn xổi ở thì", thấy người ta trồng cây gì, nuôi con gì thu nhập cao là so đo đua nhau làm, bất chấp hậu quả. Năm nay, người trồng dưa ở Phú Sơn 3 đã rút ra kinh nghiệm, không đồng loạt xuống giống cùng một lúc nữa, mà dàn trải theo nhiều trà khác nhau, để không xảy ra tình trạng được mùa mà bị tư thương ép giá" - ông Nguyễn Phàn giãi bày nỗi niềm.

Chúng tôi rời khỏi những ruộng dưa khi nắng nóng bắt đầu đạt đỉnh, nhưng vẫn còn đó nhiều dáng người tất tả bám nghề mưu sinh, bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Dường như vất vả với họ là lẽ thường. Nỗi mong muốn lớn nhất của họ bây giờ chỉ là "ruộng dưa tươi tốt và khi thu hoạch dưa không bị rớt giá".

VY HẬU

Đợt nắng nóng gay gắt đang xảy ra trên diện rộng với nền nhiệt 38 - 40 độ C và dự báo còn kéo dài 2 - 3 ngày tới tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Theo ông Lê Muộn-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố có tổng cộng 43.500ha đất canh tác lúa. Tuy nhiên, vụ hè thu 2018 này nông dân toàn tỉnh chỉ đưa vào sản xuất 42.000ha, còn lại 1.500ha không thể gieo sạ được. Đặc biệt, từ cuối tháng 3 dương lịch đến nay, nắng nóng xuất hiện nhiều đợt kéo dài trên diện rộng khiến hàng loạt ao hồ, sông suối cạn kiệt và lưu lượng nước các sông Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Bàn Thạch, Ly Ly... tụt giảm mạnh. Hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn thủy lợi như huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An vì nước bị nhiễm mặn. Trong khi đó tại huyện Phú Ninh, một số hồ đập như Hố Lau, Đập Đá, Ba Phan... và một số diện tích lúa ở khu vực cuối kênh Phú Ninh có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất. Mặc dù nắng nóng nhưng theo dự báo nguồn nước của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên thì tổng nhu cầu nước từ nay đến 31-7 cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo tổng nhu cầu nước từ nay đến cuối vụ Hè Thu 2018 của 17 công trình thủy lợi trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là 192,23 triệu m3. Từ kết quả thu được, Viện KHTL miền Trung - Tây Nguyên kiến nghị, đối với vùng sản xuất nông nghiệp thuộc phạm vi các công trình thủy lợi thì hầu hết các công trình đủ đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2018. Tuy nhiên vẫn cần sử dụng nước tiết kiệm vì tình trạng nắng nóng vẫn còn diễn biến phức tạp.

H.D

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_191893_.aspx