Đổi cách giáo dục thay vì xử phạt học trò

Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc giáo viên phạt học sinh bằng cách xúc phạm nhân phẩm khiến dư luận vô cùng bất bình. Trong môi trường học đường cần phải có kỉ luật để học sinh nền nếp, quy củ nhưng phạt như thế nào cho trò sợ mà các em vẫn biết mình được yêu thương? Đó là nghệ thuật của người thầy.

Hãy ôm trẻ vào lòng

Gần đây, liên tiếp những vụ việc giáo viên phạt học trò bằng hình thức cho học sinh tát vào mặt bạn, thậm chí đánh học sinh… Điều này khiến nhiều người cho rằng, phải chăng giáo viên là người có đầy uy quyền và muốn làm gì cũng được? Phải chăng các giáo viên không có cách nào khác để giáo dục trẻ? Vậy phạt như thế nào để có tính nhân văn?

Chị Lê Thị Trần Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng: “Trước đây phạt học sinh khác, bây giờ phạt khác. Học sinh cũng như con mình, phạt nhưng không được làm gì ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của các cháu. Quan điểm của tôi là dạy học sinh cần phải ôm các con vào lòng và phối hợp với cha mẹ để giáo dục”.

Cùng quan điểm, chị Phùng Thị Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng cho biết: “Thiếu gì cách phạt học sinh? Phạt bằng cách bắt con làm những việc như trực nhật lớp, viết bản kiểm điểm, chép phạt… nhắc nhở vài lần không được thì mời bố mẹ đến phối hợp tìm cách giải quyết. Tôi quán triệt giáo viên ở trường chỉ nên nhắc nhở học sinh, không được phạt. Các em còn nhỏ, đến phê bình còn phải cân nhắc thì phạt vi phạm đến thân thể học sinh là không được”.

Theo cô Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội), trong giáo dục cần phải phạt nếu học sinh vi phạm kỉ luật nhưng cách phạt phải có tình. Với học sinh tiểu học thì việc các con hiếu động, nghịch ngợm hoặc bắt chước ai đó nói lung tung là điều không thể tránh nhưng các con không phải cố tình làm như thế. Vì vậy, hình thức xử phạt cần mang tính yêu thương, dạy dỗ của người lớn chứ không phải trừng phạt đến mức để các con sợ. Hình phạt có thể là nhắc nhở hoặc trao đổi với bố mẹ hay cho con nhặt rác, làm vệ sinh lớp… để các con biết lỗi của mình”.

Thay đổi nhận thức và hành động

Để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc trong khi dạy học của giáo viên, hiện nay một số trường học đã áp dụng mô hình giáo dục tương đối “lạ” nhằm thay đổi nhận thức của cả cô và trò.

Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lấy giáo dục nhân cách làm nền tảng, từ đó tạo ra sự sáng tạo, linh hoạt và cho học sinh được nói lên tiếng nói của mình. Đó là quyền của các con. Điều này quyết định hướng đi và cách ứng xử của học trò.

Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) luôn lấy giáo dục nhân cách làm nền tảng

Bà Nguyễn Thị Thanh Nương, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ban Mai cho biết, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm và thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để giúp giáo viên nhận thức được ý nghĩa, vai trò của mình khi đứng trước học sinh. Về mặt pháp luật, giáo viên không được phép xúc phạm học sinh dưới mọi hình thức, từ lời nói đến hành vi xâm phạm thân thể. Bên cạnh đó, thầy cô, ai cũng đều có cảm xúc, muốn hướng tới điều tích cực tuy nhiên nhiều khi không kiểm soát được hành vi của mình. Vì vậy, ngoài việc đào tạo giúp thầy cô kiểm soát bản thân thì ở trường còn triển khai chương trình “The Leader in me” với 7 thói quen: “Sống chủ động; Bắt đầu với mục tiêu; Ưu tiên việc quan trọng; Tư duy cùng thắng; Hiểu rồi được hiểu; Hợp lực; Rèn rũa bản thân”. Mục đích của chương trình này là giúp giáo viên và học sinh sống chủ động và biết cách phản ứng với từng tình huống cụ thể trong cuộc sống.

Theo Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ban Mai, nhà trường thường xuyên tổ chức buổi đọc những cuốn sách chung, từ đó giúp thầy cô hiểu rằng, mình muốn dạy được học sinh thì phải học suốt đời. Mình cần phẩm chất gì và dạy học sinh như thế nào? Từ đó giáo viên luôn ý thức được mình phải xây dựng niềm tin đối với học sinh và cách xây dựng niềm tin cụ thể ra sao. Trong mục tiêu năm, nhà trường đề ra: Trường học bình tĩnh, lớp học bình tĩnh, thầy cô bình tĩnh. Với mục tiêu như thế, hàng tháng nhà trường sẽ có chiến dịch cụ thể để thực hiện. Ví dụ, thầy cô chào hỏi học sinh, học sinh chào hỏi thầy cô, tăng cường việc làm tích cực sẽ hướng đến điều tốt đẹp cho nhau. Việc làm đó giúp giáo viên và học sinh đến trường luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Khi thầy cô lúc nào cũng cảm thấy an thì sẽ giảm bớt được căng thẳng, từ đó hạn chế những hành vi không tốt trong quá trình dạy học.

“Đầu mỗi năm học, các thầy cô cùng học sinh xây dựng bộ quy tắc ứng xử của lớp học. Cách xây dựng là cô và trò bàn bạc với nhau về mục tiêu hướng tới và giá trị mong đợi là gì, cùng nhau làm tốt điều gì? Từ giá trị tốt đẹp đó sẽ tạo ra những việc làm cụ thể. Hàng ngày, hàng tuần, cô luôn nhắc lại để các con phấn đấu thực hiện. Những hành động tích cực đó sẽ làm giảm các hành vi không tốt của học sinh. Trong quá trình học, không thể tránh khỏi việc học sinh xung đột với nhau. Mỗi khi xảy ra việc đó, thầy cô đều quay lại giá trị mà các con cùng hướng đến để ứng xử và giải quyết với nhau dựa trên tuyên ngôn của lớp. Lớp nào cũng có một bộ quy tắc ứng xử riêng”, cô Nương cho hay.

Bên cạnh đó, trường Tiểu học Ban Mai cũng xây dựng bộ “Vấn đề của con lớn như thế nào?” theo từng khối lớp. Cô giáo sẽ thảo luận với học sinh xem các con gặp những vấn đề gì khi đến trường như: Con quên đồ dùng, con bị bắt nạt hay con không thuộc bài… Tất những vấn đề làm ảnh hưởng đến cảm xúc của thầy cô hay của học sinh sẽ được hướng dẫn cách xử lí chi tiết theo bộ “Vấn đề của con lớn như thế nào?” đã được xây dựng. Trong các hướng giải quyết, bước cuối cùng thường khuyên nhủ con hãy quay trở lại gặp cô giáo và cô chính là người tư vấn cho con...

Về mặt chuyên môn, nhà trường cũng thường xuyên tập huấn phương pháp dạy học để có được sự tương tác giữa cô và trò. Cô hiểu trò, cả cô và trò đều cảm thấy vui vẻ. Thay vì kiểm soát, cô nên giải phóng và cho học sinh được làm chủ việc học tập, đấy là kĩ thuật mà trường luôn hướng đến.

Lãnh đạo nhà trường quan tâm đến giáo viên, đến nghiệp vụ chuyên môn; giáo viên quan tâm đến học sinh, thay đổi cách giáo dục… Từ đó, tạo nên những nhận thức, hành động cụ thể để thay đổi hành vi; tạo ra môi trường giáo dục tốt, không nảy sinh những hành động thiếu chuẩn mực.

Mai Khôi

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/doi-cach-giao-duc-thay-vi-xu-phat-hoc-tro-d2059702.html