Dời cá chạy hạn - chuyện lạ ở Nam Bộ

Ramsar là vùng đất ngập nước, vậy mà những nhân viên ở đó phải thường xuyên bơm nước vào để cứu cá, thậm chí phải dời cá đi để tránh hạn. Chuyện ngược đời này xảy ra ở Láng Sen và Tràm Chim, hai khu Ramsar ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi đến khu bảo tồn Láng Sen, Long An vào những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7-2016. Dù đã sang mùa mưa nhưng sự khô hạn vẫn còn lưu dấu qua những đám sen queo quắt, úa tàn. Những con rạch khô khốc dọc lối đi như đang “há mõm” đón những cơn mưa đến muộn.

Di dời khẩn vì sợ cá chết hạn

Nhắc tới vùng đất ngập nước Láng Sen, người ta thường nghĩ ngay đến sen, đến cá và các loài chim nước. Ấy vậy mà trong nhiều tháng đầu năm 2016, theo báo cáo của ban quản lý khu bảo tồn Láng Sen, nhiều tiểu khu bị khô cạn đến mức không còn thủy sản thì nói gì đến chim.

Vừa nghe hỏi biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng gì đến vùng đất ngập nước này, anh Nguyễn Công Toại, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Láng Sen, đã thốt lên: “Chưa thấy năm nào khô hạn như năm nay. Nắng nóng kéo dài, nhiều tiểu khu không còn nước, chúng tôi phải dời cá đi nơi khác”.

Dời cá đi nơi khác là sao? Dời bằng cách nào? Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại. Anh Toại giải thích, Láng Sen có nhiều tiểu khu, đợt nắng nóng kéo dài từ đầu năm cho đến khoảng tháng 5-2016 làm cho một số tiểu khu khô nước, vì thế anh em phải gom cá từ các nơi khác sang tiểu khu 10 - khu vực trũng thấp nhất. “Anh em tụi tôi phải bắt cá rồi dùng ghe nhỏ chuyển cá từ chỗ khô hạn sang chỗ có nước. Sau đó, chúng tôi còn phải dùng đến bốn máy bơm thường xuyên bơm nước vào tiểu khu đó trong mấy tháng trời ròng rã để cứu cá và các loài động thực vật khác. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải bơm nước và di dời cá nhiều như thế” - anh Toại nói.

Theo anh Toại, chi phí bơm nước liên tục trong suốt ba tháng lên đến gần 200 triệu đồng, một con số kỷ lục đối với vùng đất nước ngập quanh năm.

Một mất mát nữa đối với Láng Sen là năm 2016 sếu đầu đỏ (loài chim đặc biệt quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới) về rất ít. “Mọi năm sếu đầu đỏ về hơn 10 con nhưng năm nay chỉ còn dưới năm con. Có lẽ do khô hạn quá, đồng cỏ năng - nguồn thức ăn chính của sếu không phát triển nên sếu không về” - anh Toại nhận định.

Láng Sen nằm ở vùng Đồng Tháp Mười, chịu ảnh hưởng nhiều bởi dòng Mêkông nên khi nước trên thượng nguồn bị chặn thì những tác động tiêu cực đến Láng Sen cũng rất lớn.

Thêm mối lo nữa, đó là số phận của những cây lúa ma, thứ được ví là “linh hồn” của vùng ngập nước. “Đặc sản của Láng Sen không chỉ là sen, là súng mà còn có lúa ma. Nhưng năm nay do khô hạn kéo dài nên lúa ma không phát triển, nhiều vùng sen súng cũng héo úa. Khi thiếu nước, cá cũng ít đi, chim sẽ không về… Chúng tác động kiểu dây chuyền như thế” - anh Toại âu lo.

Láng Sen những ngày đầy nước. Ảnh: BST

Láng Sen những ngày đầy nước. Ảnh: BST

Một chú cá xấu số không kịp chạy hạn.

Nhân viên khu bảo tồn Láng Sen cố gắng cứu đàn cá. Ảnh: HN

Nguy cơ mất đi “báu vật”

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Tràm Chim, Đồng Tháp. Cô hướng dẫn viên của khu du lịch Tràm Chim cùng chúng tôi đi xuồng ngắm cảnh nhưng vẻ mặt đầy đăm chiêu, nụ cười có phần gượng gạo. Nhà cô sát Tràm Chim, từ nhỏ đã gắn bó với vùng đất ngập nước nên cô cảm nhận được sức sống ở vùng đất này đang ngày càng xấu đi.

Cô nói: “Dân gian bảo tháng Bảy nước nhảy qua bờ, nhưng giờ này mà nước vẫn chưa thấy tăm hơi. Mọi năm, vào tháng này là chim đã bắt đầu kéo về nườm nượp. Năm nay khô hạn kéo dài, cá không sinh sản nên đến giờ chim chóc mới về lác đác”. Quả thật, khác với mọi năm, năm nay chúng tôi không còn thấy những đàn chim đậu kín những lùm cây hay bay rợp trời mỗi khi thấy động nữa. Vắng bóng chim, cánh đồng cũng buồn mênh mang.

Anh Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế của Tràm Chim cho biết đợt nắng nóng kéo dài đầu năm 2016 đã xảy ra tình trạng cá chết do thiếu nước. Thời tiết bất thường như vậy đã diễn ra nhiều năm rồi, năm nay càng khủng khiếp hơn. Chúng tôi phải bơm nước vào một số khu vực khô hạn để duy trì môi trường sống cho các loài động thực vật, đồng thời cũng để hạn chế cháy.

Về sếu đầu đỏ, đúng là do biến đổi khí hậu, nguồn thức ăn không đảm bảo nên số lượng sếu về Tràm Chim cũng tụt giảm dần theo từng năm. “Những năm 1989-1990 sếu về cả ngàn con nhưng năm 2016 chỉ có 14 con” - ông Hải nói mà không giấu được nỗi thất vọng.

TS Lê Phát Quới, người có nhiều năm nghiên cứu về công tác bảo tồn Khu dự trữ Láng Sen và Tràm Chim lo ngại rằng tình trạng hạn hán kéo dài sẽ làm thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái của cả hai khu Ramsar này. “Khu dự trữ Láng Sen bị thiệt hại nặng hơn so với Tràm Chim. Vì nơi đây có địa hình thấp hơn, được bao quanh bởi sông Vàm Cỏ. Do đó khi hạn hán kéo dài, nước từ thượng nguồn về ít, nước mặn từ biển sẽ lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến khu Láng Sen. Mặt khác, nước về nhiều, gây ngập sâu cũng sẽ gây ra những thay đổi hệ sinh thái”.

Theo ông Quới, cần phải có sự đầu tư cần thiết cho công tác dự báo thời tiết và quản lý thủy văn đối với Láng Sen và cả Tràm Chim. “Nếu công tác dự báo tốt, chúng ta biết trước được những đợt khô hạn kéo dài thì sẽ có cách quản lý thủy văn hợp lý. Ví dụ như sẽ giữ nước dự phòng để mùa khô không phải dời cá hay bơm nước cứu nguy. Hay vào mùa mưa, chúng ta chỉ cần duy trì mức độ ngập phù hợp thì chim mới về nhiều để ăn cá” - ông Quới phân tích.

Nói về tương lai của Láng Sen và Tràm Chim, ông Quới không khỏi ưu tư: “Tôi gắn bó với những vùng đất ngập nước này nhiều năm rồi. Báu vật của vùng này là cây lúa ma, là các loài chim, loài cá. Chúng sống được nhờ hệ sinh thái đất ngập nước lúp súp quanh năm. Do đó, khô hạn kéo dài hay mưa to lũ lớn, nước ngập sâu… cũng đều làm cho hệ sinh thái ở đây thay đổi. Lúc đó, những sản vật của vùng đất này sẽ cạn kiệt dần. Tôi nghĩ chuyện phải dời cá ở khu Ramsar là sự cảnh báo cần thiết để chúng ta có những giải pháp kịp thời cứu lấy vùng đất độc đáo này”.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Long An có tổng diện tích 5.030 ha, được công nhận là khu Ramsar thứ bảy của Việt Nam vào năm 2015. Láng Sen là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước với nhiều quần thể động thực vật phong phú mang tính đặc trưng. Nơi đây có hơn 149 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Các loài cá, loài chim quý hiếm ở Láng Sen như cá tra dầu, chim già đẫy…

Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp có tổng diện tích 7.313 ha, được công nhận là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam vào năm 2012. Nơi đây có hơn 100 loài động vật hoang dã, 40 loài cá và 147 loài chim nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là sếu đầu đỏ.

TRUNG THANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/xuan-dinh-dau-2017/dat-va-nguoi-nam-bo/doi-ca-chay-han-chuyen-la-o-nam-bo-680215.html