Đòi bỏ Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa là thiển cận!

Khi chuyện cải cách tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền có phần 'hạ nhiệt' thì dư luận lại ồn ào chuyện anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) đòi bỏ truyện ngắn 'Chí Phèo' ra khỏi sách Ngữ văn lớp 11. Dĩ nhiên, ý kiến nào mang tính phản biện đều dễ gây chú ý, có điều phản biện không khéo thành cực đoan và thiển cận.

Cảnh phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa dựa trên ba truyện của nhà văn Nam Cao “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc”.

“Cầm đèn, chạy trước ôtô”?

Khi trả lời một tờ báo mạng, anh Hiền lý giải: Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hóa nhưng đây là một nhận xét phiến diện, mang tính áp đặt. Về khía cạnh giáo dục thì hành động của Chí Phèo là đáng lên án và cần phê phán.

Và anh cho rằng hằng ngày xã hội đang chứng kiến biết bao cảnh thương tâm của bạo lực học đường, cướp bóc, cưỡng hiếp, giết người cướp của... mà đa số những đối tượng gây ra nó là trẻ vị thành niên. Những điều xấu rất dễ bị tiêm nhiễm và tác phẩm “Chí Phèo” ít nhiều có những tác động tiêu cực tới nhận thức của các em.

Anh Hiền bảo không phủ nhận những giá trị về mặt nghệ thuật của tác phẩm, nhưng xét về khía cạnh giáo dục thì chúng ta nên cân nhắc một cách thấu đáo hơn đối với sự tác động của nó tới nhận thức của các em… Tóm lại là bỏ “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 và chỉ nên chăng đưa nó vào dạy ở bậc cao hơn hoặc làm tiểu luận tham khảo cho các em...

Xin thưa với anh Hiền, trước đây chưa thấy một nhà giáo dục nào lo cho nhận thức các em bị tác động tiêu cực bởi “Chí Phèo” cả!

Bởi cái cần đáng lo hơn là những trang web đen, những thông tin lá cải cướp, hiếp, giết nhằm mục đích câu “view” tràn ngập thậm chí mô tả tỉ mỉ chi tiết cách hạ thủ trên mạng, hay những món đồ chơi súng, dao nguy hiểm bán nhan nhản ngoài thị trường…

Hơn thế, thế hệ trẻ bây giờ phát triển nhanh cả về nhận thức và hành động, phải luôn cởi mở nhìn nhận và đối thoại với các em một cách bình đẳng và tôn trọng. Đừng nghĩ các em dễ bị lừa, dễ bị tác động bởi từ nhân vật mà anh cho là xấu là Chí Phèo.

Mà xin lỗi, Chí Phèo đâu phải là nhân vật xấu. Cái khát vọng lương thiện luôn cháy trong người Chí Phèo, chỉ có điều ở cái xã hội thực dân phong kiến đó “Ai cho tao làm người lương thiện?”!

“Chí Phèo” được các nhà phê bình văn học và độc giả thừa nhận đây là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao nói riêng và cũng là của dòng văn học hiện thực phê phán (1930-1945) nói chung, có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng không chỉ tới người đọc đương thời rồi cả nhiều thế hệ sau này. Tất cả những giá trị được tồn tại theo thời gian đều có lý do của nó.

Không thể nhìn bằng con mắt cá nhân của một người sống trong xã hội hiện đại để phán xét, phủ nhận một tác phẩm văn học sâu sắc.

Nếu bỏ Chí Phèo nên bỏ nốt Kiều ra?

Nếu ai đó cùng hứng thú đồng ý với anh Hiền đòi bỏ “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa thì e rằng một ngày đẹp trời sẽ có nhà đạo đức học đề xuất bỏ các tác phẩm kiểu như Kiều cho học sinh, rồi phán là “khuyến khích gái bán mình chuộc cha”, hay “các nàng Kiều tân thời, đi làm gái kiếm tiền nuôi gia đình”...

Hãy đặt tác phẩm vào đúng không gian, bối cảnh của xã hội, của nền văn học thời điểm đó. Chí Phèo là một sáng tạo đặc sắc của nhà văn Nam Cao để phê phán xã hội đương thời, sao lại bảo “giáo dục là cuộc sống. Tác phẩm “Chí Phèo” giúp gì cho bạn trong cuộc sống này?”.

Chí ít “Chí Phèo” giúp các em thế hệ sau hiểu thêm về mặt trái trong sự vận hành của xã hội thực dân phong kiến đã xô đẩy những người nông dân vốn lương thiện thành bần cùng hóa, lưu manh hóa.

Anh Hiền hay ai đó lo rằng “nếu chúng ta bảo vệ Chí, ca ngợi Chí khi Chí cưỡng bức Nở, khi Chí uống rượu say, chửi bới và khi cùng quẫn bí bách thì cầm dao giết người...”. và nếu xã hội chỉ tư duy một chiều thì sẽ chậm phát triển. Thật ra, tất cả các nhân vật trong “Chí Phèo”, mà tên gốc là “Đôi lứa xứng đôi”, để chỉ một xã hội đầy rẫy khuyết tật, tạo nên những con người khuyết tật. Và dù họ có le lói khát vọng vươn lên thì cũng bị hủy diệt ngay, bởi cái ác mạnh quá, cái thiện không thể ngoi lên được.

Phản biện bao giờ cũng cần thiết nhưng xin nhớ câu nói nổi tiếng của nhà thơ Rasul Gamzatov (xứ Đaghesstan, thuộc LB Nga): “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai bắn anh bằng đại bác”.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/doi-bo-chi-pheo-ra-khoi-sach-giao-khoa-la-thien-can-580372.ldo