Đổi biển xe kinh doanh vận tải: Có ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp kinh doanh vận tải?

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc đổi biển xe sang màu vàng sẽ tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều DN kinh doanh vận tải của DN.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020/TT-BCA về Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư 58). Trong đó, nhiều nội dung sẽ có hiệu lực kể từ 1-8. Một trong những nội dung quy định mới của Thông tư lần này là việc cấp, đổi biển số cho loại hình xe kinh doanh vận tải.

Cụ thể, tại Điều 11, Thông tư 58 quy định: “Đối với xe kinh doanh vận tải biển số màu trắng sẽ được phép cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp đổi, cấp lại biển số xe. Chủ xe sẽ nộp giấy tờ để làm thủ tục trên theo Điều 7, Điều 9 tại Thông tư này và kèm theo biển số xe”. Bên cạnh đó, biển số xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ có biển số nền màu vàng cam, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, hiện có khoảng 1,6 - 1,7 triệu ôtô kinh doanh vận tải bao gồm xe khách, xe tải và taxi. Tất cả xe kinh doanh vận tải này sẽ phải đổi sang biển màu vàng, kể cả những xe chạy Grab, taxi cũng phải đổi biển để lực lượng chức năng kiểm soát được chặt chẽ quy định về luồng tuyến, đường đi dừng đỗ... Hạn cuối để chuyển đổi biển là ngày 31-12-2021.

Các loại xe taxi, xe kinh doanh vận tải sẽ được đổi sang biển số màu vàng. Ảnh tư liệu

Các loại xe taxi, xe kinh doanh vận tải sẽ được đổi sang biển số màu vàng. Ảnh tư liệu

Theo quy định mới của Bộ Công an, xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ dùng biển số màu vàng, chữ số màu đen từ ngày 1-8. Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi sang biển số màu vàng đối với loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện giúp lực lượng chức năng quản lý, phân biệt tốt hơn các xe hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ với báo chí, Thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, việc phân định màu sắc phương tiện cũng là để thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về đăng kí hệ biển màu biển để nâng cao quản lý. Bên cạnh đó, việc đổi biển số sang màu vàng cam, kích thước lớn hơn sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng nhận biết đây là xe kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát bằng camera an ninh cũng sẽ dễ dàng kiểm soát hơn. Với các xe đã có biển số, tài xế không cần mang xe đến trụ sở đăng ký, chỉ cần điền tờ khai (không phải cà số khung, số máy) và trong 7 ngày, Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương sẽ cấp biển số có màu mới.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân tỏ ra băn khoăn khi việc đổi màu biển số xe sẽ gây ra nhiều khó khăn cho những người kinh doanh dịch vụ vận tải vì mất thời gian, tiền bạc, nhất là khi chủ xe chuyển đổi không kinh doanh vận tải nữa hoặc đang là tài sản thế chấp, vay vốn ngân hàng.

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong thời buổi hiện nay, Chính phủ đang tiến hành tăng cường quản lý phương tiện qua công nghệ thì quy định mới này lại tìm cách quản lý xe hơi bằng màu sắc. Quy định này có thực sự giải quyết được những vấn đề trong công tác quản lý không thì phải tính toán thật kỹ, nhưng những lo lắng về sự phiền hà lãng phí là có. Các DN vận tải khi đăng ký kinh doanh đã phải đáp ứng nhiều điều kiện khác, bây giờ thêm việc đổi màu biển số này cũng như một dạng “giấy phép con”, một dạng thủ tục hành chính.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy thì cho rằng, đề xuất của Bộ Công an và Bộ GTVT đều xuất phát từ mong muốn quản lý tốt đối với các phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ đến các Bộ, ngành địa phương đều luôn mong muốn tháo gỡ khó khăn, giảm bớt thủ tục phiền hà để DN phát triển thì việc buộc đổi biển kiểm soát lại đi ngược điều này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, hiện việc phân biệt phương tiện qua màu biển kiểm soát chỉ có rất ít quốc gia áp dụng. Việt Nam không nên nghiên cứu áp dụng trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn để quản lý và không phát sinh nhiều chi phí cũng như rườm rà cho DN.

Không chỉ các chuyên gia giao thông, nhiều tài xế cũng lo ngại sẽ có nhiều thủ tục, chi phí phát sinh từ quy định mới này. Anh Nguyễn Văn Hưởng, một lái xe taxi ở Hà Đông, chia sẻ: "Phải chuyển đổi biển xe, ít nhiều cũng gây phiền hà cho cánh tài xế chúng tôi. Đó là chưa kể xe của tôi là vay thêm ngân hàng để mua, sau khi đổi biển chắc chắn phải phải làm thêm nhiều thủ tục với ngân hàng…"

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-bien-xe-kinh-doanh-van-tai-co-anh-huong-hoat-dong-doanh-nghiep-kinh-doanh-van-tai-201082.html