'Đôi bên' đều mong muốn không tăng tuổi nghỉ hưu

Hầu hết người lao động, và chủ sử dụng lao động đều không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Đây là ý kiến của nhiều bên liên quan đưa ra trong buổi Tọa đàm Sửa đổi Luật Lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, ngày 17/5.

Dự thảo Luật lao động sử đổi đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến bộ, ngành và các bên liên quan. Một trong số những vấn đề “nóng”, gây nhiều tranh cãi nhất chính là việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng trong nhiều ngành kinh tế tư nhân, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông là chủ yếu thì người lao động và cả doanh nghiệp đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Cách đây 2 ngày 5 Hiệp hội doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nhất (thủy hải sản; may mặc; da giày; điện tử...) đã ngồi với nhau để nghiên cứu về các nội dung trong dự thảo. Sau khi nghiên cứu thì các đơn vị này đều kiến nghị nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu cho lao động đang phải làm công việc trực tiếp. Nếu tăng chỉ tăng tuổi làm việc cho những người giữ chức vụ quản lý.

“Số lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để chờ hưởng sổ hưu trong các doanh nghiệp là rất nhỏ. Rất ít người tham gia đóng BHXH được 10-20 năm, nhiều người chỉ làm được 5-10 năm là nghỉ rồi”, ông Nam nói.

Không chỉ người lao động, bản thân cộng đồng người sử dụng lao động cũng không đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: I.T

Không chỉ người lao động, bản thân cộng đồng người sử dụng lao động cũng không đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: I.T

Chính bởi vậy, theo ông Nam cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn giữ độ tuổi theo luật Lao động hiện hành năm 2012. Lao động đã tham gia đóng BHXH đương nhiên mong có sự bù đắp, được nghỉ hưu sớm để có thể hưởng lương hưu.

Ông Nam cho biết, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp dựa trên sự phân tích thực tiễn. Ban soạn thảo phải quan tâm tới những người lao động có hợp đồng, khu vực chính thức. “Ở góc độ tư nhân, người ta muốn giữ độ tuổi như hiện hành. Chúng tôi chấp nhận, nếu ban soạn thảo đề xuất việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cần phải đề xuất phương án chậm nhất có thể”, ông Nam phân tích.

Không chỉ doanh nghiệp, đại diện người lao động cũng cho rằng không nên nâng tuổi làm việc. Ông Vũ Quang Thọ - Nguyên viện trưởng Viện Công nhân lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Thị trường lao động Việt Nam chưa thiếu lao động, nên chưa nhất thiết phải tăng độ tuổi làm việc. Phụ nữ nghỉ làm việc ở tuổi 55 và nam ở tuổi 60 là phù hợp với hiện tại. Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có thể được xem xét trong tương lai nhưng ít nhất là chưa phải bây giờ”.

Trước hai ý kiến trái chiều, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho rằng, ngoài những nguyên nhân trong tờ trình mà Ban soạn thảo Dự luật Lao động sửa đổi đã đưa ra như: Tốc độ già hóa dân số; tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng cao... thì những số liệu nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy có tới 42% người hưởng hưu trí ở Việt Nam đang làm việc.

Thêm vào đó, thể trạng sức khỏe của người Việt Nam đang rất tốt, chỉ xếp sau Nhật bản, Singapore. Nếu lúc làm Bộ Luật Lao động năm 1994 thì bình quân tuổi thọ của người Việt Nam chỉ là 67 tuổi thì nay tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên tới 76 tuổi. Điều này chứng tỏ tuổi làm việc của Việt Nam đang thấp, chúng ta hoàn toàn có thể nâng tuổi làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu.

“Về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, các phương án đưa ra lộ trình tăng khá chậm. Những ngành nghề bị suy giảm sức khỏe sớm sẽ được xem xét để nghỉ hưu sớm”, ông Thiện nói thêm.

Theo những nghiên cứu của Viện Công nhân công đoàn thì nếu tăng tuổi nghỉ hưu, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm ít nhất là 4.000 người lao động không thoát khỏi thị trường lao động. Trong khi đó, hiện nay mỗi năm Việt Nam có đang có tới 1,1 triệu người thất nghiệp (Số liệu Tổng cục Thống kê trong quý I năm 2019).

Thùy Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/doi-ben-deu-mong-muon-khong-tang-tuoi-nghi-huu-980635.html