Đòi 3,75 tỉ USD không được rồi… 'biến mất'

Sau phán quyết của trọng tài quốc tế, cơ quan chức năng tỉnh lúng túng vì không thể liên lạc được với công ty nước ngoài để thi hành án.

Ngày 27-4, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là trung tâm) đã có văn bản gửi đến các cơ quan chuyên môn đề nghị được hướng dẫn pháp lý về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện công tác bồi thường dự án Khu du lịch South Fork.

Công ty chuyển địa điểm

Ông Michael Lee McKenzie (quốc tịch Mỹ) là chủ tịch HĐQT Công ty TNHH South Fork. Ngày 4-11-2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư xây dựng và kinh doanh tổ hợp du lịch, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển và sân golf tại địa phận xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình với tổng vốn 50 triệu USD cho South Fork.

Đến tháng 11-2009, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho South Fork thuê hơn 330 ha đất trong giai đoạn 1 nhưng hơn một năm South Fork không triển khai hay tác động gì để đầu tư theo cam kết. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi dự án. Sau đó, ông Michael Lee McKenzie đã nộp đơn ra trọng tài quốc tế đòi bồi thường 3,75 tỉ USD.

Năm 2010, công ty luật Dardenne & Boyd, LLP (Mỹ, đại diện cho South Fork) có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận với nội dung: Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận thông báo của trọng tài quốc tế, bắt đầu thủ tục giải quyết tranh chấp giữa South Fork và UBND tỉnh Bình Thuận.

South Fork khởi kiện cho rằng tỉnh Bình Thuận đã không cấp sổ đỏ cho 330 ha đất trong 600 ha đất tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình mà công ty đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư, bị tỉnh thu hồi dự án. Công ty bị thiệt hại do phải thiết kế lại dự án và thất thoát lợi nhuận khi không xây dựng được khu du lịch.

Cuối năm 2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tất cả lập luận và yêu cầu đòi bồi thường của South Fork. Sau phán quyết, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan làm thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật.

Theo trung tâm, ngày 4-5-2015, đơn vị gửi giấy mời South Fork đến làm việc để giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường của dự án trước đây. Nhưng bưu điện chuyển trả lại giấy mời do công ty này đã chuyển đi nơi khác.

Một góc dự án khu du lịch của South Fork trước đây. Ảnh: PN

Một góc dự án khu du lịch của South Fork trước đây. Ảnh: PN

Gỡ vướng cách nào?

Được biết vào năm 2005, South Fork đã ký hợp đồng với trung tâm thực hiện bồi thường cho 55 hộ dân có đất bị thu hồi trong dự án. Trung tâm đã chi cho 18 hộ dân hơn 3,4 tỉ đồng và đến tháng 7-2007, South Fork đã chuyển số tiền trên nhưng còn nợ lại trung tâm gần 100 triệu đồng.

Tháng 9-2017, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đồng ý chấm dứt hoạt động của South Fork do vi phạm Luật Đầu tư 2014. Đến ngày 20-3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có công văn yêu cầu trung tâm thanh lý hợp đồng với South Fork. Công văn nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư không hợp tác hoặc chuyển đi nơi khác, không liên hệ được thì trung tâm lập thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định”. Do không liên hệ được South Fork nên trung tâm có văn bản đề nghị các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn pháp lý.

Ngày 14-6-2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định thi hành án chủ động đối với ông Michael Lee McKenzie. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này cũng không thể tìm được ông Michael Lee McKenzie để yêu cầu thi hành án.

Chiều 27-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận cho biết: Qua xác minh, ông Michael Lee McKenzie không có tài sản gì ở Việt Nam. Cạnh đó, vì không liên lạc được với đương sự nên cơ quan này đã ra quyết định chưa đủ điều kiện thi hành án.

Theo một chuyên gia pháp luật, sở dĩ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lúng túng trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã ký với Công ty South Fork vào năm 2005 là do hợp đồng không ràng buộc điều khoản này. Do đó, để gỡ vướng thì phải áp dụng Điều 428 BLDS.

Cụ thể, trung tâm phải thông báo cho South Fork biết việc chấm dứt hợp đồng và hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm công ty nhận được thông báo. Nhưng trong vụ này, do không liên lạc được với ông McKenzie nên không thể gửi thông báo. Vì thế trung tâm phải yêu cầu tòa án xem xét, tuyên chấm dứt hợp đồng này để có cơ sở thi hành phán quyết của trọng tài.

Trọng tài quốc tế đã làm việc ra sao?

Tháng 8-2011, luật sư Dirk Pulkowski (Thường trực Trọng tài quốc tế) thông báo đến các bên liên quan rằng vụ kiện đã được thụ lý. Ông cùng hai đồng trọng tài viên John Y. Gotanda (Chủ nhiệm, GS luật ĐH Luật Villanova, Mỹ) và GS luật Campell McLachlan (ĐH Luật Victoria ở Wellington) đã chọn ông Neil Kaplan (cố vấn Trọng tài quốc tế ở Hong Kong) làm trọng tài chủ trì trong việc phân xử vụ kiện.

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, tháng 9-2011, thủ tục tố tụng được Hội đồng Trọng tài quốc tế xác lập. Địa điểm nguyên đơn và bị đơn được chọn là London (Anh). Đến đầu tháng 7-2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tổ chức phân xử vụ kiện tại Hong Kong. Sau bốn ngày lắng nghe lập luận của hai bên, phiên xử chấm dứt mà chưa đưa ra phán quyết.

Sau khi “nghị án” kéo dài đến tháng 12-2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã chính thức đưa ra phán quyết bác đơn khởi kiện của South Fork. Trọng tài cũng buộc công ty phải hoàn lại toàn bộ chi phí theo kiện, kể cả phí luật sư và phí trọng tài. Theo một nguồn tin, chi phí South Fork phải trả trong vụ kiện này là 1,6 triệu USD.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/doi-375-ti-usd-khong-duoc-roi-bien-mat-767676.html