Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Người dân có thể khởi kiện!

Vụ việc anh thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng đang gây nhiều tranh luận. Tại sao cơ quan chức năng phát hiện vụ việc từ tháng 1.2018 nhưng nhiều tháng sau UBND TP Cần Thơ mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

Như Dân Việt đã thông tin, anh Nguyễn Cà Rê đổi 100USD lấy gần 2,3 triệu đồng, nhưng số tiền bị phạt lại lên đến 90 triệu đồng.

Cụ thể, anh Rê có đem 100USD (do người thân gửi cho anh) đến một tiệm vàng ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều để đổi ra tiền Việt. Sau khi nhận số tiền Việt gần 2,3 triệu đồng, anh vừa bước ra khỏi tiệm vàng đã bị lực lượng chức năng giữ lại, lập biên bản và tịch thu số tiền.

Vài tháng sau, anh Rê được mời lên làm việc để ký một số biên bản và thông báo về số tiền anh bị phạt. Đến ngày 4.9, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với anh.

Tiệm vàng Thảo Lực, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh Zing.vn.

Được biết, tiệm vàng anh Rê đem USD tới đổi cũng bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 295 triệu đồng với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng vụ việc được phát hiện từ tháng 1.2018 nhưng đến tháng 9.2018 UBND TP Cần Thơ mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là có bất thường.

“7 ngày sau khi lập biên bản phát hiện hành vi vi phạm mà không ban hành quyết định xử phạt coi như không thể ban hành xử phạt được nữa. Khi đó chỉ có thể ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) hoặc có thể tịch thu. Việc có quyết định xử lý vi phạm hành chính như vậy, theo tôi là có khúc mắc, thậm chí là sai” – luật sư Tuấn Anh nói.

Theo luật sư Tuấn Anh, biên bản vi phạm hành chính cần phải được lập ngay sau khi phát hiện hành vi vi phạm. “Nếu lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính quá muộn, biên bản đó có thể sẽ bị hủy, người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định đó” – luật sư Tuấn Anh thông tin thêm.

Người dân có quyền khởi kiện trực tiếp tại tòa không cần phải thông qua khiếu nại đối với những trường hợp tương tự. Đối với những trường hợp đã sai rõ ràng, người dân có thể khiếu nại cơ quan ban hành văn bản quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khi đó cơ quan này sẽ hủy quyết định sai.

Trước thông tin Công an TP Cần Thơ cho biết vụ việc cần được điều tra xác minh nhiều thời gian, sau đó mới có tờ trình UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt, luật sư cho rằng việc điều tra xác minh cũng có thời hạn.

Vì vậy, nếu thấy quyết định xử phạt có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, người dân có thể yêu cầu xem xét lại tính hợp pháp của quyết định này.

PV

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-dong-nguoi-dan-co-the-khoi-kien-924574.html