Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sửa quy định cho dân nhờ!

'Đề nghị Bộ trưởng, Thống đốc NHNN chỉ đạo, thực hiện đúng pháp luật nhưng cái nào chưa hợp lý thì sửa cho dân nhờ' - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về vụ việc xử phạt 90 triệu đồng với người đi đổi 100USD.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chiều ngày 30/10, chất vấn tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) đã đề cập đến trường hợp người thợ điện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng.

“Công an Cần Thơ nhân dịp một doanh nghiệp mua 100 USD trái phép đã khám nhà chủ doanh nghiệp, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc. Việc đó đúng luật pháp hay sai?” - đại biểu Tuấn đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết, ngày 30/1/2018, Công an thành phố Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực) với hành vi thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Từ căn cứ trên, Công an thành phố Cần Thơ đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại nhà ông Lực. Qua khám xét đã tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng...

Thượng tướng Tô Lâm cho biết, ông Lực không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm trên. Công an thành phố Cần Thơ đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính và UBND thành phố Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính.

Hiện công ty của gia đình ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không có khiếu nại hay khởi kiện gì với quyết định của UBND thành phố Cần Thơ.

Đánh giá về vụ việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vụ việc này gây bức xúc trong dư luận xã hội. "Có Nghị định xử phạt nhưng tính chất là người dân có 100 USD đi đổi. Có vi phạm nhưng NHNN cần xem xét sửa lại Nghị định. Việc khám xét nhà phải đúng luật, đúng thời gian. Vụ việc này được báo chí và dư luận rất quan tâm. Đề nghị Bộ trưởng, Thống đốc NHNN chỉ đạo, thực hiện đúng pháp luật nhưng cái nào chưa hợp lý thì sửa cho dân nhờ" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, việc khám xét nhà phải đúng luật và phải thực hiện đúng thời gian. “Phạt hành chính 6-9 tháng rồi sau mới ra quyết định, báo chí và dư luận xã hội rất quan tâm đến việc này” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Hàng trăm băng nhóm đòi nợ thuê

Trước các ý kiến của đại biểu về tình hình cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang tràn về các địa phương, nhất là vùng nông thôn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, đây là một quan hệ về dân sự nhưng mà đằng sau tín dụng đen thường là hoạt động của tổ chức tội phạm.

Theo thống kê trong 4 năm từ 2015 - 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1809 vụ lừa đảo, 3581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Cho đến nay, lực lượng công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

Đánh giá về nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Một là kinh tế trong nước còn có khó khăn, theo đó nhiều cá nhân, công ty, tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn, do đó đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng đen, các điểm cho vay nặng lãi.

Hai là một bộ phận người dân, nhất là thanh niên, không chịu làm ăn, ham mê cá độ cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi không chính đáng của bản thân, khi cần lên thì bất kể một lãi suất nào họ cũng vay.

Ba là các chế tài xử lý đối với đối tượng này chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm chưa đủ sức răn đe, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở một số cơ quan chức năng cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết: Một là phối hợp với các ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn, huy động sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Hai là làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn, các đối tượng bất minh về kinh tế nghi vấn có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có liên quan đến đòi nợ, cầm đồ.

Ba là nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, nhất là các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm tiếp nhận các thông tin liên quan đến tín dụng đen.

Bốn là mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức, các băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật.

Năm là tiếp tục rà soát nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-chu-tich-quoc-hoi-yeu-cau-sua-quy-dinh-cho-dan-nho-618137/