Đọc vị đèn báo lỗi trên bảng điều khiển ô tô

Hãy cùng khám phá một số đèn cảnh báo trên bảng điều khiển phổ biến nhất và ý nghĩa của từng loại.

Đèn check engine (lỗi động cơ)

 Đèn check engine. Ảnh: Caranddriver

Đèn check engine. Ảnh: Caranddriver

Có thể nói đèn báo lỗi check engine (đèn cá vàng) là ác mộng của nhiều tài xế bởi nguyên nhân gây ra lỗi này thường không rõ ràng. Một trục trặc nhỏ ở động cơ hoặc hệ thống khí thải cũng có thể dẫn đến lỗi check engine, từ vấn đề đơn giản như lỏng dây, hở nắp bình xăng, đế từ bị mòn tới những sự cố lớn hơn như hư hỏng khoang máy.

Nếu đèn check engine sáng khi bạn đang lái xe và xe vẫn đang hoạt động bình thường thì bạn không cần hoảng sợ, nhưng cũng không nên bỏ qua lỗi này. Hãy đưa xe đến gara để kiểm tra và xác định nguyên nhân vấn đề bằng cách chạy hệ thống chẩn đoán (OBD).

Nếu đèn bật sáng và xe đột ngột hoạt động bất thường hoặc phát ra tiếng động lạ, bạn hãy tấp vào lề ngay lập tức và gọi xe cứu hộ.

Rất có thể chiếc xe của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như lỗi bugi đánh lửa có thể làm hỏng động cơ ô tô vĩnh viễn. Bỏ qua đèn check engine trong một số trường hợp đồng nghĩa với việc bạn đang làm hỏng hệ thống truyền động của ô tô.

Đèn Battery (Ắc quy)

Đèn Battery. Ảnh: Caranddriver

Lỗi này khá đơn giản, thông thường đèn battery báo hiệu bình ắc quy của ô tô đang sắp cạn. Đừng coi thường nếu thấy đèn battery sáng mà xe vẫn hoạt động bình thường, nó cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân về lỗi hệ thống điện, máy phát hoặc các bộ phận điện tử khác.

Đèn Coolant Temperature (Nước làm mát)

Đèn Coolant Temperature. Ảnh: Caranddriver

Đèn Cool Temperature có hình dạng như chiếc nhiệt kế, thường để báo lỗi khi nước làm mát trên xe đang quá nóng. Nguyên nhân có thể do máy bơm nước bị hỏng; nước làm mát sắp cạn; ống nước làm mát bị rò rỉ, vỡ hoặc thậm chí là hư hỏng chính bộ tản nhiệt. Đây là đèn báo lỗi nghiêm trọng, cần phải khắc phục ngay, tránh dẫn đến hậu quả làm hỏng động cơ vĩnh viễn.

Đèn Transmission Temperature (Hộp số)

Đèn Transmission Temperature. Ảnh: Caranddriver

Khi đèn Transmission Temperature sáng có nghĩa là các chi tiết trong hộp số đang phải làm việc quá tải. Nguyên nhân có thể do xe đang phải chở nặng, dầu hộp số sắp cạn hoặc các chi tiết bên trong hộp số đã bị mài mòn.

Đèn Oil Pressure (Áp suất dầu)

Đèn Oil Pressure. Ảnh: Caranddriver

Đèn áp suất dầu bật sáng đơn giản có nghĩa là xe của bạn đang bị cạn dầu. Ngoài việc hao dầu tự nhiên, động cơ bị rò rỉ, bơm dầu bị hỏng cũng dẫn đến việc dầu bị cạn.

Hãy thử mức dầu trong động cơ bằng que thăm dầu, nếu dầu đang ở mức thấp và khi đổ thêm dầu đèn báo lỗi tắt thì bạn đã gặp may.

Còn trường hợp đổ thêm dầu cũng không khắc phục lỗi đèn báo thì bạn nên đưa xe đến gara càng sớm càng tốt để tránh làm hỏng động cơ.

Đèn Tire Pressure (Áp suất lốp)

Đèn Tire Pressure. Ảnh: Caranddriver

Trong các xe hơi hiện đại, cảnh báo áp suất lốp thường nằm trên màn hình điều khiển hoặc ở Menu trên màn hình giải trí, để cho tài xế biết chính xác áp suất lốp ở mỗi bánh xe. Khi một chiếc lốp có áp suất thấp hơn đáng kể so với những chiếc lốp khác, hãy dừng xe và bơm hơi ngay lập tức. Khởi động lại và quan sát xem đèn cảnh báo có tắt sau vài phút hay không. Nếu không được bơm hơi đầy đủ, lốp xe sẽ bị hỏng nhanh chóng.

Đèn Brake system (Hệ thống phanh)

Đèn Brake system. Ảnh: Caranddriver

Đèn báo lỗi phanh thường bật sáng khi người lái lùi xe trong khi phanh tay được gài. Một số nguyên nhân khác có thể má phanh bị mòn, dầu phanh cạn hoặc hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) có vấn đề.

Tương tự, khi đèn báo lỗi ABS sáng lên, thường bắt nguồn do nguyên nhân cảm biến tốc độ bánh xe bị lỗi, hoặc hệ thống điện bị lỗi khiến cho tính năng ABS không được kích hoạt.

Bạn vẫn có thể lái xe mà không cần ABS nhưng nên sửa chữa càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn trong trường hợp cần sử dụng phanh khẩn cấp.

Đèn Traction, Stability Control (Kiểm soát độ bám đường, cân bằng)

Đèn Traction, Stability Control. Ảnh: Caranddriver

Hãy nhớ rằng đèn kiểm soát độ bám đường và kiểm soát độ ổn định sẽ bật sáng khi hệ thống được kích hoạt. Khi lái xe dưới trời mưa rất có thể bạn sẽ thấy đèn báo này sáng lên. Điều đó chỉ có nghĩa là các tính năng này đang hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, nếu đèn bật sáng khi ô tô của bạn đang chạy với tốc độ vừa phải trong điều kiện thời tiết bình thường thì có thể là do lỗi hệ thống. Nguyên nhân phổ biến thường là do lỗi cảm biến tốc độ bánh xe.

Đèn Airbag (Túi khí)

Đèn Airbag. Ảnh: Caranddriver

Nếu đèn Túi khí bật sáng khi bạn mới khởi động xe, điều này là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu đèn vẫn sáng sau khi xe hoạt động được một thời gian có nghĩa là hệ thống túi khí đang gặp vấn đề, nó sẽ không đảm bảo an toàn cho bạn trong trường hợp có tai nạn xảy ra.

Đèn Lamp out (Lỗi đèn)

Đèn Lamp out. Ảnh: Caranddriver

Đèn báo lỗi này bật sáng khi đèn pha hoặc đèn hậu trên xe của bạn gặp vấn đề.

Các đèn báo nước cần gạt, cửa mở, cạn nhiên liệu

3 đèn báo lỗi cơ bản. Ảnh: Caranddriver

Đây là ba đèn báo cơ bản mà mọi lái xe đều biết.

Đèn báo nước cần gạt cho tài xế biết xe đang thiếu nước rửa ở cần gạt. Đây không phải là vấn đề lớn trừ khi kính chắn gió của bạn đang quá bẩn. Đèn báo mở cửa cho biết cửa xe đang đóng chưa khít. Đèn báo cạn nhiên liệu cho biết xe đang sắp cạn xăng, khi quan sát mũi tên dọc theo đèn báo nhiên liệu, bạn sẽ biết nắp bình xăng nằm ở phía nào của xe.

Ngân Vũ (Theo Caranddriver)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/tu-van/do-c-vi-de-n-ba-o-lo-i-tren-ba-ng-die-u-khie-n-o-to-722281.html