Đọc và ngẫm về một môn học

Tôi đọc bài của TS Nguyễn Ngọc Chu về giáo dục, cụ thể về một môn học 'Lý-Hóa-Sinh' biên soạn cho học sinh THCS, tôi tán thành nhiều điều ông bàn. Tôi không biết gì về giáo dục phổ thông, lại càng không biết gì về chương trình dành cho các cháu trong môn học mang tính chất tổng hợp này thế nào nên không dám có ý gì. Nhưng tôi tán thành cách tiếp cận vấn đề mà ông nêu, những kiến nghị ông viết, nỗi lo lắng của ông trước những cải cách đang thực hiện liệu có đạt được những hiệu quả như mong muốn không? Đúng là giáo dục đang có những vấn đề không ổn và đang trở thành nỗi lo của mọi nhà.

Tôi lại nhớ đến một chuyện từ hơn 20 năm trước, cũng bắt đầu từ một khao khát thay đổi, một sự chuẩn bị công phu nhưng rồi không thực hiện được vì không khả thi cũng với một môn học.

Do thiếu những quy định cụ thể, trong chương trình đào tạo Ngữ văn ở bậc đại học được xây dựng rất khác nhau. Mỗi trường, do mục tiêu và lực lượng của mình đã xây dựng những khung ngành học và môn học... theo những gì mình có. Khi cải cách, môn Nhập môn Ngữ văn được xây dựng lại, trong đó tính/ sự tổng hợp và tích hợp các tri thức Ngữ văn được thiết kế rất công phu, sâu và hay. Thời lượng vừa phải, tính chất đại cương rất đảm bảo, tính khoa học và logic của môn học được các chuyên gia tán thưởng. Bởi học xong môn này những tri thức về Văn học dân gian, Văn học cổ-trung đại, văn học đương đại, Ngôn ngữ đại cương, Hán Nôm, Lý luận văn học đủ cho người học nếu muốn đi sâu vào chuyên ngành có thể từ đây mà học tiếp một cách bài bản. Nhưng, lại nhưng, đến khi tìm người có đủ tri thức để dạy môn này thì không kiếm đâu ra, ngay cả người soạn chương trình này cũng bí. Bởi mỗi môn học có đối tượng riêng, có phương pháp riêng, thao tác nghiên cứu riêng... Và không phải ngẫu nhiên, có các bộ môn Văn học dân gian, Văn học cổ trung đại, Văn học hiện đại, Hán Nôm, Ngôn ngữ học, Lý luận văn học riêng, mỗi bộ môn lại có những lĩnh vực chuyên môn hẹp nữa mà chúng tôi, dù làm ở cùng ngành cũng không hiểu hết chuyên môn của nhau. Nếu chương trình này được thông qua, môn học có tính đại cương này, khi dạy sẽ trở thành rất đại khái vì thầy cũng hiểu lơ mơ phần không thuộc chuyên môn của mình thì làm sao chuyển tải cho sinh viên được. Mà nhiều người dạy một môn cũng không ổn. Thế là môn học này phải bỏ.

Có người sẽ bảo: tại các anh kém. Có thể thế nhưng cũng cần nói lại rằng chính sách, chủ trương đưa ra không sát hợp, không tưởng là phản khoa học. Chính sách cần chính xác ở tầm vĩ mô, lâu dài chứ không phải lúc nào cũng là những cái cụ thể, chi tiết vì chính sách phải ở tầm chính sách còn quy định mới là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách. Nhầm cái nọ với cái kia rất dễ loạn cờ. Cấp chiến lược đừng bao giờ chỉ nghĩ chuyện điều hành vì chiến lược cần tư tưởng, cấp điều hành mới cần làm cụ thể.

Ngành giáo dục đang tìm triết lý giáo dục, đang cải cách. Điều đó cần. Người ta nói nhiều rồi và tôi không dám lạm bàn vì không đủ tri thức nói về chuyện to tát ấy. Song tôi ngẫm ba tư tưởng cốt lõi mà triết lý nào, cải cách nào cũng không ra ngoài được, nhân loại đã tổng kết rồi là khoa học, khai phóng và hiện đại. Đừng làm không giống ai rồi tự huyễn hoặc ta đi bằng con đường của ta, thế mới là đột phá. Thế giới đang hướng tới những chuẩn mực, ta cũng không thể khác và đó là con đường ngắn nhất đến với đích đã chọn và cần phải đến. Với một môn học cũng vậy. Cái gì cần thì học, học cẩn thận, học để dùng, cái gì không cần thì bỏ, đừng cái gì cũng học lớt phớt rồi không dùng được. Cụ Nguyễn Khuyến có câu thơ dạy con rất hay về điều này: “Học hải yếm nghi phù phiếm dật”, nghĩa là bể học mênh mông, tối kỵ học những gì phù phiếm”. Bởi đó là điều cần cho con người nhờ có học mà trở thành người tự do và có khao khát sáng tạo cho mình và cho cộng đồng, để được hạnh phúc.

Phạm Quang Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/doc-va-ngam-ve-mot-mon-hoc-83433