Đọc truyện ký 'Kiều bào với Trường Sa' của nữ nhà văn Hiệu Constant

'Thêm một cột mốc chủ quyền cắm cho quần đảo Trường Sa' - nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định chắc nịch khi viết những dòng giới thiệu cuốn truyện ký 'Kiều bào với Trường Sa' của nữ nhà văn Việt kiều Pháp Hiệu Constant.

Truyện ký "Kiều bào với Trường Sa" của nữ nhà văn Hiệu Constant. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Truyện ký "Kiều bào với Trường Sa" của nữ nhà văn Hiệu Constant. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trường Sa là một vùng lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam. Quá khứ và hiện tại đầy hào hùng của “dải cát dài” Trường Sa khiến khi chỉ nghe tin được ra thăm đảo thôi cũng khiến những người có cơ hội hân hoan, vui sướng, hồi hộp và cả tự hào đến mất ngủ. Và đó cũng là tâm trạng của nữ nhà văn về với Tổ quốc từ nước Pháp xa xôi Hiệu Constant.

Truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nữ nhà văn Việt kiều Pháp Hiệu Constant do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành vào tháng 5/2021 là câu chuyện chân thật mà cảm động về chuyến ra thăm quần đảo dấu yêu của đoàn kiều bào tới từ 24 quốc gia trên thế giới.

Đoàn bà con Việt kiều trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2018, Hiệu Constant có mặt trong Đoàn công tác số 10 gồm 70 kiều bào sinh sống ở nhiều nước trên thế giới ra thăm Trường Sa. Phải mất 3 năm để những dòng ghi nhớ, những xúc cảm nén chặt được thành hình bằng cuốn truyện ký dày 185 trang.

Hiệu Constant tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Pháp, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện chị sinh sống, làm việc tại Pháp, là dịch giả của hàng chục đầu sách và là tác giả của 5 tiểu thuyết, truyện dài đã xuất bản trong nước "Côn trùng", "Đường vắng", "Đời du học", "À bientot… hẹn gặp lại", "Tiếng dế" cùng tự truyện "Làm dâu nước Pháp".

“Sau hải trình 10 ngày lênh đênh trên biển, đoàn công tác số 10 trên con tàu KN 491 đã trở thành một gia đình đặc biệt, nơi ấy đầy ắp tình yêu quê hương, biển đảo, tràn ngập tiếng cười, và nhất là sự xúc động, rất nhiều xúc động mà đôi khi không thể nói được bằng lời. Với một nhà văn như tôi thì khi ấy mọi câu chữ cũng trở nên vô duyên hoặc không thể diễn tả hết được những trạng thái tình cảm” - Hiệu Constant giãi bày về câu chữ của mình như thế.

Mở đầu câu chuyện bằng “Trữ tình ngoại đề”, Hiệu Constant kể về mối nhân duyên với người lính hải quân thủa còn thơ bé, với biển, đảo, với những áng văn thơ về Trường Sa của những nhà văn đàn anh mà chị hằng ngưỡng mộ là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà văn tự nhận mình là người ghi lại những gì mắt thấy, chép lại những kỷ niệm của chuyến đi thông qua chính lời kể của các kiều bào. Để rồi, từng trang viết là cảm nhận của những người con xa về vùng đất Việt, đồng bào Việt.

Kiều bào và chiến sỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Trường Sa - Một lần là mãi mãi” cho chúng ta gặp một Trường Sa mới, Trường Sa của ngày hôm nay. Trên đảo có chùa, có trường học, bệnh xá. Nhiều đảo đã có điện, có sóng truyền hình, đài phát thanh và điện thoại di động. Bất cứ lúc nào, các chiến sĩ cũng có thể gặp được người thân. Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1/18... những hòn đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa không còn xa cách nữa. “Những ngôi chùa ở Trường Sa - Cột mốc tâm linh” cho ta thấy các công trình được xây dựng trên đảo đang khẳng định rõ Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.

Từng câu chuyện trong truyện ký thật mà rất tình, hẳn sẽ dễ dàng lấy được nước mắt của người đọc bởi mỗi tiếng Trường Sa đều linh thiêng, đều mang sợi dây kết nối trong tâm tưởng với từng con người Việt Nam. “Đây là những tư liệu rất quý cho chúng ta biết vẻ đẹp của quân và dân Trường Sa, những người đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

Toàn đoàn làm lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau này, Hiệu Constant tâm sự: “Với cá nhân tôi, thì có lẽ hai sự kiện ghi dấu ấn nhất mà cho đến tận bây giờ đã 3 năm trôi qua mà những hình ảnh đó, những âm thanh ấy vẫn luôn hiển hiện và văng vẳng trong đầu tôi.

Lần thứ nhất là khi đoàn làm lễ tưởng niệm và tri ân các cán bộ chiến sỹ đã hy sinh vì biển đảo Việt Nam và nhất là 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, phải nói là rất xúc động. Và sau đó là đêm mà đoàn chúng tôi rời đảo Trường Sa lớn. Có lẽ sẽ không một đại biểu nào quên được, những tiếng hát vang còn văng vẳng và những câu như "Kiều bào yêu Trường Sa" và từ dưới vọng lên là "Trường Sa yêu kiều bào", cứ lưu luyến như thế. Những cánh tay vẫy. Và cả những giọt nước mắt trên những khuôn mặt đang cười.”

Trong phần viết “Những nhân vật đặc biệt”, anh Lý Thừa Vĩnh, hậu duệ thuộc đời thứ 28 của vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc - một trong những thành viên của chuyến hải trình ra đảo xa ấy, chia sẻ với nữ nhà văn: “Tôi đã có lần đã phát biểu trước vài ngàn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Bài phát biểu của tôi dài cả một trang A4, và khi kết thúc, tôi đã nói lớn “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Đó là tinh thần mình khẳng định chủ quyền của mình. Tôi hy vọng lớp trẻ cũng tin tưởng vào điều ấy và có những hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền của đất nước.”

Triển lãm Biển đảo Việt Nam tại Pháp 30/3/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi là người may mắn, đã từng hai lần đến Trường Sa. Hai chuyến hải trình mang tôi đến hầu hết những vùng đảo chìm, đảo nổi, những doi cát và cả nhà dàn sừng sững giữa biển khơi - nơi phên dậu của đất mẹ. Ngày đêm, tôi vẫn mong nhớ đến chốn ấy. Lẽ đó, tôi càng thêm hiểu, thêm thấm thía những gì Kiều bào ta đã được chứng kiến, nhìn ngắm, được yêu, được hiểu mỗi ngày sống và chiến đấu của người lính ngoài đảo xa; nỗi xúc động khi được hòa vào lễ chào cờ, lễ tưởng nhớ chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma cùng người chiến sĩ hải quân. “Kiều bào với Trường Sa” đưa tôi một lần nữa, chạm tới cột mốc trong tim - Trường Sa.

Minh Thy/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/sang-tac/doc-truyen-ky-kieu-bao-voi-truong-sa-cua-nu-nha-van-hieu-constant-20210620142957540.htm