'Độc thủ huyền cầm' bên sông Tiền

Những năm tháng buồn tẻ của cuộc đời không ít lần đẩy ông vào suy nghĩ tiêu cực, muốn kết thúc số phận. Nhưng rồi tiếng đàn đã cứu rỗi tâm hồn của người đàn ông một tay này...

"Độc thủ" lục huyền cầm

Chúng tôi đặt chân lên cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sau một chuyến phà mênh mang sóng nước. Căn nhà của ông Hai bình dị, đơn sơ, có lẽ thứ mà ông trân quý nhất chính là cây đàn ghita độc dị của mình.

Ở cù lao Ngũ Hiệp, ngón đàn của ông Thái Văn Hai trở thành đặc sản về tinh thần. Chỉ bằng một bàn tay trái, nhưng tiếng đàn của người nghệ sĩ đã bước qua tuổi 70 này làm biết bao trái tim thổn thức.

Bổn phận làm người đã ban cho ông đôi mắt sáng rực và một tâm hồn cảm nhạc thiên bẩm. Nhưng số phận lại trớ trêu khi cướp mất cánh tay phải của ông, đẩy ông xuống tận cùng của bi kịch.

Hơn 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về ngày bị đứt lìa cánh tay khỏi cơ thể lúc nào cũng ám ảnh ông Thái Văn Hai. Đó là một ngày chiến tranh tràn qua xóm nhỏ, cậu bé Thái Văn Hai khi ấy vừa tròn 10 tuổi, hoảng loạn chạy trốn tìm nơi ẩn náu thì bất ngờ bị một viên đạn xé nát cánh tay phải, xương ống tay dập vỡ. Y tế thời bấy giờ còn khó khăn và nhiều hạn chế, bác sĩ chỉ có thể cắt đứt cánh tay để bảo toàn mạng sống cho Hai.

Sống trên đời bằng một cánh tay trái, Thái Văn Hai trở thành người khuyết tật mang đầy tự ti. Những ngày đầu, trạng thái chênh vênh bủa vây lấy suy nghĩ của Thái Văn Hai, vừa đau đớn, lại vừa mặc cảm và nghĩ đến cái chết.

Tiếng đàn đã cứu rỗi cuộc đời của ông Hai.

Tiếng đàn đã cứu rỗi cuộc đời của ông Hai.

Thân hình gầy gò, ốm nhắt, Thái Văn Hai không thể làm được gì chỉ với một cánh tay trái. Ngày đó, đờn ca tài tử chính là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của bà con miệt sông Tiền.

Ai cũng đam mê giai điệu da diết, trầm buồn của làn điệu đờn ca tài tử, nhà nhà hát, người người hát, họ hát bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có một cây ghita bên người.

Cậu bé Hai theo người lớn đi nghe hát rồi mê mẩn lúc nào không hay. Thời đó chỉ có thể nghe trong đĩa hát chứ chưa có máy cassette như sau này.

Các thầy đàn nổi tiếng như Văn Dĩ, Năm Cơ đã trở thành thần tượng trong tiềm thức của ông Hai. Quá mê mẩn với tiếng đàn, Hai đi xem quên cả đường về ăn cơm; cứ đắm đuối nhìn vào ngón tay của thầy đàn, rồi len lén vuốt ve dây đàn.

16 tuổi, Hai bắt đầu tập đờn trên 5 ngón tay trái khẳng khiu, tréo ngoe, yếu ớt. Sau mỗi bài tập, các ngón tay tê cứng, sưng bầm đau buốt. Các ngón tay cứ đụng vào dây đàn là bị chẻ ra khiến âm thanh của bài vọng cổ không chuẩn xác.

Suốt 3 năm đầu tiên, Hai chỉ tập ngón tay cho thuần thục, sau đó mới tập đến chỉnh âm. Anh em chơi vọng cổ với nhau đã thẳng thắn bảo rằng: “Mày chỉ khều khều vậy thôi chứ suốt đời không chơi đàn được đâu”.

Nén nỗi buồn vào trong, bỏ ngoài tai những hoài nghi, dị nghị, Hai lầm lũi làm bạn với cây đàn. Ông quyết định tìm thầy học đàn mong muốn trở thành một tay đờn chuyên nghiệp.

Sư phụ của ông là Sáu Phước, một thầy đàn nổi tiếng vùng Cai Lậy đã tận tâm dạy cho Hai những thao tác, kỹ thuật đàn. Tuy nhiên, việc đánh đàn một tay thì không ai có thể dạy được, mà phải tự chàng trai mày mò, tập luyện. Để thành thục các phím đờn, Hai đã mất 10 năm khổ luyện.

Ngôi nhà nhỏ trên cù lao Ngũ Hiệp ngày ngày âm vang tiếng đàn của người nghệ sĩ già.

Đàn là môn nghệ thuật đòi hỏi phải có hai bàn tay để so dây, nắn phím. Với tay đờn “độc thủ”, 5 ngón của bàn tay trái sẽ luân phiên bấm và gẩy. Ngón trỏ bấm thì ngón giữa khẩy, ngón út khẩy thì ngón giữa bấm, nếu hai ngón bấm dây đàn thì hai ngón còn lại khẩy một cách nhịp nhàng, 4/5 ngón tay (trừ ngón cái) lúc nào cũng hoạt động.

So với các bậc cao thủ một thời như Văn Dĩ, Văn Giỏi thì tài năng của Hai chưa thể bằng. Tuy nhiên, đàn ghita phím lõm thì nhiều người phải thừa nhận Thái Văn Hai là “Độc thủ lục huyền cầm”. Ông Hai cười, bảo rằng mình không xứng đáng với danh hiệu đó.

Trở thành tay đờn giỏi, Hai có thể đi chơi đờn với các bậc trung niên trong vùng, tiếng đờn du dương, thanh thoát, trầm bổng không thua kém một ai.

Sau này, các điệu lý hiện đại cho tới sân khấu cải lương, Hai không được học nhưng vẫn đờn ngon lành khiến dân tình sửng sốt ngạc nhiên. Ông cho biết: “Bởi vì mình đã nắm được “linh hồn” của cây đàn rồi nên việc sử dụng nó, dù trong thời đại nào vẫn không phải là trở ngại”.

Ở cù lao Ngũ Hiệp, các nghệ sĩ tên tuổi thường hay về biểu diễn như Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Tuấn Giao... và ông Hai vinh dự là tay đờn cho các nghệ sĩ gạo cội này cất cao tiếng hát.

Người nghệ sĩ già nhỏ bé, bình dị nhưng tiếng đàn từ một bàn tay như được thổi một luồng sức mạnh để nó bay cao, cao mãi, trở thành bản hòa tấu tuyệt vời nơi sông nước miền Tây. Trong các cuộc thi từ cấp xã tới cấp tỉnh, ông Hai luôn giành giải cao.

Năm 1998, qua tiết mục độc tấu ghita phím lõm, ông vinh dự được tặng thưởng Huy chương Vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 9. Năm 2005, ông đạt giải đặc biệt tiếng hát đồng quê do UBND huyện Cai Lậy tổ chức.

Thầy đàn Thái Văn Hai tham gia cuộc thi “Mãi mãi thanh xuân” của HTV 7 năm 2018.

Tìm lại chính mình nhờ tiếng đàn

Là nghệ sĩ làng quê, hễ nhà nào có đám tiệc mời là ông Hai ôm đàn đi phục vụ. Tiền thù lao không nhiều, mỗi buổi diễn, catse của ông chỉ được 500 ngàn. Hôm nào bà con nghe vui, thích thú thì cho thêm một ít nữa. Trung bình một tuần ông có khoảng từ một đến hai buổi. Dù ít dù nhiều nhưng ông luôn hào hứng và cảm thấy hạnh phúc.

Phương tiện đi diễn của ông Hai là chiếc xe Honda 50 cũ kỹ. Ông đeo chiếc đờn sau lưng, một tay chạy xe như dị nhân đường phố. Khả năng chạy xe máy “độc chi” của ông Hai cũng tài tình như ngón đàn của ông vậy.

Đi diễn ở quanh làng thì ông mới dùng cây đàn của mình, còn biểu diễn ở các sân khấu lớn hơn một chút thì ông mượn cây đàn có âm thanh to và kiểu dáng sang chảnh hơn cho phù hợp.

Thời trai trẻ, ngón đàn của Thái Văn Hai đi khắp miệt Cửu Long, lấy đi biết bao da diết, xao xuyến của người đời. Những ngày lang thang cầm ca theo tiếng đàn, cô gái Trần Thị Đắc ở tận Sóc Trăng đã phải lòng chàng trai khuyết tật.

Quen nhau chóng vánh, nhưng tiếng đàn như sợi tơ kết dính, tình cảm ngỡ như định mệnh, để rồi cô Đắc tình nguyện theo anh về ngôi nhà lá bên sông Tiền vun vén một gia đình êm ấm, với 3 đứa con, hai trai, một gái.

Sống giữa “thủ phủ” trái cây nhưng gia đình ông Hai không có nhiều đất đai nên kinh tế chỉ trông vào tiếng đờn của ông. Các con có gia đình đều ra riêng, đứa ở Long An, người về Sóc Trăng.

Ông bà đang sống cùng gia đình cô gái út, chàng rể làm phụ hồ bữa có bữa không. Cuộc sống eo hẹp, nhưng bao nhiêu năm qua, ông Hai vẫn hài lòng với những gì mình đang có, thiếu một chút thì gói ghém vào, rồi cũng xong.

Với ông, tiếng đàn là buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, bất hạnh, là cả cuộc đời. Ngày nào không biểu diễn, ông lại cầm cuốc ra vườn đào đất, trồng cây, rồi cầm kéo cắt tỉa cành sầu riêng.

Ông chỉ làm bằng một tay, việc có chậm hơn nhưng vẫn trôi chảy, hanh thông. Khi rảnh, ông mang cây đàn ra trước bờ kênh, bên rặng dừa nước xanh rì tự đàn tự nghe. Giai điệu ấy, dù chỉ còn một ngày được sống, nó vẫn là món quà quý giá nhất đối với ông.

Ông Hai ước mơ truyền lại nghề cho học trò, ông từng mở lớp dạy được một thời gian thì người học “rơi rụng” dần rồi chẳng còn ai theo đuổi được nghề nữa. Ông Hai buồn rầu: “Cũng vì cơm áo mà triệt tiêu hết cả đam mê. Tôi buồn và trăn trở lắm”.

Ngọc Thiện - Cát Tường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/doc-thu-huyen-cam-ben-song-tien-593144/