Đọc thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nghĩ về nhiệm vụ trau dồi phẩm chất đạo đức của người thầy

Một trong nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tới các nhà giáo, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục ngay sau ngày nhậm chức là những trăn trở nghề và sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại

Dù đó là khát vọng ngàn đời của các nhà giáo nhưng lại khiến tất cả những người làm công tác giáo dục thêm sự lắng kết, nghĩ suy về trách nhiệm làm thầy.

Những trăn trở về nghề

Mở đầu bức thư của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Ngành Giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn. Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng.

Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành Giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”.

Bộ trưởng cho rằng, để làm được điều đó thì “việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy”. Sự đổi mới người thầy đó không ở đâu xa, theo như Bộ trưởng đó chính là “sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn”.

Có thể nói một cách khác, sự đổi mới đó đòi hỏi ở chính sự tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, cùng những phẩm chất tự học của đội ngũ nhà giáo để thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn giáo dục.

Thực tế những yêu cầu đó thời nào cũng cần thiết đối với nghề dạy học, nhưng có lẽ nó đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi giờ đây cái sứ mệnh, nhiệm vụ của mỗi người thầy đã được chỉ rõ không phải chỉ dạy, mà còn phải từng bước dạy cho người học biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu, phát hiện ra điều mới… nghĩa là phát huy tích cực nội lực của mình để thông qua tri thức mà phát triển trí tuệ, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, chứ không phải chỉ tiếp thu tri thức một cách thụ động, dù là tri thức tiên tiến.

Nói cách khác là nhiệm vụ mỗi người thầy là thông qua giáo dục mà đánh thức tiềm năng trong mỗi HS, SV, khơi dậy và phát triển cái nội lực đó của người học. Đó thực sự là một công việc không dễ chút nào, bởi thực tế xã hội đang có những chuyển biến chóng mặt, ở đó nhiều vấn đề, nhiều kiến thức, nhiều quan niệm mới hôm qua còn được chấp nhận, hôm nay đã có thể không còn thích hợp nữa…

Cũng chính từ mục tiêu của sự nghiệp giáo dục đào tạo, là không phải chỉ nhằm tạo ra con người làm ngay được một nghề nghiệp, một công việc cụ thể trước mắt, mà còn phải nhìn xa hơn, đào tạo những con người có khả năng thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh, những nghề nghiệp, những công việc luôn luôn thay đổi sau này, những con người thạo việc, năng động, sáng tạo, biết lo cho bản thân, cho cộng đồng, đồng thời cũng là những công dân có trách nhiệm với xã hội, với đất nước…

Nhất là khi ngày nay trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp GD-ĐT. Vị thế, vị trí người thầy được xem là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Điều đó cũng đồng nghĩa vai trò trách nhiệm người thầy càng có vị trí đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự lao động của người thầy càng phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc.

Cô và trò Trường THPT Trần Phú, Hà Nội.

Nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người thầy

Từ thư của Bộ trưởng, một trong những công việc rất cần được mỗi người dạy học phải bắt tay vào làm ngay lúc này là phải không ngừng tự hoàn thiện mình, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Mỗi giáo chức phải không ngừng cập nhật tri thức khoa học, kỹ thuật công nghệ và giáo dục hiện đại, để theo kịp các bước tiến khoa học và đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn đặt ra cho sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó phải luôn lấy yếu tố đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp làm hàng đầu qua việc không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với chính mình và xã hội.

Ngoài ra mỗi người thầy cũng cần phải thường xuyên tiếp thu, lắng nghe sự đóng góp chân thành từ phía đồng nghiệp và người học; nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những ưu điểm và những khiếm khuyết của bản thân trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu; cần tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ, tôn vinh, đánh bóng uy tín của mình và tìm cách hạ uy tín của người khác...

Nói một cách chung nhất đó là mỗi người thầy phải có thế giới quan khoa học đúng đắn, phải được đào tạo một cách có hệ thống, có trình độ về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn mà mình giảng dạy. Đồng thời, nhà giáo phải có trình độ nhất định về các môn khoa học cơ bản, khoa học công nghệ ứng dụng, kĩ thuật và khoa học xã hội nhân văn.

Mặt khác, nhà giáo phải có năng lực chọn lọc các tri thức cơ bản, hiện đại thực tiễn, phù hợp với phương pháp giáo dục của bậc học, để có thể chuyển tải nội dung môn học tới học sinh một cách hấp dẫn, phải không ngừng rèn luyện, trau dồi cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp và phải học hỏi suốt cuộc đời. Bởi kiến thức khoa học, xã hội rất rộng lớn, những phát minh, khám phá, kỹ thuật hiện đại thì thay đổi hằng ngày, cho nên người thầy phải cập nhật, học hỏi để có thể theo kịp thời đại.

Hơn thế, giáo dục ngoài tính chất là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Người thầy giáo giỏi cần nắm chắc về chuyên môn và giỏi về nghệ thuật truyền đạt; biết gìn giữ tôn nghiên về nghề…

Có thể nói sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với nền giáo dục, đào tạo nói chung và việc lưu giữ, phát huy những giá trị cao đẹp của đạo đức người thầy trong truyền thống nói riêng. Để tạo ra một lớp người Việt Nam cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta hội nhập với văn minh nhân loại mà bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững, là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng trong đó người thầy giữ vai trò yếu tố quyết định.

Tập thể người thầy, cá nhân người thầy không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong mẫu mực của nhà giáo xã hội chủ nghĩa. Phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm, thực sự là những “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/doc-thu-cua-bo-truong-bo-gddt-nghi-ve-nhiem-vu-trau-doi-pham-chat-dao-duc-cua-nguoi-thay-kKhIhyXGg.html