Dọc theo cung đường ma túy xuyên quốc gia

Hai tỉnh Điện Biên và Sơn La từ lâu đã trở thành điểm nóng về buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy. Phần lớn các nạn nhân là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế nên mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc, nhưng vấn nạn trên vẫn tồn tại và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều xã, khu vực trọng điểm trên biên giới 2 tỉnh này, việc buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy diễn ra hằng ngày.

Bài 1: Nóng bỏng vùng biên giới Sơn La

Với 250km đường biên giới, địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, dân trí thấp lại rất gần khu "Tam giác vàng" - "vương quốc" của ma túy, nên từ lâu khu vực biên giới tỉnh Sơn La đã được các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy chọn làm địa bàn trung chuyển "hàng" từ Lào vào Việt Nam.

Ma túy "len lỏi" trên các vùng biên giới

Từ thị trấn Mộc Châu, chạy theo Quốc lộ 43 khoảng 25km là đến Đồn BPCK Lóng Sập, BĐBP tỉnh Sơn La. Từ đây, men theo con đường độc đạo vắt qua những sườn núi cheo leo, chúng tôi tới cửa khẩu Lóng Sập, nơi có cột mốc 255 giáp với nước bạn Lào. Dân cư ở đây thưa thớt, bản làng rất đìu hiu. Trong cái nắng chiều vàng vọt buổi cuối xuân, nhìn bản Buốc Pát (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu) lèo tèo dăm ba nóc nhà của đồng bào Mông, tôi chợt bán tín bán nghi về "điểm nóng ma túy" này. Nhưng khi được Trưởng bản Mùa A Sủ kể, tôi mới thấy "sợ" trước những con số biết nói. Theo ông Sủ, bản Buốc Pát có 14 hộ dân đồng bào Mông thì đã có tới 12 hộ có người nghiện ma túy hoặc bị đi tù vì liên quan đến mua bán, vận chuyển ma túy (chiếm tỷ lệ gần 86%). Thăm lớp mẫu giáo tại điểm trường bản Buốc Pát, chúng tôi nhói lòng khi nghe cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, lớp có 6 cháu thì 5 cháu có bố hoặc mẹ đi tù hoặc nghiện ma túy. Thương nhất là cháu Song Thị Cu, mới 4 tuổi, mà bố đã bị đi tù vì liên quan đến ma túy và mẹ thì nghiện ma túy.

Tang vật trong vụ vận chuyển 160 bánh heroin và 4 khẩu súng bị BĐBP và Công an tỉnh Sơn La bắt giữ năm 2015. Ảnh: CTV

Bản Buốc Pát nằm sát đường biên giới, trên cung đường từ Đồn BPCK Lóng Sập ra cột mốc 255. Đối diện bên kia là bản Muống thuộc khu Pa Háng-Huổi Hiềng (huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào). Thiếu tá Nguyễn Danh Tuệ, Đồn trưởng Đồn BPCK Lóng Sập cho biết, khu Pa Háng-Huổi Hiềng tiếp giáp với 6 xã thuộc 3 huyện biên giới: Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ của Sơn La và xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Tại khu vực giáp ranh này còn có dãy núi Pha Luông chạy dài 4km dọc theo biên giới (theo tiếng của người Thái, pha là vách, luông là to) với độ cao gần 2.000m, rừng núi hiểm trở. Đây là cung đường ngắn nhất, cũng là cung đường "vàng" để các đối tượng vận chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác vàng", qua Lào để đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phần lớn ma túy có nguồn gốc từ khu vực "Tam giác vàng" được vận chuyển về thị xã Sầm Nưa (Lào), sau đó tập kết tại các bản sát biên giới thuộc khu Pa Háng-Huổi Hiềng. Tại đây, chúng triển khai các công đoạn pha chế, đóng ép thành bánh rồi đưa vào nước ta tiêu thụ. Trung bình mỗi đêm có từ 3 đến 5 tốp người từ nội địa vượt biên sang Lào để buôn bán, vận chuyển ma túy. Mỗi tốp có 3-10 tên, có tốp đông hơn, lên tới 16 đến 20 tên. Phần lớn các tốp này đều mang theo "vũ khí nóng" như súng tiểu liên AK, súng ngắn, súng tự chế hay lựu đạn... Chúng rất manh động, liều lĩnh và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị bao vây truy bắt.

Thời gian qua, do BĐBP và các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ và tổ chức đánh bắt nhiều vụ nên hoạt động của chúng có giảm, tần suất hoạt động ít hơn, nhưng vẫn ngấm ngầm hoạt động, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng hoạt động trên nhiều tuyến đường mới, phức tạp và khó đi hơn; hoạt động không thành quy luật về đường đi, thời gian. Ngoài việc cho người đi trước để thăm dò, dẫn đường, chúng còn tiến hành xóa dấu vết, nhất là những khu vực nhạy cảm. Cá biệt, có tốp còn mang theo cả ống nhòm nhiệt, áo giáp chống đạn loại gọn nhẹ; dụng cụ nấu ăn, bếp ga mini... Trước đây, mỗi chuyến chỉ đi trong một đêm, nay chúng thận trọng, cảnh giác hơn. Nếu thấy không an toàn, chúng tìm nơi ẩn nấp (trong hang đá hoặc rừng rậm), cho nên mỗi chuyến đi có thể từ 2 đến 3 ngày.

Chặn "dòng chảy" của ma túy

Từ nhiều năm nay, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BĐBP tỉnh Sơn La đã tích cực, chủ động trong phòng chống mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy. Nhiều đường dây "khủng", nhiều đối tượng cộm cán đã bị bắt. Hàng trăm bánh heroin, hàng chục cân ma túy đá, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp đã bị các đồn, trạm Biên phòng trên tuyến biên giới Sơn La bắt giữ. Điển hình trên mặt trận này là Đồn BPCK Lóng Sập và Đồn BP Tân Xuân. Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng, Chính trị viên Đồn BPCK Lóng Sập cho biết: Chỉ tính từ năm 2015 đến tháng 3-2017, đơn vị đã trực tiếp chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công 84 vụ với 128 đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 39 bánh, 849g heroin, gần 42.000 viên ma túy tổng hợp, trên 5,1kg thuốc phiện và nhiều tang vật khác có liên quan.

Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng nói, có đợt cao điểm, chỉ trong 10 ngày (từ 17 đến 26-1-2015), đơn vị đã phối hợp bắt giữ 3 vụ với 5 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy. Tang vật đồn thu được gồm 9 bánh heroin, 1 khẩu súng ngắn K59 và nhiều tang vật khác có liên quan. Không lâu sau đó, ngày 20-2-2016, tại bản Bó Sập, xã Lóng Sập, Đồn BPCK Lóng Sập phối hợp với Công an huyện Mộc Châu bắt quả tang Vàng Trống Nu, sinh năm 1981, trú tại bản Loóng Tong, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) khi đang vận chuyển trái phép 6 bánh heroin, 238g nhựa thuốc phiện được giấu rất tinh vi trong hộc để chân của xe máy.

Thành tích tiêu biểu trong chống tội phạm ma túy của Đồn BPCK Lóng Sập là tham gia thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án mang bí số 167LV. Theo đó, lúc 9 giờ, ngày 21-6-2015, tại bản Chiềng Ve, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Đồn BPCK Lóng Sập phối hợp với các cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. 4 đối tượng bị bắt là Cứ A Sang, Cứ A Dế, Cứ A Chá và Tráng Thị Mo (đều trú tại huyện Mộc Châu), tang vật thu giữ gồm 20 bánh heroin và nhiều tang vật khác có liên quan.

Cách Đồn BPCK Lóng Sập khoảng 20km đường chim bay về phía Nam là Đồn BP Tân Xuân. Đây là đồn Biên phòng cuối cùng của tỉnh Sơn La, giáp với tỉnh Thanh Hóa. Từ lâu, địa bàn do Đồn BP Tân Xuân quản lý luôn được coi là điểm nóng về tệ nạn ma túy. Nhưng nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, Đồn BP Tân Xuân đã kịp thời phát hiện và bắt giữ nhiều toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang thời gian qua. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, Đồn BP Tân Xuân đã độc lập và phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 24 vụ với 25 đối tượng liên quan đến ma túy, tang vật thu giữ gồm 160 bánh và 55,224g heroin, 4.126 viên ma túy tổng hợp, 4 khẩu súng cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Từ năm 2015 đến tháng 3-2017, BĐBP tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công an, Hải quan và các lực lượng chức năng nước bạn Lào đấu tranh thành công 235 vụ với 294 đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 339 bánh và 31kg heroin, 16,8kg ma túy tổng hợp dạng đá; 147.650 viên ma túy tổng hợp, 30 khẩu súng, 216 viên đạn và 20 quả lựu đạn cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, tuy nhiều đường dây bị triệt phá, nhiều đối tượng bị bắt giữ, nhưng do nhận thức còn hạn chế, do hám tiền nên tệ nạn ma túy dọc hai bên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ người nghiện ma túy trên địa bàn biên giới ngày càng tăng và luôn ở mức báo động. Chỉ tính riêng 3 xã Lóng Sập, Chiềng Khương, Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu (địa bàn do Đồn BPCK Lóng Sập quản lý) đã có 537 người nghiện và đang cai nghiện ma túy (đây là số có hồ sơ quản lý, còn số thực cao hơn rất nhiều). Thực trạng này đã kéo theo hoạt động của các đối tượng mua bán lẻ, dẫn đến việc hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn. Trong các tụ điểm ma túy phức tạp đó, ít ai trên tuyến biên giới Sơn La này lại không biết đến xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ với vụ án chấn động vùng quê của "trùm ma túy" Tráng A Tàng (Tàng Keangnam, sinh năm 1982). Cuối tháng 3 vừa qua, Tráng A Tàng cùng 8 đồng phạm đã bị tuyên án tử hình. Nhưng theo quan ngại của nhiều người, tình hình đấu tranh chống tội phạm ở "rốn" lũ ma túy này vẫn chưa bao giờ hết "nóng".

Xã Lóng Luông từ trước đến nay luôn là địa bàn đặc biệt phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy. Cả xã có 11 bản thì hầu hết các bản đều có nhiều người nghiện, người mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy. Trong đó có 4 bản đặc biệt phức tạp là Tà Dê, Lũng Xá, Co Tang, Lóng Luông. Tại những bản này, hầu hết các gia đình đều có người liên quan đến ma túy, thậm chí một số con em cán bộ xã cũng liên quan đến tội phạm ma túy. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện xã Lóng Luông có khoảng 200 người nghiện hoặc nghi liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy; 148 đối tượng đã bị bắt đi tù vì liên quan đến tội phạm ma túy.

Cuộc chiến chống ma túy trên biên giới Sơn La vì thế chưa bao giờ hết "nóng" và chưa có hồi kết.

Bài 2: Sóng ngầm trên biên giới Điện Biên

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doc-theo-cung-duong-ma-tuy-xuyen-quoc-gia/