Dốc sức ở 'chợ lao động nữ' Hà Nội, may lắm ngày kiếm được 150 nghìn đồng

Nhiều người nghĩ, các chợ lao động thường chỉ có nam giới vốn quen với công việc nặng nhọc. Song, ở Hà Nộ đã xuất hiện những 'chợ lao động' tập trung toàn phụ nữ hành nghề bốc vác, lau dọn nhà, mua ve chai...

"Thợ đụng"

Chúng tôi có mặt tại ngã tư đường Trần Điền giao với đường Trần Nguyên Đán, khu đô thị Định Công vào buổi sáng mùa thu trời nắng đẹp. 7 giờ, mọi hoạt động ở đây đã trở nên tấp nập, náo nhiệt.

Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hà, chủ quán chè chén về chợ lao động, chị Hà nói lớn: "Các chú cần thuê bao nhiêu người, làm việc gì tôi gọi người cho. Hôm nay, có mối nên họ tản mát đi làm từ sáng, chứ bình thường cũng ế lắm, họ tụ tập về góc đường Trần Điền (khu đô thị Định Công) ngồi chờ việc, nói chuyện phiếm".

Khi biết mục đích của chúng tôi tìm người, chị Hà à lên rồi chỉ tay về phía tòa nhà chung cư đang trong giai đoạn hoàn thiện gần đó. "Bên đó, các chú sang đấy gặp hỏi chuyện, lúc sáng có mấy người được thuê dọn dẹp, lau chùi...".

Chị Hoàng Thị Hiền đang dọn dẹp ở công trình xây dựng

Theo chỉ dẫn của chị Hà, chúng tôi vào cửa hàng có đám thợ đang tu sửa, trong không khí ồn ào của máy khoan, máy cắt kim loại. Đang dọn đống vôi vữa vào bao tải, chị Hoàng Thị Hiền, 45 tuổi (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), cho biết: "Tôi ra Hà Nội làm được hơn 2 năm rồi, làm nghề tự do, ai thuê gì mình làm nấy. 1 giờ công được 40 nghìn đồng, nếu làm công việc nặng nhọc thì gia chủ hoặc người đi thuê họ trả cho 50 nghìn. Nếu chăm chỉ và có việc đều, một ngày tôi cũng kiếm được 150 nghìn đồng để cùng chồng nuôi các con ăn học".

Phía trong, chị Nguyễn Thị Hiên, 42 tuổi ở (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang nhanh tay nhặt những viên gạch vừa được cánh thợ đập ra từ bức tường, tâm sự: "Cuộc sống khó khăn, nhà có vài sào ruộng khoán, chồng đi làm phụ hồ ở gần nhà, còn tôi thì ra ngoài này kiếm việc làm. Buổi sáng 5h dậy, ăn qua quýt rồi bắt xe buýt ra đây. Công việc cũng tùy ngày, có hôm ngồi cả buổi cũng không có ai thuê, bữa nào may mắn thì có việc làm cả ngày cũng có thu nhập. Bọn tôi cứ ngồi ở đây, ai thuê gì làm nấy, từ dọn dẹp nhà cửa đến khuân vác hàng hóa, vật liệu xây dựng... Có thể nói, bọn mình là những “thợ đụng".

Tranh thủ nghỉ ngơi sau một chuyến hàng

"Chợ lao động" ở chung cư

"Chợ lao động" với đa phần là nữ được hình thành tự phát khoảng 2 năm nay, chủ yếu phục vụ nhu cầu dọn nhà, chuyển nhà và hàng hóa ở khu chung cư HH, Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.

Bà Thủy ra trông cháu cho con nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi làm công việc thu mua ve chai kiếm thêm thu nhập

Dạo một vòng khu chung cư, chúng tôi dừng ở "chợ lao động" khi một nhóm 3 chị em đang ngồi nghỉ sau một "ca" vào việc.

Bà Đặng Thị Xuân 60 tuổi (huyện Giao Thủy, Nam Định) đang ngồi tỉ mẩn xếp lại đống giấy báo cho vào bao tải. Bà tâm sự: "Công việc vất vả lắm chú ạ, dù biết tuổi này đáng ra được nghỉ ngơi, ở nhà trông cháu nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi tranh thủ lúc nông nhàn theo người làng lên đây làm mong có thêm thu nhập trang trải cuộc sống".

Việc nào các chị cũng sẵn sàng nhận để tăng thu nhập

Đang trò chuyện, có người tiến lại hỏi: "Tôi cần 1 người sạch sẽ, giúp lau dọn nhà, sắp xếp lại đồ đạc, giá tiền bao nhiêu thì thương lượng?".

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc có xếp người, phân công ai đi, ai ở không? - chị Trần Thị Hồng (Giao Thủy, Nam Định) nhanh nhảu: "Ở đây, mọi người cứ mạnh ai nấy làm, gia chủ cần và chỉ người nào thì người đó đi cùng, cũng biết là không phải nhưng giờ người cần việc thì nhiều mà công việc cũng không dư dả”. "Bọn em kiêm hết, từ lau dọn nhà cửa, xách đồ, khuân, vác vật liệu xây dựng với mức giá 10-20 ngàn đồng cũng vui vẻ nhận", chị Hồng cho biết thêm về đặc thù công việc ở "chợ lao động".

Bà Đặng Thị Xuân, 60 tuổi (Giao Thủy, Nam Định), cho biết, tranh thủ lúc nông nhàn theo người làng lên đây làm việc kiếm thêm thu nhập

Đang ngồi cắt từng mối dây, gỡ từng miếng bạt ra khỏi khung sắt, bà Nguyễn Thị Thủy, 60 tuổi (TP Phủ Lý, Hà Nam), tâm sự: "Tôi mua cái khung này của tiệm bánh trung thu người ta để lại, tôi ra Hà Nội trông cháu cho con nhưng giờ cháu nó đi học, rảnh rỗi nên tranh thủ đi mua ve chai để kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ các con, các cháu, chứ ngồi không cũng buồn tay buồn chân".

Quá trưa, hình ảnh những lao động nữ dùng bữa cơm mang đi từ sáng dưới bóng cây cứ trăn trở trong chúng tôi. Dù công việc khó nhọc, mệt mỏi nhưng đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với những lao động nữ nhập cư, bởi phía sau họ có khi là cả một gia đình cần chăm lo.

Trường Lê - Mai Tường

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/doc-suc-o-cho-lao-dong-nu-ha-noi-may-lam-ngay-kiem-duoc-150-nghin-dong-post49039.html