Đọc sách Trần Văn Thịnh - cuộc đời và tác phẩm

Tôi được nhà nghiên cứu Trần Văn Thịnh tặng cuốn sách tiêu đề 'Trần Văn Thịnh - Cuộc đời và tác phẩm', dày 835 trang, khổ 20x30, bìa cứng, chữ nhũ vàng trang trọng. Cuốn sách nặng hơn một ki lô gam in trên giấy phấn 150g/m. Cuốn sách nặng không phải ở trọng lượng ki lô gam mà theo tôi, nó nặng nghĩa nặng tình. Nghĩa tình của Trần Văn Thịnh với quê hương, đất nước, dân tộc, cha ông, con cháu. Nghĩa tình của biết bao bạn bè, người thân, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà văn, nhà báo cảm về anh và dành nhiều tình cảm cho anh.

Cuốn sách chia thành sáu phần: Phần thứ nhất, nói về quê hương, gia tộc, thân thế; phần thứ hai, giới thiệu những tác phẩm của Trần Văn Thịnh; phần thứ ba, tập hợp và giới thiệu những bài viết của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, bạn bè thân hữu đánh giá về tác phẩm của Trần Văn Thịnh đã xuất bản; phần thứ tư, những ấn tượng Trần Văn Thịnh; phần thứ năm, hình ảnh Trần Văn Thịnh; phần thứ sáu, gia tộc Trần Văn Thịnh.

Lướt qua cuốn sách ta thấy những tấm ảnh lớn mà Trần Văn Thịnh vinh hạnh được tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đảng, vị tướng của đất nước: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ, người có chức sắc trong xã hội mà anh đã cộng tác, đã có dịp gặp gỡ. Những hình ảnh ấy như một minh chứng cho cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của anh.

Trần Văn Thịnh là cháu ruột cụ Cai Tổng Vạn Thiện (Nông Cống) và con của Lý trưởng làng Đông Thụ Cựu Tuyết. Cha, ông Trần Văn Thịnh là người có học, sinh ra trong dòng họ bề thế, uyên thâm, được dân vùng Nông Cống nể trọng. Tiếp bước cha, ông, xứng danh là người của dòng tộc lớn, Trần Văn Thịnh học hành đến nơi đến chốn và đã từng làm thầy giáo nhiều năm. Anh là giáo viên dạy giỏi và là người thầy có kiến thức uyên thâm, thành đạt trong lĩnh vực khoa học xã hội, nên được chuyển về làm công tác tuyên giáo và đảm trách công việc nghiên cứu, tập hợp các nhà sử học, các giáo sư trong cả nước để xuất bản bộ sách Địa chí cho Thanh Hóa. Sau nhiều năm làm việc miệt mài, anh và các cộng sự đã xuất bản 5 cuốn Địa chí Thanh Hóa thành công. Cùng với việc chung lưng đấu cật xuất bản sách Địa chí Thanh Hóa, anh để tâm sức xuất bản cho riêng mình những tác phẩm hết sức đồ sộ, như: Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc, Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, Truyện cổ danh nhân hào kiệt xứ Thanh, Văn quan võ tướng xứ Thanh...

Trong lời tựa của cuốn sách “Văn quan võ tướng xứ Thanh”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Miền quê nào của con dân đất Việt, ta đều thấy sản sinh ra những người con ưu tú trong tiến trình lịch sử dân tộc với những nét đặc thù. Với mảnh đất xứ Thanh, có thể nói đây là một trong những địa danh đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt trên cả hai lĩnh vực văn và võ, một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Với những nội dung phong phú mà cuốn sách này đề cập, tôi tin tưởng rằng bạn đọc các thế hệ, trước hết là bạn đọc trẻ sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích, và với những nhà nghiên cứu sẽ có thêm tư liệu tin cậy khi nghiên cứu về mảnh đất và con người xứ Thanh...”.

Có thể khẳng định: Những giá trị đích thực của anh chính là ở con người và tác phẩm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:

“Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, Thanh Hóa luôn là một địa bàn chiến lược quan trọng. Nơi đã sinh ra nhiều anh hùng tuấn kiệt, danh nho, võ tướng. Các tư liệu về võ tướng Thanh Hóa góp phần làm sáng tỏ ý chí và tài thao lược của ông cha ta.

Danh sách 1.365 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã nói lên truyền thống yêu nước, sự hy sinh to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược và chủ nghĩa đế quốc.

Cuốn sách này sẽ có tác dụng giáo dục truyền thống và lòng tự hào đối với quê hương Thanh Hóa và Tổ quốc Việt Nam”. (Trang 153).

Ít có những cuốn sách in ra mà được các vị lãnh tụ, các tướng lĩnh, giáo sư, nhà nghiên cứu trong nước đánh giá cao và khen ngợi như cuốn sách của Trần Văn Thịnh. Vì thế, sách của anh được xét giải về sách đẹp, sách hay, được nhiều giải thưởng. Bản thân Trần Văn Thịnh là một trong 6 người trong cả nước được vinh danh là nhà trí thức công nghệ tiêu biểu năm 2017.

Cái tài của Trần Văn Thịnh là anh biết tập hợp các nhà trí thức lớn trong nước để cộng tác, học tập và cùng nhau làm ra những tác phẩm để đời.

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết: Tác giả Trần Văn Thịnh với cuốn “Võ tướng xứ Thanh trong lịch sử dân tộc” đã tìm được một đầu đề thích hợp và đáp ứng được sự mong mỏi đó. Đồng thời với những tài liệu dài (cả bài viết và hình ảnh minh họa), tác giả đã tạo tiền đề và điều kiện cho những công trình nghiên cứu dài lâu. Do yêu cầu tổng hợp một cái nhìn xuyên suốt và có hệ thống là cần thiết và tất nhiên có khuyết, có ưu, nhưng mục tiêu phương pháp ban đầu có thể nói là chuẩn xác, đáng hoan nghênh và đã có những thành công nhất định (trang 5).

Trần Văn Thịnh - Cuộc đời và tác phẩm đã khái quát, nêu bật những phẩm chất cao quý của một con người thông qua các công trình nghiên cứu và tác phẩm của anh. Một con người khi đã làm nhà giáo thì tận tâm với nghề, yêu trường, yêu trò, luôn góp sức mình cho nền giáo dục của nước nhà, tạo nên những con người làm rạng danh cho non sông đất nước. Vẫn giữ phong cách sư phạm của một nhà giáo, Trần Văn Thịnh rẽ sang một con đường mới thênh thang hơn và cũng nặng nề hơn, đó là nhà tuyên giáo. Từ làm giáo dục chuyển sang làm tuyên giáo, anh lại đem hết tâm lực, bút lực cống hiến cho Đảng, cho đời những công trình văn hóa đồ sộ ít ai làm, vì con đường ấy đầy chông gai, thử thách. Từ truyền bá kiến thức văn hóa cho học sinh bằng lời nói là chính chuyển sang làm văn bia là chính. Anh khắc họa vai trò lịch sử của các nhân văn tướng sĩ, mô tả những thời hào hùng của đất nước qua các phong trào cách mạng; ghi dấu và khẳng định những con người và mảnh đất thiêng liêng nơi anh sống và cống hiến. Khác với những pho lịch sử của tỉnh nhà ở chỗ anh mô tả từng con người, gương mặt cụ thể. Đất và người quyện chặt rõ ràng, rành mạch. Những nhân chứng của lịch sử có hình ảnh, bút tích minh họa, làm cho các thế hệ người đọc tin và yêu hơn quê hương mình, đất nước mình.

Trần Văn Thịnh xứng đáng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, nhiều Bằng khen của Đảng và Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ, của các ngành Trung ương và địa phương và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Qua tác phẩm, ta thấy Trần Văn Thịnh là người con hiếu thảo đối với quê hương, dân tộc, cha ông. Ông nêu gương sáng cho các thế hệ con cháu trong dòng tộc và thế hệ trẻ của đất nước. Đó chẳng phải là một “tượng đài tri thức” trong lòng người sao?

Hơn tám trăm trang sách, bìa da đỏ, khắc chữ nhũ vàng với hàng trăm tấm ảnh, hàng trăm lời tri ân của bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào đã nói lên sự cảm mến, kính trọng của mọi người đối với Trần Văn Thịnh – một người thầy, một nhà nghiên cứu tâm huyết với đời. Tác phẩm để lại cho thế hệ sau những thông điệp vô giá mà ta đang được chiêm ngưỡng và mến mộ.

Trần Đàm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/doc-sach-tran-van-thinh-cuoc-doi-va-tac-pham/103088.htm