Độc quyền và lãng phí sách giáo khoa: Khi sự thật đã quá rõ

Cả thị trường sách giáo khoa phụ thuộc vào một 'ông lớn'. Đắt, rẻ hay dùng một lần… các phụ huynh vẫn phải móc ví mà không có sự lựa chọn nào khác. Còn Nhà xuất bản vẫn hằng năm hoàn thành kế hoạch, năm sau tăng trưởng hơn năm trước. Đằng sau câu chuyện lãng phí là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng cho độc quyền.

Câu chuyện lãng phí sách giáo khoa khi các nhà làm sách thiết kế để học sinh viết thẳng vào sách khiến học năm nào phải mua mới năm đó tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu gia đình có con em đi học ở bậc phổ thông. Cho dù từ nhiều năm nay, dư luận đã hết sức bức xúc, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề này còn được đề cập với Bộ trưởng từ nhiệm kỳ trước.

Những trang sách như thế này khiến sách giáo khoa đang bị lãng phí

Những trang sách như thế này khiến sách giáo khoa đang bị lãng phí

Người viết bài đã gõ cụm từ “lãng phí sách giáo khoa” trên một trang tìm kiếm phổ biến và đã cho khoảng 12.100.000 kết quả trong vòng 0,59 giây. Điều này cho thấy đây là vấn đề rất được quan tâm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mang xã hội.

Hẳn bạn đọc còn nhớ, đầu năm học này, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (trong đó có cả Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh- hai đô thị lớn nhất nước) đã xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa đầu cấp khiến phụ huynh phải chạy từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để gom cho đủ bộ. Thậm chí đến thời điểm này, khi năm học mới đã đi qua được 3 tuần, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội vẫn có những ông bố, bà mẹ nhờ mọi người “mách” đầu sách con mình thiếu có ở cửa hàng nào, thậm chí là xin sách cũ để dùng tạm không “tội con quá”.

Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng sách giáo khoa như hiện nay đang gây lãng phí lớn vì học sinh thường viết đáp án trực tiếp vào sách nên không thể tái sử dụng. Xin được khẳng định là sách giáo khoa được thiết kế để các em học sinh điền kết quả, nối, tô màu trực tiếp vào bài tập chứ không phải là vở bài tập theo mẫu. Số liệu được dẫn ra trong phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tuần qua chắc chắn là một con số “khủng”: Mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Một sự lãng phí quá khủng khiếp. 1.000 tỷ đồng ấy đủ để bao nhiêu em bé vùng cao, vùng sâu có sách tới trường, đủ để biến bao nhiêu phòng học tranh tre, mái lá được kiên cố hóa để các con không phải chui vào túi ni-lông để vượt suối tới trường, để không còn hình ảnh con trẻ khai giảng bên bờ suối khiến bao người nhói lòng… Hằng năm, cứ vào dịp hè, trên các diễn đàn mạng xã hội, không thiếu những “lời xin” sách giáo khoa cũ của các thầy cô giáo cắm bản dẫu biết rằng sách đã bị viết vào rồi nhưng vì gia đình các con nghèo không sắm nổi nên đành…

Điều này cho thấy việc huy động tiết kiệm sách giáo khoa ở lớp học trước cho lớp học sau không thể thực hiện được. Và vô hình chung, chúng ta đã mất đi bài học đơn giản mà thực tế nhất để rèn luyện các em học sinh về tính tiết kiệm, sự cẩn thận.

Cho dù đại diện Nhà xuất bản Giáo dục trần tình rằng: Sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng Giáo dục ký ban hành, sách giáo khoa không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ Giáo dục phê duyệt. Vì thế, NXB không tự ý và cũng không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm nội dung cho sách giáo khoa để học sinh viết vào dẫn tới phải bỏ đi sau mỗi năm học. Dư luận vẫn đang đặt ra câu hỏi có hay không lợi ích nhóm giữa biên soạn sách và nhà in?

Ngay trước thềm năm học mới, khi dư luận nêu vấn đề, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã khẳng định sách sử dụng một lần chỉ là sách bài tập, tham khảo. Thế nhưng mới sau ba tuần ông lại đã thừa nhận về thực trạng viết lên sách giáo khoa gây lãng phí trong nhiều năm nay. Và đặc biệt hơn khi ông Thứ trưởng dẫn ra nhiều văn bản “nhắc” giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập và nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng thiết kế sách giáo khoa theo cách này. Vậy là lỗi “hoang phí” ấy đương nhiên thuộc về giáo viên và học trò.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Minh Hạc trong một bài trả lời báo chí gần đây đã nói thẳng: Làm sách giáo khoa sử dụng một lần là "không bình thường, quá lãng phí". Và nhiều nước đã dừng gộp bài tập vào sách giáo khoa vì không hiệu quả. Một bộ sách trên thế giới chu kỳ dùng khoảng 8-10 năm, Việt Nam trước đây 20 năm, nhưng giờ lại kéo ngắn chu kỳ chỉ 1 năm và sau đó sẽ đến tay “đồng nát”. Dư luận và chính những người từng công tác trong ngành giáo dục cũng thấy khó chấp nhận “thủ thuật biên soạn sách giáo khoa”, tư tưởng nghèo mà “xài sang” ấy.

Cho dù sau bao nhiêu ý kiến, Bộ GDĐT cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng thời yêu cầu chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa, gây lãng phí. Thế nhưng dư luận vẫn băn khoăn một lẽ, Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền in ấn, phát hành. Cả thị trường sách giáo khoa phụ thuộc vào một “ông lớn”. Đắt, rẻ hay dùng một lần… các phụ huynh vẫn phải móc ví mà không có sự lựa chọn nào khác. Còn Nhà xuất bản vẫn hằng năm hoàn thành kế hoạch, năm sau tăng trưởng hơn năm trước. Đằng sau câu chuyện lãng phí là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng cho độc quyền. Và trong khi chờ đợi chỉnh sửa của cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh hãy tự dạy cho con em mình bài học đầu tiên về sự tiết kiệm bằng cách viết bút chì vào sách giao khoa, ngõ hầu sang năm đi tặng các bạn khó khăn, cuốn sách ấy vẫn còn có thể sử dụng. Ý kiến này của một phụ huynh rất đáng “nhân rộng” trong thời điểm hiện nay.

Lam Thanh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/goc-nhin/doc-quyen-va-lang-phi-sach-giao-khoa-khi-su-that-da-qua-ro-366117.html