Độc quyền giá điện đến bao giờ?

Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Điện là đầu vào của sản xuất, cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Việc tăng giá điện sẽ tạo thêm gánh nặng, chi phí đổ lên vai của cả doanh nghiệp lẫn người dân. Độc quyền của ngành điện đã được nhắc đến từ lâu, song quá trình cổ phần hóa lại 'trượt kế hoạch' từ năm này sang năm khác.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học Viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, cần công khai minh bạch cách tính mức tăng giá điện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Bắt đầu từ cuối tháng 3 này, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36%. Cá nhân ông có suy nghĩ gì về việc điều chỉnh này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc tăng giá điện và một số mặt hàng có nhiều lý do, trong đó lý do đầu tiên là bất kỳ một đồng tiền nào, ngay cả đồng tiền được đánh giá mạnh nhất hiện nay là đôla Mỹ thì hàng năm đều bị mất giá. Thứ hai, vừa qua giá của một số mặt hàng đầu vào tăng lên như dầu, xăng, than, trong khi đó điện là mặt hàng không thể tái tạo nên chuyện tăng giá có phần hợp lý. Nhưng điều quan trọng là phải công khai giá thành, đầu ra, đầu vào bao nhiêu để từ đó đưa ra mức tăng chứ không phải thích thì đưa ra một con số. Bây giờ bảo tăng 8,36% vậy tại sao lại đưa ra con số này mà không phải con số khác? Trong nền kinh tế thị trường giá cả phải do thị trường quyết định, nếu công khai minh bạch thì người dân sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, hàng năm ngành điện có số lãi rất lớn nhưng sau đó tính vào khoản này, khoản kia, trừ khoản này, khoản khác cuối cùng báo cáo lỗ. Trong báo cáo lỗ mà ngành điện đưa ra, có cái chấp nhận được nhưng có những cái không thể chấp nhận được, ví dụ như chuyện lỗ tỷ giá.

Chúng ta nhắc đi nhắc lại mãi rồi, lỗ tỷ giá là do anh, nếu như anh biết phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái, biết lựa chọn đồng tiền đi vay, biết sử dụng vốn có hiệu quả thì không thể có chuyện lỗ tỷ giá. Mỗi năm ngành điện lỗ mấy nghìn tỷ đồng tỷ giá mà bắt người dân phải chịu là không chấp nhận được. Đặc biệt lương thưởng của ngành điện cao so với mặt bằng chung của xã hội. Thưởng rất cao trong khi các chi phí về quản lý hiện nay lại rất mập mờ. Cá nhân tôi cho rằng cần xem xét lại con số tăng thêm 8,36%.

Ông vừa nói đến sự thiếu công khai minh bạch trong cách tính mức tăng giá điện và đó là một sự độc quyền. Lâu nay chúng ta đã yêu cầu cần đẩy nhanh cổ phần hóa một số doanh nghiệp của ngành điện để tránh sự độc quyền nhưng xem ra việc cổ phần hóa lại “giậm chân tại chỗ”?

- Từ trước đến nay chúng ta đã nói đến sự độc quyền trong ngành điện, và chính sự độc quyền đẻ ra nhiều vấn đề khác đằng sau nó. Bao năm qua chúng ta yêu cầu cổ phần hóa nhưng không làm được. Ngành điện có khó khăn nhất định vì đường dây chỉ có 1, nếu nhiều ông nhảy vào cạnh tranh thì khó, không thể 1 nhà có 3 đường dây hay 1 địa phương mà 3 mạng điện.

Tuy nhiên còn những khâu khác hoàn toàn có thể thực hiện cổ phần hóa để mang tính cạnh tranh. Ví dụ như trạm trung chuyển, phát điện, trạm biến thế, bán điện ra mạng rộng để từ đó các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, tính toán thế nào để trạm trung chuyển không thất thoát, để giá điện bán ra thị trường rẻ hơn và được người dân chấp nhận. Trong điều kiện như hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể minh bạch, công khai giá điện. Tuy nhiên qua nhiều năm cải cách, cổ phần hóa, thay đổi ngành điện nhưng vẫn không thay đổi.

Tăng giá điện tức là tăng giá đầu vào của sản xuất.

Điện là đầu vào của quá trình sản xuất, vậy giá điện tăng thêm 8,36% theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền sản xuất trong nước, người dân, và doanh nghiệp?

- Tất cả nền kinh tế phải sử dụng điện, từ người dân cho đến doanh nghiệp. Tăng giá điện tức là tăng giá đầu vào của sản xuất. Có nhiều ngành như xi măng, gốm, sứ, luyện cán thép, năng lượng điện tiêu hao chiếm tới 60-70% giá thành sản phẩm, còn các ngành khác điện cũng chiếm 20-30% giá thành sản phẩm. Bây giờ tăng thêm 8,36% vậy ngành điện có tính đến giá sản xuất sẽ tăng thêm bao nhiêu%? Trong một nền sản xuất các mặt hàng đều tăng giá, lúc đó dứt khoát lạm phát bị đẩy lên, và việc duy trì các cân đối vĩ mô của Nhà nước không thực hiện được. Đặc biệt tỷ lệ lạm phát ở mức 4% khó có thể thực hiện được.

Vậy chúng ta cần giải pháp nào để kéo giảm giá điện, thưa ông?

- Tôi cho rằng trước hết ngành điện phải đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện cổ phần hóa, cạnh tranh công bằng, bình đẳng từ đó có thể công khai minh bạch các chi phí đầu ra, đầu vào. Chi phí nào khách quan người dân có thể chấp nhận, song cái gì mang tính chủ quan ngành điện phải tiết kiệm, giảm lương, giảm thưởng, đổi mới cơ chế quản lý để giảm giá thành.

Chúng ta đừng vin cớ ngang bằng với nước này, hay thấp hơn nước kia. Có thể lấy chỉ tiêu của nước này, nước kia để so sánh giá thành điện, nhưng điện là cái chúng ta sản xuất, quản lý và có thể làm cho giá thành thấp hơn nếu cố gắng đổi mới cơ chế quản lý, công khai minh bạch. Lúc đó người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận tăng giá nếu như đó là nhân tố khách quan, còn do năng lực quản lý mà bắt người khác phải gánh chịu như câu chuyện lỗ tỷ giá hối đoái là không thể chấp nhận.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/doc-quyen-gia-dien-den-bao-gio-tintuc431563