Độc quyền, bảo kê và phá hoại máy gặt bị xử lý như thế nào?

Gần đây, các vụ việc liên quan đến độc quyền, tranh giành trong cung cấp dịch vụ gắt lúa, bảo kê, thậm chí đốt phá máy gặt công nghiệp (hay còn gọi là máy gặt đập liên hợp) vẫn liên tục xảy ra. Đây là vấn nạn phức tạp xảy ra trong nhiều năm qua nhưng các bên tham gia chưa nắm rõ các quy định pháp luật trong tình huống này.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, không có bất cứ quy định, hay pháp luật nào quy định về dịch vụ máy gặt lúa công nghiệp.

Gần đây, đường dây nóng báo Tiền Phong vẫn liên tục nhận được cuộc gọi phản ánh về các vụ việc phát sinh trong quá trình thuê máy gặt lúa. Một số chủ máy gặt đập liên hợp gọi điện kêu cứu khi bị chèn ép, buộc phải nộp những khoản phí vô lý khi đưa máy đi gặt thuê tại các địa bàn khác, thậm chí bị kẻ xấu đốt máy gặt...

Điển hình, HTX nông nghiệp Hưng Long (phường Hưng Long, thành phố Huế) độc quyền cung cấp dịch vụ máy gặt lúa cho nông dân. Các chủ máy gặt trên địa bàn xã muốn trực tiếp gặt cho dân phải nộp 500.000 đồng/máy; chủ máy ngoài xã phải nộp 1 triệu đồng/máy. Vì thu phí cao nên các chủ máy gặt không về Hưng Long để gặt, khiến việc gặt lúa của nông dân không đúng thời vụ, thất thoát. Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Long lý giải, thu tiền để tu sửa đường bê tông; tuy nhiên, nông dân cho hay, họ phải tự góp tiền, công sức nếu đường bị hư hỏng.

Hay như tại xã Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị, kẻ xấu đã cắm hơn 60 cọc sắt lẫn trong các ruộng lúa chín tại cánh đồng nhằm "triệt hạ" máy gặt đập. Một chiếc máy gặt trị giá 200 triệu đồng bị kẻ gian mở nắp xăng, châm lửa đốt cháy giữa mùa gặt...

Một bạn đọc gần đây phản ánh việc máy gặt đập liên hợp bị kẻ gian đốt trong đêm tại Ninh Bình

Một bạn đọc gần đây phản ánh việc máy gặt đập liên hợp bị kẻ gian đốt trong đêm tại Ninh Bình

Điểm chung trong các vụ việc là người trong cuộc thường tranh cãi gay gắt, áp đặt "lệ làng" mà không viện dẫn, thực hiện theo các quy định pháp luật. Thậm chí, có trường hợp lãnh đạo, công an địa phương có mặt nhưng không giải thích cặn kẽ cho các bên khiến sự việc kéo dài, nảy sinh phức tạp...

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội), pháp luật hiện hành, không có quy định nào hạn chế phạm vi thực hiện dịch vụ của máy gặt. Người có máy gặt có quyền thực hiện các dịch vụ gặt thuê cho bất cứ tổ chức cá nhân nào mà không bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật. Kể cả trường hợp ở địa phương có hợp tác xã nông nghiệp thì các xã viên, nông dân cũng có quyền từ chối dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp để thuê các dịch vụ của các tổ chức, cá nhân ở địa phương khác nếu thấy có lợi hơn.

"Với hoạt động ngăn cản máy gặt, nếu xảy ra đánh nhau hoặc làm hư hỏng tài sản thì những người ngăn cản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội gây rối trật tự công cộng, tội hủy hoại tài sản..." - luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Hình ảnh được cắt ra từ video ghi lại cuộc tranh cãi quyết liệt giữa chủ máy gặt với đại diện hợp tác xã nông nghiệp tại Tuyên Quang.

Tuy không có quy định hạn chế, nhưng các chủ máy gặt phải đăng ký hoạt động theo quy định.

Luật sư Vũ Văn Sang, Văn phòng Luật sư Thanh Nghĩa (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên) cho hay, về pháp lý, các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ này phải đăng ký kinh doanh (đi kèm là phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí nếu có). Theo đó, hộ gia đình, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này phải đăng ký kinh doanh theo mã ngành Hoạt động dịch vụ trồng trọt (mã ngành kinh doanh 0161), trong đó có ngành nghề Cho thuê máy nông nghiệp kèm người điều khiển.

Nguyễn Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doc-quyen-bao-ke-va-pha-hoai-may-gat-bi-xu-ly-nhu-the-nao-post1344166.tpo