Đọc 'Mấy áng thơ tình' của Nhạc sĩ - Nhà thơ Đoàn Bổng

Vanhien.vn trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Quang Hoài về tác phẩm mới của Nhạc sĩ - Nhà thơ Đoàn Bổng.

Nhà xuất bản Dân Trí cuối năm 2016 cho ra mắt bạn đọc tập sách mang tên “Đoàn Bổng”, khổ to 16 x 24 cm, 252 trang dày dặn và trang nhã.

Cuốn sách được kết cấu gồm 3 phần. Phần 1 với tiêu đề “Phác thảo chân dung” do nhạc sĩ Minh Tâm viết, giới thiệu thân thế, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ - nhà thơ Đoàn Bổng, với một số nhận định, đánh giá chân thực và chính xác. Phần 2 với tiêu đề “Mấy áng thơ tình” gồm 68 bài thơ do tác giả chọn từ 4 tập thơ đã in trước đó: “Đoàn Bổng - Nhạc và Thơ”- 1996; “Nốt nhạc buồn” - 1998; “Em và đời” - 2002; “Tình yêu ơi” - 2005, và một số bài viết từ năm 2005 đến nay. Phần 3 với tiêu đề “Bài ca còn mãi” gồm 68 ca khúc được chọn khá chặt chẽ và chắt lọc gắn với những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời tác giả và được nhiều thính giả yêu thích.

“Mấy áng thơ tình” với 68 thi phẩm đã khắc họa chân thực và sinh động bức chân dung tâm hồn của nhà thơ Đoàn Bổng. Đó là một Đoàn Bổng trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống; một Đoàn Bổng sôi nổi, thuần hậu, nồng nàn và say đắm.
Theo tôi, đọc thơ Đoàn Bổng không thể không nhận ra ba đặc điểm nổi bật dưới đây:

1.Cảm hứng tình yêu của Đoàn Bổng là cảm hứng say cháy cái đẹp được thể hiện dưới hình thức biểu cảm mạnh mẽ, đôi khi quyết liệt, với những phóng dụ và ngoa ngôn cần thiết. Cảm hứng đó thể hiện ở giọng điệu, ngữ điệu, nhịp điệu của thơ anh. Đó chính là chất men tạo nên nội dung tình cảm mà Đoàn Bổng muốn thổ lộ, muốn chia sẻ và gửi gắm tới bạn đọc.

2. Cái tôi trữ tình bộc lộ cảm xúc cá nhân được thể hiện một cách trực tiếp, thẳng thắn và chân thành, không giấu giếm, tác động nhanh mạnh đến cảm quan người đọc.

3. Ngôn ngữ thơ bộc trực có cá tính rõ rệt.

Để minh chứng cho cảm nhận của mình về ba đặc điểm nói trên, tôi xin nêu hai ví dụ cụ thể dưới đây:Trong bài “Tuyên ngôn năm 2000”, Đoàn Bổng khẳng định mạnh mẽ: “Trên thế gian/ Nếu cạn kiệt đàn bà/ Tôi quẳng bút ngay vào sọt rác/ Chẳng thèm làm thơ và viết nhạc/ Bởi khi ấy/ Đầu tôi toàn sa mạc/ Nóng chảy và khô khát/ Đần độn và ngẩn ngơ…”. Đó là một phóng dụ thể hiện rõ cảm hứng, cái tôi trữ tình mang dáng vẻ rất riêng Đoàn Bổng.

Trong bài “Áo Cóm”, từ hình ảnh “Chiếc áo Cóm lúc nào cũng ghì chặt tấm thân …” người con gái Thái, Đoàn Bổng ước ao “muốn áp tai vào cho rõ nhịp tim hơn”, nhưng ngay trước mắt anh “những chiếc khuy trước ngực em như toán lính canh”đã chặn đứng anh lại, khiến anh“một lần nữa tôi đành nuốt nước bọt”! Đó là cách thể hiện cảm xúc cũng mang tính cách rất riêng Đoàn Bổng.

Có thể nói, cách thức bộc lộ tình cảm, cảm xúc trực tiếp, thẳng thắn với những hình tượng thơ mạnh mẽ và khỏe đã làm nên phong cách thơ Đoàn Bổng. Phong cách ấy quán xuyến trong thơ anh và tác động trực diện vào cảm quan người đọc, gây hiệu ứng cảm xúc nhanh nhạy, tạo nên những hứng khởi nhất định. Tuy nhiên, muốn trụ lại trong lòng người đọc, đòi hỏi nhà thơ Đoàn Bổng phải có bước tiến mới, tự làm mới thơ mình, để tạo nên cảm xúc sâu đằm và dư ba trong thơ. Có như vậy, thơ mới vào lòng người đọc mà không ra nhanh, trở thành tri âm tri kỷ.

Q-H

Ngày 15-8-2018

Nhà thơ Quang Hoài

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/doc-may-ang-tho-tinh-cua-nhac-si--nha-tho-doan-bong-64487