Đọc lại thiểu thuyết 'Phá vây'

Những người quan tâm đến văn học nghệ thuật hẳn đã biết đến tiểu thuyết “Phá vây” của tác giả Phù Thăng đã lâu, nhưng đọc và tìm hiểu kỹ về tác phẩm này hẳn rất nhiều người chưa có điều kiện. Bởi vì tác phẩm ra đời từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Mãi năm 2003 Nhà xuất bản Hải phòng mới tái bản nhưng số lượng cũng không nhiều. Nhân dịp cố nhà văn Phù Thăng được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, tôi đã tìm đọc lại tiểu thuyết Phá vây và muốn giới thiệu với bạn đọc về cuốn tiểu thuyết này.

Nhà văn Phù Thăng

Phá vây có dung lượng khá đồ sộ, dày hơn 700 trang, chủ yếu viết về phân đội 5 của trung đoàn 24, một đơn vị bộ đội địa phương, là lực lượng chính đối đầu với quân Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Trong trung đoàn 24 có tiểu đoàn 123 do Lê Lâm ( thường gọi là ông Út ) chỉ huy, đã làm quân thù nhiều phen khiếp sợ. Chúng đã hao quân tốn của, đi tìm nơi trú quân và chỉ huy của tiểu đoàn 123 để tiêu diệt. Phân đội 5 do Lê Văn chỉ huy. Lê Văn là cháu gọi Lê Lâm là chú ruột và có dung mạo giống hệt chú nên quân địch nhầm, do đó phân đội 5 đã lừa được quân địch, thu hút binh đoàn cơ động mạnh nhất của địch về phía mình, để lực lượng chính của trung đoàn 24 rảnh tay chuẩn bị cho Chiến dịch Thu- Đông tấn công sào huyệt của chúng.

Phân đội 5 được thành lập gồm “ nửa phân đội trinh sát của Văn, hợp với nửa trung đội vệ binh của Nghĩa” do đích thân tham mưu trưởng trung đoàn giao nhiệm vụ. Chỉ định Văn làm đội trưởng, Nghĩa, chi ủy viên, làm đội phó, phụ trách công tác Đảng và công tác chính trị. Phân đội có nhiệm vụ đến khu H.Đ (gọi tắt là khu Hà ) một khu du kích nằm lọt thỏm giữa vùng sông nước mênh mông, xung quanh là những làng tề dày đặc do địch kiểm soát. Cuộc hành quân xuyên qua vùng địch hậu để vào khu du kích này đầy khó khăn vất vả, họ phải đi đêm qua nhiều làng tề và bốt gác của địch, làm sao phải vượt qua an toàn mà để lại cho nhân dân và bọn do thám bán tín bán nghi rằng bộ đội chủ lực của Việt Minh đã về. Đơn vị chỉ có chừng 40 người mà phải đem theo 300 người gồm cán bộ cơ sở, người dân tản cư đi theo để ra vùng tự do. Ngoài những vũ khí cần thiết, họ còn được lệnh tìm thêm gậy gộc, cột tre to, càng to càng tốt, cả những bánh xe bò cũ khênh theo. Những “vũ khí” đó được trùm kín bằng quần áo để quân địch tưởng đó là súng to, pháo lớn. Qua mô tả thì cuộc hành quân này đầy gian khổ, cuối cùng họ cũng đên được khu du kích Hà.

Khi đến được mục tiêu rồi, sẽ bố trí đánh vài trận ra trò, thu hút sự chú ý của địch rồi lại phải rút đi. Đó là chiến lược, là mệnh lệnh của cấp trên, nhưng cũng là mấu chốt chính để các nhân vật bộc lộ tư tưởng và nhân cách của mình.

Ý tưởng chính mà Phá vây muốn gửi gắm là ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội và nhân dân khu vực đồng bằng sông Hồng, cụ thể là khu tả ngạn sông Hồng trong thời kỳ chống pháp. Tinh thần chiến đấu dũng cảm và quyết tâm chiến thắng địch thể hiện qua những trận chống càn, phá vòng vây của giặc, đồng thời còn thể hiện qua sự quyết tâm phá cái vòng vây trong tư tưởng mỗi con người. Đó là tư tưởng chủ quan khinh địch, tư tưởng bi quan sợ địch, sự nghi ngờ lẫn nhau, thiếu tin tưởng ở đường lối chiến thuật.

Tác phẩn xoay quanh một số nhân vật chính như Lê Văn, Nghĩa, Hiếu, Kiên, Đoan, Nắng, Tín, Mùa, Cả Đẵng, Lém, Dự vv… Cốt lõi làm nên tác phẩm là mối quan hệ và tình cảm giữa các nhân vật này. Giữa họ là tình đồng chí, đồng đội, tình anh em và tình yêu nam nữ, mà bốn nhân vật quan trọng nhất là Văn, Nghĩa, Nắng, Hiếu,

Trước hết là Lê Văn. Anh vốn là một cán bộ mưu trí, dũng cảm và có lòng căm thù giặc sâu sắc, bởi quân Pháp đã giết chết tổng số 26 người trong gia đình anh trong một trận càn, cả làng anh thì hơn trăm người bị giết. Mối thù này là quá lớn, luôn bóp nghẹt trái tim anh, nên gặp quân thù, nhất là quân Pháp anh chỉ muốn băm chúng làm trăm nghìn mảnh. Bởi vậy trong anh lúc nào cũng muốn tấn công, muốn tự tay mình giết thật nhiều quân địch cho hả dạ. Anh luôn không đồng tình với ý kiến phòng ngự hoặc rút lui để bảo toàn lực lượng. Anh nghi ngờ cả cả đồng đội thậm chí là người phó chỉ huy của mình là Nghĩa có tư tưởng cầu an, sợ giặc,thậm chí có thể phản bội cách mạng. Lê Văn gan dạ có chí tiến thủ, trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ anh vẫn luôn tu dưỡng bản thân, tích cực học bơi và bơi thật giỏi để làm người trinh sát tốt, chăm chỉ học tiếng Pháp để có thể giải quyết nhữnh việc cần thiết trong quân sự. Chí tiến thủ cao như vậy nhưng về tình cảm anh có vẻ khô khan, ít mở lòng, đặc biệt về tình yêu anh càng đóng chặt cửa trái tim. Bởi vì ngay lần yêu đầu tiên anh đã bị cô y tá xinh đẹp phản bội nên sau đó được nữ chiến sĩ trinh sát tên Nắng yêu tha thiết, nhưng Văn vẫn làm ngơ, cố tình coi như không biết tình cảm của Nắng giành cho mình. Đến khi Nắng phải chịu hy sinh quá nhiều cho cách mạng và cho anh, anh mới suy nghĩ lại và thấy yêu quí Nắng thì tình yêu của nắng với anh đã nhạt nhòa. Anh lặng lẽ ân hận và tiếc nuối, nhưng rồi cũng vui lòng để mối tình của Nắng dành cho Nghĩa được trọn vẹn, vì anh thấy Nghĩa xứng đáng đón nhận tình yêu của Nắng hơn anh.

Gần như ngược lại với tính cách của Văn, Nghĩa là một chàng trai thông minh, xông xáo, nhưng anh đã rèn luyện được tính kiên kì, bình tĩnh trong mọi trường hợp. Trong cuộc hành quân để lừa địch này, Hiếu được giao làm phó chỉ huy ( phân đội phó ) phụ trách công tác tư tưởng và chính trị. Anh cũng rất muốn tiến công tiêu diệt kẻ thù, nhưng luôn phải suy tính đến hậu quả sau trận đánh. Anh đã thẳng thắn nêu ý kiến trong cuộc họp chỉ huy : “ Đồng ý là mình tiêu hao sinh lực địch, nhưng lực lượng mình ít, quân địch rất đông, cũng có thể mình bị tiêu hao”. Những ý kiến thực tế đó khiến cho người đội trưởng Lê Văn nghi ngờ Nghĩa. Đơn vị vượt qua vùng tề vào khu Hà, khu căn cứ du kích của ta, lại chính là quê hương của Nghĩa. Cũng trong đơn vị trinh sát này, Nghĩa có một em trai là Hiếu, là tiểu đội trưởng, cấp dưới do Văn trực tiếp chi huy. Hai anh em Nghĩa, Hiếu lần này được về bên mẹ và những người thân. Hiếu thì về ngay với mẹ và đưa cả Nắng cùng về làm cho mẹ rất vui, hình dung ngay ra cô con dâu tương lai. Bà Giáo (mẹ của Nghĩa và Hiếu ) càng thêm yêu quí Hiếu. Ngược lại Nghĩa không thể về ngay với mẹ mà còn lo thu xếp cho bộ đội và 300 người đi cùng chỗ ăn, chỗ nghỉ ( việc này Văn đã giao hẳn cho Nghĩa, rằng “ cậu lo thu sếp cái “ đuôi khổng lồ ấy”. Khi anh về đến nhà thì đêm đã khuya, mẹ chờ mãi rồi đã ngủ say.

Nghĩa lặng lẽ ngồi nhìn mẹ ngủ, không dám đánh thức làm dở giắc ngủ muộn màng của mẹ. , Nhưng trong mắt mẹ Nghĩa là đứa con chẳng ra gì, bà đặt hết hy vọng vào Hiếu. Còn Hiếu, người em trai mà Nghĩa yêu quí thì luôn đố kỵ với anh. Hiếu cho rằng Nghĩa cản trở sự nghiệp của mình, bắt nguồn từ những việc làm rất nhỏ như Nghĩa không đồng ý với Văn khi phân công Hiếu đi cùng với Nắng. Vì Nghĩa biết Nắng đang yêu Văn mà Hiếu lại yêu Nắng một cách si mê. Nghĩa không muốn Hiếu đi cùng Nắng là muốn bảo vệ tình yêu Nắng dành cho Văn được trọn vẹn. Hoặc Văn nêu ý kiến đề nghị cấp trên tặng huy chương cho Hiếu thì Nghĩa chưa đồng tình. Theo anh, Văn hơi chiều Hiếu để cậu ta dễ nảy sinh tính tự phụ, kiêu căng. Anh muốn em trai mình phải được quân đội rèn luyện một cách nghiêm khắc để trưởng thành một cách vững vàng. Như vậy trong tình cảm gia đình thì Nghĩa chịu thiệt do mẹ hiểu lầm, em trai đó kỵ, còn trong công tác anh cũng chịu nhiều ức chế bởi đội trưởng nghi ngờ lòng dũng cảm của anh. Nghĩa còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa khi người con gái anh thầm yêu đã hy sinh trong trận càn, khi đang làm nhiệm vụ canh gác trên ngọn cây đa Hồng Tề. Hai người đã thầm yêu nhau từ vài năm trước, nay gặp lại chưa kịp tỏ tình thì cô gái đã hy sinh. Khi đơn vị chuẩn bị rút khỏi khu Hà, theo ý Văn sẽ đánh một trận ra trò rồi mới rút đi. Còn Nghĩa thì cân nhắc đến sự thiệt hại về sau của nhân dân khu Hà khiến Văn càng thêm nghi ngờ Nghĩa. Chỉ đến khi nhận được lệnh của Trung đoàn là đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ, phải phá vòng vây rút về ngay thì Văn mới chịu. Cuộc hành quân lần này rất gian khổ, nên Hiếu đã bỏ hàng ngũ định trốn đi. Vì bảo vệ sự an toàn cho đơn vị và vì danh dự gia đình nên Nghĩa đã cầm súng chạy theo em, gọi em quay lại. Nhưng chính trong giờ phút ấy Văn đã nói buột ra mồm cái sự nghi ngờ của mình “anh em nó đã phản bội cách mạng” và anh giao nhiệm vụ cho Đoan, tổ trưởng Đảng chạy theo, cần thiết thì cứ bắn chết. Đoan không bao giờ nghi ngờ nghĩa, anh hiểu Nghĩa là người kiên trung, chững trạc chứ không bốc hỏa như Văn. Đoan và Nghĩa đuổi theo Hiếu đến bờ sông thì Hiấu đã bơi được một phân tư sông rồi. Bên kia sông là vùng tề do địch kiểm soát. Nghĩa tha thiết gọi mà Hiếu không quay lại, cực chẳng đã, anh phải giương súng bắn em trai mình. Nhưng Đoan đã gạt Nghĩa ra, giương súng lên, làm hộ anh cái việc đau lòng đó, tránh cho Nghĩa nỗi đau khổ suốt đời vì anh đã giết em. Hiếu bị bắn chết dưới sông. Chỉ đến lúc đó Văn mới hiểu hết và tin tưởng người đồng đội của mình.

Cũng đến lúc đó người con gái duy nhất trong đơn vị là Nắng đã từ lâu giành tình cảm cho Văn thì nay cô muốn chia sẻ thật nhiều với Nghĩa. Nắng hiểu rõ gia cảnh nhà Nghĩa, bố bị địch bắt đi đày biệt tích, Nghĩa là anh cả nên luôn đứng mũi chịu sào, bà Giáo chưa thật hiểu Nghĩa nên yêu chiều Hiếu hơn.

Nắng cũng rất hiểu Văn luôn bất đồng quan điểm với Nghĩa nên không phải đến bây giờ mà ngay từ ngày đầu thành lập phân đội và trong suốt quá trình hành quân, chiến đấu, dù lúc đó Nắng rất yêu Văn nhưng không vì tình riêng mà bỏ qua chân lý. Nắng đã phát biểu trong nhiều cuộc họp bày tỏ sự đồng tình quan điểm với Nghĩa, nhẹ nhàng nhắc nhở hoặc mạnh dạn phê phán quan điểm của Văn. Nắng cũng rất hiểu Nghĩa luôn yêu quí em trai, nhưng Hiếu không hiểu hoặc cố tình không hiểu anh nên Hiếu luôn làm anh phải phiền lòng, cuối cùng Hiếu bỏ trốn, có thể sẽ chạy sang đầu hàng giặc, buộc Nghĩa phải cắt đứt tình máu mủ. Nỗi đau ấy là quá lớn, cùng với bao nhiêu sự chịu đựng thầm lặng của Nghĩa trong suốt cuộc chiến đấu gian nan khiến cho Nắng cảm phục và rung động. Trước đây Nắng đã thẳng thắn từ chối tình yêu của Hiếu và khẳng định rõ là yêu Văn, thì nay Nắng lại lặng lẽ từ bỏ tình yêu với Văn và âm thầm giành tình Yêu cho Nghĩa. Sự chuyển đổi tình cảm ấy không làm cho người đọc thấy khiên cưỡng hay khó chịu mà cảm thấy đó là một sự chuyển đổi hoàn toàn hợp lẽ như một sự tất nhiên phải thế. Khi đơn vị rút khỏi khu Hà, Nắng bị thương nặng nên phải ở lại đó. Văn vào chào từ biêt Nắng bao tình cảm yêu thương, những muốn được ôm Nắng, hôn Năng, nhưng cô chỉ nhìn anh với ánh mắt lạnh lùng, khác xa ánh mắt nồng nàn trước đây.

Nghĩa vào từ biệt Nắng thì cô nhìn anh đắm thắm và tha thiết. Nghĩa không nói gì, còn Nắng chỉ nói một câu “ Anh cứ yên lòng…Khi nào khỏi em sẽ xin mẹ cây ngâu kia, đem trồng ở mộ Dự…rồi anh sẽ về đón em.”. Cho dù đến cuối tập sách người đọc vẫn chưa thấy Nắng và Nghĩa tỏ tình với nhau, nhưng vẫn tin rằng, chính xác hơn là mong rằng họ sẽ đến với nhau, và tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết trái. Tác giả cũng cho người đọc niềm tin ấy, rằng “ Phút chia tay giữa Nghĩa và Nắng quá ngắn ngủi, khiến người con trai chưa thể nhận thấy hết ý nghĩa của nó…

Nhưng thời gian và những người thân như Đoan, Cả Đẵng… sẽ làm cho Nghĩa hiểu điều đó.”. Người đầu tiên phát hiện ra tình yêu ấy là Văn. Khi về đến trung đoàn Văn đã thú nhận với tham mưu trưởng rằng Nắng không còn yêu anh nữa. Nghĩa xứng đáng với Nắng hơn. Dù nuối tiếc nhưng Văn cũng rất vui trước hạnh phúc của bạn mình.

Trong phân đội 5 có một chàng trai thư sinh, trắng trẻo và rất thông minh, đó là Hiếu, một tiểu đội trưởng trinh sát lanh lợi. Hiếu là cấp dưới của Văn, nhưng lại là thày giáo dạy Văn bơi và tiếng Pháp. Hiếu sinh ra ở vùng sông nước nên bơi rất giỏi và là con ông Giáo nên kiến thức và tiếng Pháp của anh cũng rất đáng nể. Chính vì lý do đó mà Văn lấy Hiếu về đơn vị mình và luôn luôn cận kề bên nhau. Hiếu còn là người phiên dịch tiếng Pháp và cũng trực tiếp hỏi cung tù binh Pháp. Tuy có nhiều khả năng vượt trội như vậy, nhưng bản lĩnh chính trị còn non yếu.

Nếu so với Nghĩa và Văn hoặc so với ngay cả những chiến sĩ bình thường khác như Kiên, Tín thì Hiếu cong phải rèn luyện rất nhiều. Chỉ có Nghĩa và Nắng nhận ra điều ấy. Nắng là cô gái xinh đẹp, thông minh lại dũng cảm kiên cường, nên trong đơn vị nhiều người quí mến. Từ bác cấp dưỡng già Cả Đẵng đến nhưng người chững trạc như Đoan, hay nghiêm khắc như than mưu trưởng đều cảm tình và chăm chút Nắng. Ai cũng biết Nắng yêu Văn. Hiếu càng biết rõ hơn ai hết vì anh ở cùng với Văn, cũng biết rõ tình yêu chỉ là đơn phương từ phía Nắng. Vì vậy từ chỗ cảm tình rồi Hiếu yêu Nắng, yêu đến si mê. Đã nhiều lần Hiếu bày tỏ lòng mình với Nắng và nhắc cho cô biết rằng Văn không hề yêu cô. Trước đó dù không nói ra nhưng Năng luôn thể hiện rõ để Hiếu thấy mình không có tình cảm gì với anh. Đến khi về nhà Hiếu, sau một trận chồng càn ác liệt, hai người có cơ hội ngồi riêng với nhau ngoài bờ sông, Hiếu đã tha thiết cầu hôn, mong Nắng làm vợ của mình. Nắng đã trả lời thẳng thắn rằng giữa hai người không thể có tình cảm nào khác ngoài tình đồng chí, cho dù Văn không yêu Nắng thì Nắng cũng không thể dành tình yêu cho Hiếu. Đó là một cú sốc lớn với Hiếu. Rồi cuộc rút lùi đầy gian khổng và hiểm nguy, rồi những lời ngon ngọt của tên gián điệp Tư Lạc đã làm cho Hiếu nhụt trí. Hiếu đã lén lút bỏ đơn vị với những toan tính “bảo toàn tính mạng đã rồi sự nghiệp sẽ tính sau, rồi các anh em sẽ hiểu và mẹ sẽ thông cảm cho mình”.Nhưng trong cuộc kháng chiến ác liệt đó, cần đảm bảo bí mật cho đơn vị và an toàn cho nhân dân, làm sao tha thứ cho một kẻ sợ chết và quay lưng với đồng đội như hắn được. Cái chết của Hiếu quả thật uổng phí nhưng cũng là tất yếu trong bối cảnh cam go đó.

Ngoài bốn nhân vật nêu trên, còn một loạt nhân vật khác cũng rất sống động đáng yêu. Họ đều anh dũng trong chiến đấu, tình nghĩa trong cuộc đời. Chẳng hạn như bác Cả Đẵng là cấp dưỡng của đơn vị, đi đâu cũng kè kè chiếu rìu bên hông để sẵn sàng bổ củi. Cả Đẵng luôn thu vén, chăm lo bữa ăn cho bộ đội và cũng rất lo cấp trên hào phóng, cho anh em ăn tiêu chuẩn cao, sẽ hao hụt kho quân lương của quân đội, nên bác luôn phải cầm cân nảy mực. Hoặc như Kiên, một chiến sĩ trinh sát gan dạ, xuất thân từ một cậu bé nhà quê nghèo, bố mẹ mất sớm phải lang thang kiếm ăn khi sắp chết đói thì được một sư thày cứu mang về chùa. Anh đi tu, đã trở thành sư bác.

Giặc càn đến chặt đầu sư thày của anh thế là anh tự nguyện theo bộ đội trinh sát để đánh tây. Vào bộ đội anh vẫn giữ mái đầu trọc để nhớ một thời ở chùa, và luôn mặc quần đùi để tiện cho việc bò vào bốt giặc. Trời rét anh có thể mặc áo bông, nhưng vẫn chỉ mặc quần đùi, vì theo anh lục phủ ngũ tạng đều từ bụng trở lên mới cần chống rét. Thực tình đó chỉ là ngụy biện của anh lính nghèo ( ngày đó bộ đội chưa được phát quân trang như sau này. Ai có gì mặc nấy). Kiên là một trinh sát dày dạn và chiến đấu dũng cảm, trong trận chống càn ở xóm Bạc, anh đã cứu nguy cho nhiều đồng đội và nhân dân bị vây hãm dưới hầm, nhưng rồi anh bị một tên giặc bắn lén nên đã hy sinh. Lúc đồng đội niệm anh vào quan tài anh vẫn chỉ có mỗi chiếc quần đùi. Văn đã lấy chiếc quần gụ mới nhất của mình mặc cho Kiên. Hoặc như Tín, một lính trẻ vừa được bổ sung từ vệ binh sang trinh sát được Kiên dìu dắt. Vốn là con nhà thuyền chài nên Tín bơi lội rất giỏi, trong một lần đi bắt liên lạc với trung đoàn, Tín và Lém đã rơi vào tay giặc, Chúng đưa hai anh lên tàu tra tấn dã man. Lém đã bị chúng giết hại, còn Tín đã nhanh trí chớp thời cơ nhảy xuống sông, trở về đơn vị. Khi đơn vị rút khỏi khu du kích có mang theo tên tù bính Pháp , đó là đại úy Quýt Xắc.

Tín được phân công cùng với Hiếu kèm tên này. Hắn cậy khỏe, mặc dù bị trói tay, hắn vẫn đẩy Hiếu ngã lăn quay văng mất cả súng rồi nhảy ùm xuống sông hòng quay về bốt. nhưng như con cá kình, Tín lao vút theo và cho hắn mấy báng súng vào đầu. Quýt xắc chìm xuống dòng sông. Nhân vật Tín rất đáng khâm phục, nhưng người đọc rất thú vị khi nghe những câu chuyện anh kể về bắt ba ba, săn ngỗng trời. Anh kể với Kiên rằng bố anh từng bán ba ba mo ở chợ. Nghĩa lá ông lấy mo cau cắt thành nhiều kích cỡ bày bán, ai muốn mua loại nào tùy chọn, ngã giá xong thì ông lặn xuống sông ôm con ba ba cỡ đó lên. Còn chuyện bắt ngỗng trời, bó con anh đốt một đống lửa to, đợi đến khuya khi đàn ngỗng đã ngủ thì nhẹ nhàng bò vào từng ổ, vắt những dọc khoai nước đã hơ mềm qua mình ngỗng, thế là con nào con ấy nằm im để cho bố con anh bê bỏ vào lồng.

Ngoài cán bộ, chiến sĩ phân đội 5, trong Phá vây còn nhiều nhân vật là cán bộ, du kích, nhân dân khu Hà như Mùa, người huyện ủy viên đặc trách công tác khu Hà. Anh to lớn, răng đen, mặt như mặt phật, có đến 8 đứa con. Khi rảnh việc chỉ huy du kích, Mùa lại về vui đùa với các con, anh lồm cồm bò quanh nhà theo sự “ chỉ huy” của chúng, để chúng hét toáng lên, cười đến vỡ nhà. Trong một trận càn, địch đã giết chết 3 đứa con nhỏ của anh. Anh đau đớn khóc mấy tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ đến nỗi chính vợ anh phải can ngăn. Nỗi đau ấy khiến anh càng quyết liệt hơn trong chỉ huy chiến đấu. Địch đã treo giải thưởng 5 ngàn đồng Đông Dương cho người nào lấy được đầu Mùa. Hoặc như ông Quỳnh già, như bà Giáo, như ông Cút, cô Dự đều là những người hết lòng hy sinh cho kháng chiến. Đặc biệt là gia đình ông Cút tự nguyện canh gác cho dân làng. Khi phân đội 5 về đóng quân ở làng, con gái ông Cút là Dự tuy đã lấy chồng, nhưng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt nên về nhà bố mẹ. Dự lại thầm yêu Nghĩa nên cô muốn vào du kích để được chiến đấu bên anh. Sợ con chưa biết bắn súng nên ông Cút giao nhiệm vụ canh gác cho con để mình cầm súng chiến đấu. Trong trận càn đầu tiên chúng nã pháo lên cây đa nơi Dự đứng gác nên cô đã hy sinh. Đau đớn vì mất con, nhưng ông Cút vẫn lại trèo lên ngọn đa, tiếp tục nhiệm vụ canh gác của mình.

Những đoạn tả về ông Cút thật ấn tượng : “Chiều chiều, sớm sớm trền cây đa cao vút sau miếu Hồng Tề ( miếu thờ một anh hùng nông dân khởi nghĩa chống Pháp ở vùng biển), ông Cút, một lão du kích xã Vĩnh Trường vẫn tỉnh táo viễn tiêu trên đó. Địch muốn càn quét khu Hà, bắt buộc phải dùng tàu chiến, ca nô hay xe lội nước để đổ bộ. Từ trên ngọn đa ông Cút luôn gọi loa báo trước “ A lố… A lô ! Có sáu ( hay tám, hay mười) ca nô, sông Vùa chạy ra, Ba Đa chạy vào, đồng bào chú ý, du kích bố trí !”… Rồi khi địch rút lui thì tiếng loa lại cất lên “A lố… A lô! Địch đã chịu thua, rút về Ba Đa, rút qua sông Vùa, đồng bào du kích, lợn chó trâu bò, tiếp tục về nhà, tăng gia sản xuất!”.Tiếng loa theo nhịp bốn ấy cứ truyền đi khắp 12 thôn của khu du kích Hà.

Trong tập sách hầu như không có nhận vật phản diện. Tuy có tên Tư Lạc là gián điệp cho giặc và tên sĩ quan Pháp, Quýt Xắc tác giả có dành một số trang miêu tả tâm trạng, tính cách, nhưng đó vẫn là hai nhân vật mờ nhạt và kết thúc số phận một cách xứng đáng. Tư Lạc định trốn sang bên kia sông để báo tin cho giặc thì bị Đoan bắn chết.

Cuốn sách toát lên âm hưởng anh hùng ca cách mạng. Không có sự bi tráng, chỉ có sự hào hùng. Dù đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Phá vây ra đời, nhưng tác phẩm không hề cũ. Người đọc vẫn thấy hấp dẫn bởi từ ngữ, bởi những câu chuyện đời thường, bởi tính cách ngay thẳng, trung thực của từng nhân vật. Truyện không có mâu thuẫn gay gắt, không có cao trào, nhưng vẫn cuốn hút người đọc bởi nó tươi rói hương vị đời sống. Đó là sự tài hoa của ngòi bút Phù Thăng. Đó cũng là bản lĩnh của ngòi bút Phù Thăng, bởi ông đã phản ánh trung thực và sinh động cuộc chiến đấu của quân dân ta lúc đó./.

Đỗ Thị Hiền Hòa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/doc-lai-thieu-thuyet-pha-vay-39528