Đọc lại tập thơ mỏng nhất thi ca Việt Nam: Hoài Thanh đã sai rồi?

Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) được xem là một gương mặt độc đáo, đặc biệt của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945).

Giã từ cõi thế khi tuổi đời còn rất trẻ, tập thơ duy nhất ông để lại – “Ngày xưa” – ra mắt công chúng khi ông vừa 21 tuổi được xem là tập thơ mỏng nhất trong lịch sử xuất bản các ấn phẩm thơ của Việt Nam với số lượng các thi phẩm chỉ đúng 10 bài.

Thế nhưng, một giọng điệu riêng đã được tạo dựng, một ấn tượng khó phai đã in sâu vào lòng độc giả suốt bao năm tháng qua, gắn với sự lan tỏa và sức sống của nhiều câu, nhiều bài trong tập, mà được nhắc đến nhiều hơn cả là hai bài “Chùa Hương” “Sơn Tinh Thủy Tinh”.

Thế nhưng, sau 80 năm ngày mất của cố thi sĩ, người viết bài này vẫn băn khoăn tự hỏi, thực ra đâu là chất thơ chủ đạo của thi tập “Ngày xưa” (1935)?

Từ những nhận xét của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”

Những lời giới thiệu của Hoài Thanh về thơ Nguyễn Nhược Pháp trong Thi nhân Việt Nam có thể xem là những lời bình đầu tiên về tập thơ này, cũng như về phong cách thơ của Nguyễn Nhược Pháp.

Theo đó, tập Ngày xưa “đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những dáng hình ngộ nghĩnh.

Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những “thắt lưng dài đỏ hoe”, những “đôi dép cong nho nhỏ” (…) Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười…”.

Những nhận xét vừa dẫn của Hoài Thanh có thể nói đã chi phối toàn bộ việc tiếp nhận các bài thơ của độc giả về Nguyễn Nhược Pháp trong nhiều năm qua.

Hai bài ông trích đăng trong Thi nhân Việt Nam là “Tay ngà” và “Chùa Hương” quả thực đều xứng đáng là đại diện cho một hồn thơ trong trẻo, tươi sáng, thơ ngây với nhiều câu thơ xanh non, mơ màng, “tươi vui”, “ngộ nghĩnh”: “Trên lầu mấy thị nữ/ Cùng nhau rúc rích cười/ ”Thưa cô đừng thẹn nữa”/ Quan Nghè trông lên rồi”/ Cúi đầu nàng tha thướt/ Yêu kiều như mây qua/ Mắt xanh nhìn man mác/ Mỉm cười vê cành hoa” (Tay ngà), Khăn nhỏ đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao (…) Em đi cùng với me/ Me em ngồi cáng tre/ Thày theo sau cưỡi ngựa/ Thắt lưng dài đỏ hoe (Chùa Hương).

Chất “tươi vui”, “ngộ nghĩnh, “khúc khích cười” còn được Hoài Thanh chứng minh qua những câu thơ khác trong bài “Sơn Tinh Thủy Tinh”: Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều (…) Theo sau cua đỏ và tôm cá/ Chia đội năm mươi hòm ngọc trai/ Khập khiễng bò lê trên đất lạ/ Trước thành tấp tểnh đi hàng hai”.

Nguyễn Nhược Pháp trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân.

Phải công nhận rằng, chất tươi vui ngộ nghĩnh đúng là một nét duyên độc đáo của thơ Nguyễn Nhược Pháp, và những câu thơ mà Hoài Thanh trích dẫn để minh chứng về chất thơ ấy cũng hoàn toàn xác đáng.

Nhưng liệu đây có phải là cảm hứng chủ đạo nếu ta nhìn bao quát toàn bộ thi tập Ngày xưa hay không thì câu trả lời là chưa chắc. Cái bóng của “Chùa Hương” có vẻ như quá lớn, dường như đã khiến những bài thơ còn lại trong tập chìm đi, chưa được nhìn nhận một cách bình tĩnh và thấu đáo. Thế nên người viết bài này đã làm một việc mạo muội là bình tĩnh đọc lại toàn bộ 10 bài thơ của tập Ngày xưa.

Đâu mới là chất thơ chủ đạo của “Ngày xưa”?

Tìm cảm hứng đề tài từ chất liệu lịch sử là một cách đi riêng của Nguyễn Nhược Pháp (có hai nhà thơ khác của phong trào Thơ Mới cũng tìm cảm hứng đề tài từ chất liệu lịch sử nhưng cách thể hiện của họ là hoàn toàn khác nhau, đó là Huy Thông và Chế Lan Viên).

Thế nhưng nhìn lại toàn bộ các bài thơ trong tập, ta sẽ thấy đa số là những khúc bi sử. Danh sách 10 bài theo đúng thứ tự như sau: “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Mỵ Châu”, “Giếng Trọng Thủy”, “Tay ngà”, “Mỵ Ê”, “Một buổi chiều xuân”, “Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống”, “Đi cống”, “Mây”, “Chùa Hương”. Trừ ba bài đã được Hoài Thanh nhắc đến là “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Tay ngà” và “Chùa Hương”, những bài còn lại đều chưa được giới thiệu.

Có thể thấy, trong 7 bài thơ còn lại của tập Ngày xưa, trừ bài “Một buổi chiều xuân” có giọng điệu khá tương đồng với “Chùa Hương”, các bài còn lại đều là những khúc tình buồn.

Hai bài “Mỵ Châu” và “Giếng Trọng Thủy” đều lấy cảm hứng từ mối bi tình chia lìa xa xót của đôi trai tài gái sắc.

Cái chết của Mỵ Châu và Trọng Thủy là những điểm nhấn đặc biệt trong hai bài kể trên, thi ảnh “mắt lệ” trở đi trở lại đến 4 lần trong bài “Mỵ Châu”: Hiu hắt Mỵ Châu nằm, giăng phủ/ Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh…/ Thương ai sao biếc thầm gieo lệ/ Sương mờ bay tỏa bạc ngàn lau…/ Chàng đi cho bao giờ gặp gỡ/ Phiên Ngung nước cũ, lệ chan hòa…/ Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ/ Chàng đi man mác buồn, đêm thâu…/ Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!/ Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời…(Mỵ Châu). Đêm khuya gió lốc mây đen vần/ Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm/ Trọng Thủy nằm trên làn nước sủi/ Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm (Giếng Trọng Thủy).

“Mỵ Ê” và “Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống” là hai khúc tình buồn khác, đều in dấu trong đó yếu tố tử biệt sinh ly. Mỵ Ê thì chọn cách quyên sinh cùng dòng nước: Ủ lệ, tay ngà ôm ngực huyết/ Mỵ vờn theo sóng dạt bờ hoang.

Nguyễn Thị Kim cũng “nén lòng đau khóc nghẹn nhời”: Chuông đồng cảnh vắng, hồn mơ sảng/ Giăng lạnh, đêm sâu, cú đổ hồi/ Thê thảm chàng đi, về có vậy/ Thiếp chờ ai nữa? Hỡi chàng ôi.

Có thể nói, nước mắt tràn ngập trong 4 bài thơ vừa dẫn của Nguyễn Nhược Pháp, và ta không thể nói chất thơ của những bài này là tươi vui, ngộ nghĩnh, khúc khích cười được.

Ở hai bài “Đi cống” “Mây”, tâm trạng con người cùng thiên nhiên đều được miêu tả với nhiều buồn thương, thậm chí là u ám, yếm thế.

Bài “Đi cống” khắc họa tâm trạng của những con người phải dấn thân vào chốn rừng sâu núi thẳm, đường xa muôn dặm chưa biết ngày nào được trở lại đoàn tụ với vợ con, thậm chí có những người có thể không còn ngày trở về: Lúc ấy giời xanh không u ám/ Đầu non không tờ mờ bóng sương/ Làm sao họ âu sầu thảm đạm? Buồn thay người cố quận tha hương (…)Sứ bỗng nhìn quanh buồn ủ rũ/ Xa xa ngọn cờ vàng phất phơ/ Vợ con ở chưn giời mây phủ/ Hẳn đang nhìn bóng nhạn mong chờ…(Đi cống). Khi thấy hồn người thân/ Nhìn mây lệ khôn cầm/ Trên xe bầy tứ mã/ Tiếng lăn bánh âm thầm (Mây).

Mà kể cả hai bài “Một buổi chiều xuân” và “Tay ngà”, nếu đọc kỹ cũng thấy những câu kết của hai thi phẩm đều buồn man mác, đều có nỗi gì như dang dở, tiếc nuối bâng khuâng và phảng phất một dự cảm của điều không trọn vẹn: Ta còn đang luyến mộng/ Yêu bóng người vẩn vơ/ Tay ngà ai phủ trán?/ Hiu hắt ánh giăng mờ... (Tay ngà), Nàng chợt nghiêng thân ngà/ Thoảng bóng người xa xa/ Reo kinh hoàng, e lệ/ Đưa rơi cành bút hoa/ Ta mơ chưa lại hồn/ Nàng lẹ gót lầu son/ Vừa toan nhìn nét phượng/ Giấy thẹn bay thu tròn… (Một buổi chiều xuân).

Và thử nhìn lại cả bài “Sơn Tinh Thủy Tinh”

Như vậy, tôi đã vừa chứng minh chất buồn thương có mặt ở trong 8/10 bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp với các mức độ đậm nhạt khác nhau. Và bây giờ sẽ tiếp tục dành một phần riêng để bàn về “Sơn Tinh Thủy Tinh”.

Toàn bộ trước tác của Nguyễn Nhược Pháp do Nguyễn Lân Bình sưu tầm, biên soạn.

Liệu bài thơ với khá nhiều những câu mà Hoài Thanh đã dẫn để chứng minh cho chất tươi vui ngộ nghĩnh có thực sự đơn thuần là một thi phẩm mang âm hưởng tươi sáng hay không?

Nếu ta đọc lại “Sơn Tinh Thủy Tinh” của Nguyễn Nhược Pháp từ góc nhìn tình yêu đôi lứa thì phải thấy rằng đây là một câu chuyện tình với những nỗi xa xót, dở dang, oán hận của ít nhất một người trong cuộc – Thủy Tinh.

Ngay từ đầu Thủy Tinh đã bị đối xử thiếu công bằng khi những lễ vật Hùng Vương yêu cầu đều là những con vật thuộc miền núi cao/ đồng bằng, không phải là địa bàn thuận lợi của Thủy Tinh: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta khi đọc bài thơ này đều bị chi phối bởi sự liên tưởng tới nguyên gốc của tác phẩm – một câu chuyện truyền thuyết, được trình bày với ngụ ý về cuộc tranh đấu giữa con người và thế giới tự nhiên mà Thủy Tinh là một biểu tượng của thiên tai lũ lụt. Chúng ta chưa từng nghĩ nhiều về những tâm trạng của các nhân vật trữ tình trong tác phẩm, mà Thủy Tinh chính là nhân vật phải ôm nỗi hận tình chua chát nhất.

Nếu thử so sánh “Sơn Tinh Thủy Tinh” (1935) của Nguyễn Nhược Pháp với “Sơn Tinh Thủy Tinh” (1976) của Huy Cận, ta sẽ thấy nhiều điểm thú vị và khác biệt. Hai bài thơ đều được viết theo cốt truyện của một văn bản gốc nhưng cách khai triển lại hoàn toàn khác nhau.

Nguyễn Nhược Pháp mạnh về những miêu tả hình thức bên ngoài của cảnh và người còn Huy Cận lại tập trung nhiều câu thơ vào cuộc đối đầu giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.

Nhưng điều quan trọng nhất ở chỗ, phần kết của hai thi phẩm hoàn toàn khác nhau. Tôi vẫn cho rằng, đoạn kết của một tác phẩm thơ bao giờ cũng có vị trí quan trọng nhất trong một cấu trúc văn bản nghệ thuật, nó là khúc dư âm cuối cùng để lại trong tâm hồn người đọc.

Thì đây, ta hãy xem Nguyễn Nhược Pháp kết như thế nào: Thủy Tinh năm năm dưng nước bể/ Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương/ Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Còn Huy Cận chọn một cách khác để khép lại tác phẩm: Bão lụt dứt trời quang mây tạnh/ Núi Tản như viên ngọc xây thành/ Sông lạch chảy như thêu chỉ gấm/ Trên cánh đồng lúa mướt màu xanh.

Rõ ràng, cách kết của Nguyễn Nhược Pháp đọng lại một nỗi niềm gì day dứt bởi nó xoáy vào tâm trạng của Thủy Tinh, một kẻ thua tình, ôm niềm uất hận suốt đời không nguôi.

Kỷ niệm 80 năm ngày mất của Nguyễn Nhược Pháp và đọc lại tập thơ của ông, đưa ra một cách nhìn khác với những người đi trước, tôi mong được nhận lại ý kiến trao đổi rộng rãi của độc giả gần xa.

Đỗ Anh Vũ

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/doc-lai-tap-tho-mong-nhat-thi-ca-viet-nam-hoai-thanh-da-sai-roi-523811/