Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp: Không chỉ có 'Chùa Hương'

Sáng 9/11, NXB Phụ nữ và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức tọa đàm 'Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp' nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ, cũng là dịp ra mắt cuốn sách 'Hoa một mùa' tập hợp sự nghiệp văn chương của một con người chỉ ở thế gian có 24 năm. Và ở đó, không chỉ có 'Chùa Hương'.

Cuốn “Hoa một mùa” tập hợp những sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938), tại thế đúng 2 giáp, là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và người vợ bé, bà Phan Thị Lựu - con gái của một thổ ty giàu có ở Lạng Sơn.

Nhắc đến Nguyễn Nhược Pháp đối với công chúng thường đã rất quen thuộc với bài thơ “Chùa Hương” (sau này được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát “Em đi chùa Hương” rất phổ biến). Tuy nhiên lần này với “Hoa một mùa” (được tập hợp bởi ông Nguyễn Lân Bình – cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh, người gọi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là bác ruột) thì một tuyển tập đầy đủ đã cho thấy một Nguyễn Nhược Pháp tài năng ở nhiều lĩnh vực.

“Hoa một mùa” gồm: 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài thơ (Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây) và 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ Vần và điệu, sân khấu kịch đương thời...).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, cho đến lúc Nguyễn Nhược Pháp mất, năm 1938, các tài năng của phong trào Thơ Mới còn chưa xuất hiện hết, năm 1940 Xuân Diệu mới in tập thơ đầu tiên. Cho nên, ngoài truyện ngắn, thơ và kịch, các bài phê bình văn học của Nguyễn Nhược Pháp có giá trị của người làm chứng cho một trào lưu văn học. Nhất là ông sống trong gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh nên có điều kiện tiếp xúc nhiều với văn học và giới văn chương hồi đó.

Cũng theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trào lưu Thơ Mới với việc phá bỏ luật lệ của thơ cũ, làm theo âm điệu mới thì người khởi xướng đầu tiên không phải bài “Tình già” của Phan Khôi mà phải kể đến thơ dịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, khi cụ dịch thơ La Fontaine là đã thấy âm điệu, mầm mống của Thơ Mới rồi. Cho nên việc Nguyễn Nhược Pháp được sống trong một gia đình văn hóa như vậy là một môi trường rất thuận lợi để tài năng nảy nở và phát lộ. Chỉ tiếc rằng cả học giả Nguyễn Văn Vĩnh và con trai là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đều đã chậm được nghiên cứu trong nhiều năm.

Với “Hoa một mùa”, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, độc giả hiểu rõ hơn một Nguyễn Nhược Pháp khiêm nhường, nhỏ nhẹ mà nếu chỉ tính riêng các bài phê bình (dù rất ít) thì nếu đi hết con đường đó sẽ có rất nhiều đóng góp của một người trong cuộc, được tiếp thu văn hóa từ người cha khi cụ Nguyễn Văn Vĩnh thời đó là một cầu nối văn hóa Đông Tây.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng rất tiếc vì Nguyễn Nhược Pháp đã mất quá sớm. Ông thông minh, đẹp trai nhưng lại sống một cuộc đời ngắn ngủi: 2 tuổi đã mồ côi mẹ và khi 24 tuổi đã phải rời cõi tạm vì căn bệnh hiểm lao hạch, sau khi phải gánh chịu nỗi buồn bởi cái chết của người cha và những anh, chị trong gia đình.

Theo lời kể của ông Nguyễn Lân Bình, từ năm 1930, kinh tế gia đình cụ Nguyễn Văn Vĩnh lâm cảnh khó khăn trầm trọng. Sau khi mẹ đẻ mất, Nguyễn Nhược Pháp được mẹ cả đón về nuôi nấng, đã vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, viết thơ... để có nhuận bút, phụ giúp gia đình. Ông làm thơ từ sớm và đã viết cho các báo Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh hoa, Đông Dương Tạp chí… Bài thơ “Chùa Hương” nổi tiếng của ông được cho là viết về “người tình trong mộng” Đỗ Thị Bính (con của thương gia Đỗ Bá Lợi) - một trong “tứ đại mỹ nhân Hà Thành” thời bấy giờ.

Theo thạc sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, có lẽ vì sau này bị chi phối bởi nhận xét của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”, rằng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.... Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười”. Mà ấn tượng với nhiều người là thơ Nguyễn Nhược Pháp vui tươi, nhưng thực ra, trong số 10 bài thơ của một đời thơ Nguyễn Nhược Pháp, số lượng bài mang nỗi buồn thương trái ngang, không trọn vẹn có tỷ lệ trội hơn.

Đồng quan điểm này TS văn học Mai Anh Tuấn cho việc nhìn ra thơ Nguyễn Nhược Pháp buồn đã có từ năm 1970 với nhận xét trong một bài viết của Vũ Bằng. Có lẽ, là bởi vì Nguyễn Nhược Pháp luôn đặt mình theo góc nhìn của người nữ, trong các bài như Mỵ Ê, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, thậm chí cả ở một bài “vui tươi” là “Chùa Hương”, nhà thơ cũng vào vai người nữ, “bằng một sự tinh tế và mẫn cảm nào đó Nguyễn Nhược Pháp đã nhìn ra sự khác thường nào đó, những nỗi buồn, éo le trong phận con người”.

Tuy nhiên, việc đánh giá cao vị trí của Nguyễn Nhược Pháp trong nền văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt là dòng văn học lãng mạn, theo TS Mai Anh Tuấn, không nên tiếp tục theo một cái rãnh tư duy là “tính đến điểm cộng” cho tác giả rằng “mất sớm khi tài năng đang nở rộ”. Rõ ràng, giá trị của sự nghiệp các tài năng như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, và cả Nguyễn Nhược Pháp đều không cần các nhà nghiên cứu “cộng thêm” cho họ yếu tố này.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/doc-lai-nguyen-nhuoc-phap-khong-chi-co-chua-huong-tintuc422310