Độc lạ người vẽ mặt nạ thời gian

Đến với hội An, dưới những nếp nhà cổ rêu phong, nằm nép mình bên dòng sông Hoài êm đềm, thu hút sự tò mò của du khách là những chiếc mặt nạ đầy ấn tượng với đường nét tỉ mỉ, công phu. Tác giả của kỳ công ấy là nghệ nhân Bùi Quý Phong (65 tuổi), người chuyện vẽ 'mặt nạ thời gian'

Nghệ nhân Bùi Quý Phong - người vẽ mặt nạ thời gian - ảnh Thu Uyển

Nghệ nhân Bùi Quý Phong - người vẽ mặt nạ thời gian - ảnh Thu Uyển

Mặt nạ không rỗng mắt

Trong không gian ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng (Hội An), có hàng trăm chiếc mặt nạ được trưng bày, nhưng rất khó để tìm thấy những chiếc giống nhau. Những chiếc mặt nạ được nghệ nhân Bùi Quý Phong đặt cho cái tên “độc”, là “mặt nạ thời gian”.

Ông Phong tỉ mỉ bày các em nhỏ vẽ từng nét trên mặt nạ - ảnh NVCC

Ông Phong chú trọng vẽ những mặt nạ mang đặc trưng của hát bội (còn goi là hát bộ, hoặc tuồng) dân gian với những sắc thái biểu cảm vui- buồn-hạnh phúc khác nhau. Người xem dù biết nhiều hay ít về nghệ thuật hát bội nhưng khi nhìn vào đó cũng có thể dễ dàng hình dung ra tính cách mà mặt nạ thể hiện.

Đặc biệt, ông luôn “thổi” hồn Việt vào những chiếc mặt nạ, để không bị trùng với những chiếc mặt nạ của nền văn hóa khác.

Mỗi chiếc "mặt nạ thời gian" của ông Phong là một câu chuyện thú vị - ảnh Thu Uyển

Có một điều lạ, đó là toàn bộ mặt nạ ông Phong làm ra đều không đục rỗng phần mắt. "Tôi chỉ vẽ mà không khoét mắt để nó được treo lên trang trọng nhà như "bức tranh", thay vì là một món "đồ chơi" đeo trên mặt, khi chán người ta sẽ ném nó đi”, ông Phong lý giải.

Hơn nữa, ông không đục rỗng phần mắt là để thể hiện phần hồn của chiếc mặt nạ, bởi đôi mắt chính là của sổ tâm hồn. Khi nhìn vào đôi mắt ấy, người xem sẽ hiểu điều mà mặt nạ đó muốn thể hiện.

Dần dà, vẫn trên đường nét của mặt nạ hát bội, nhưng ông không chỉ vẽ về nét mặt, biểu cảm mà còn là những câu chuyện, những bức tranh được vẽ trên mặt nạ để gần gũi với cuộc đời hơn. Mỗi chiếc mặt nạ đều mang phẩm chất bên trong riêng của nó.

"Đường về" - một mặt nạ độc lạ của nghệ nhân Bùi Quý Phong - ảnh Thu Uyển

Ông Phong còn vẽ mặt nạ theo phong cách hiện đại - ảnh Thu Uyển

Không gian độc lạ mang giá trị cổ xưa

Dừng chân bên hẻm đường, một tiệm cà phê nhỏ nằm giữa lòng phố cổ (số 76 Lê Lợi, Hội An), đây là không gian thứ hai nơi ông trưng bày đứa những con tinh thần của mình. Du khách tới đây vừa có thể nhâm nhi tách cà phê, vừa có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

Lúc trước đây là nơi vợ ông buôn bán vải, nhưng sau đợt dịch COVID-19, vợ chồng ông quyết định chuyển sang mở tiệm cà phê, và là nơi trưng bày những “đứa con tinh thần” của mình - ảnh Thu Uyển

Đến đây, bạn Băng Nhi – sinh viên trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chia sẻ: “Đây là lần đầu em được chứng kiến và được chú Phong giới thiệu về nghệ thuật mặt nạ, em cảm thấy chiếc mặt nạ rất đặc biệt không giống như những chiếc nạ khác mà em biết. Đó không chỉ là những chiếc mặt nạ, mà ẩn chứa phía sau là những câu chuyện đời thường thật thú vị”.

Hai bạn Băng Nhi và Quang Tuyển đang nghe nghệ nhân Bùi Quý Phong giải thích về ý nghĩa chiếc mặt nạ - ảnh Thuy Uyển

Giá mỗi chiếc mặt nạ là 250.000 đồng, dù một ngày bán không được bao nhiêu nhưng ông Phong vẫn quyết không bỏ nghề. Ông bảo, người ta dù không mua nhưng khi nhìn vào họ cũng sẽ nhớ đến hát bội. Ông quyết định gắn bó với chiếc mặt nạ, để có thể quảng bá những giá trị truyền thống đến với khách du lịch ở Hội An. Khi du khách đã mua một chiếc mặt nạ ra về, thì ông lại đau đáu để tìm một câu chuyện khác cho chiếc mặt nạ kế tiếp. Những chiếc mặt nạ mang ý nghĩa, thông điệp riêng theo chân du khách đến mọi nơi trong và ngoài nước.

Một góc nhỏ của quán "Mặt nạ thời gian" được nhiều du khách biết tới - ảnh Thu Uyển

Mặt nạ thời gian - vẽ để ghi lại dấu ấn của ông cha ta đã có một thời vàng son trên sân khấu nghệ thuật hát bội. Là một người yêu nghệ thuật, cái đẹp truyền thống, ông cứ đau đáu về những giá trị văn hóa dân gian đang dần bị mai một, liệu nó có thể trường tồn với thời gian?
Rất nhiều người làm mặt nạ ngày xưa, bây giờ đã bỏ nghề hết bởi vì không đủ sống. Còn ông, ông nói vui rằng cố gắng trụ lại với nghề, vì mình có độ "liều" cao hơn. Sự đam mê cộng với tài hoa trên từng chiếc mặt nạ của ông Phong đang góp phần tạo nên màu sắc khác cho văn hóa Hội An.

Bên cạnh công việc vẽ mặt nạ, ông Phong còn tham gia tổ chức các hoạt động nghệ thuật từ thiện để ủng hộ bà con có hoàn cảnh còn khó khăn có một cái Tết ấm no sau đợt COVID-19 và mùa lũ vừa qua.

Thu Uyển

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/doc-la-nguoi-ve-mat-na-thoi-gian-1782222.tpo