Độc, lạ 1001 kiểu cầu hôn ... ồn ào

Khi Trường Giang lên sân khấu cầu hôn bạn gái trong một chương trình truyền hình trực tiếp, khán giả ném đá tơi bời, coi như màn cầu hôn lố nhất lịch sử. Nhưng mới đây, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh, Nghệ An quì xuống cầu hôn một nữ sinh thì dư luận lại chia hai chiều, khen, chê đủ cả.

Rước dâu bằng xe đạp.

Có gì mà rộn lên?

Có người khen màn quì gối cầu hôn của cán bộ trường đại học khá thú vị hoặc cũng thấy sự việc không đến mức phải rộn lên: “Đó là biểu hiện của sự đa dạng trong tính cách của con người. Môi trường cuộc sống hiện nay không nên làm “đồng phục” cho tất cả mọi người”; “Gì mà phải quan trọng hóa thế nhỉ! Vấn đề là có làm mất nhiều thời gian, quá qui định của ban tổ chức, có gây lộn xộn, mất trật tự buổi lễ, có ép buộc người nhận tình cảm… Còn lại đều là một trong hàng vạn cách chúc mừng. Thoáng lên các chế” v.v..

Bên cạnh đó khá nhiều người chê nhố nhăng. Thậm chí có bình luận nặng nề: “Một người bạn đang công tác ở trường đại học sư phạm Vinh cho biết, giáo viên của trường nói lễ trao bằng cử nhân ở đại học Vinh mà như chợ Vinh”. Ý kiến khác: “Theo các nhà tâm lí Mỹ, những người đàn ông cầu hôn bạn gái trước đám đông, thường có tính cách thích chiếm hữu, anh ta muốn cho tất cả mọi người biết rằng cô ấy là của riêng anh, ngoài ra những người này thường có xu hướng chú trọng hình thức hơn tâm hồn”.

Có người còn giễu cợt: “Sắp tới, các cô gái không tốt nghiệp đại học, cơ bản sẽ ế chồng vì không có việc trao bằng để cầu hôn”. Bởi vì chàng bí thư nọ cầu hôn bạn gái xinh đẹp khi Trường ĐH Vinh tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân năm 2018 cho các sinh viên. Cô gái được cầu hôn vinh dự nhận hai bằng tốt nghiệp. Sự việc diễn ra chóng vánh, độ đôi ba phút nhưng “phủ sóng” khắp cả nước, không kém vụ ngôi sao Trường Giang cầu hôn Nhã Phương. Người được cầu hôn thay vì cảm thấy hãnh diện, đã rơi ngay vào cảm giác buồn, vì bị “soi” quá!

Cho nên, khi định thực hiện một chuyện khác bình thường để gây ấn tượng với người yêu, bạn trẻ cũng nên lường trước hiệu ứng ngược và chuẩn bị tâm lí sẵn sàng đón nhận cơn bão dư luận, trong thời buổi bất cứ hiện tượng lạ nào đều nhanh chóng phổ biến trên mạng. Đừng bột phát làm rồi hối hận không kịp.

Đặc biệt, khi bạn đang công tác ở những ngành nghề được mặc định là nghiêm túc cao độ như nghề giáo. Sự việc cán bộ trường đại học cầu hôn nữ sinh cũng đặt ra câu hỏi: Nên hay không nên khép giáo viên vào những “chuẩn mực” cao hơn người bình thường? Ngay như ở nước Nga, mới đây một giáo viên dạy lịch sử đã bị đuổi việc chỉ vì tấm ảnh mặc áo tắm của cô xuất hiện trên mạng, ban giám hiệu nhà trường cho rằng, cô giáo ấy đã làm ảnh hưởng danh dự nhà giáo. Không ngờ sự việc đã làm bùng nổ phong trào nữ giáo viên mặc áo tắm công khai trên mạng xã hội, để bảo vệ đồng nghiệp, đồng thời cũng là đòi quyền cho chính mình: “Giáo viên cũng là con người”.

Những màn rước dâu độc nhất vô nhị

Rước dâu bằng xe trâu.

Không chỉ cầu hôn hướng đến độc đáo. Những lễ rước dâu bây giờ cũng hết thời “mặc đồng phục”. Chuyện thật như đùa, hồi đầu năm một chú rể ở Bình Thuận vì muốn tạo bất ngờ cho cô dâu, đã làm cuộc rước dâu sử dụng đến 7 chiếc xe trâu được trang hoàng lộng lẫy. Ý tưởng của chú rể xuất phát từ mong muốn biến lễ rước dâu thành sự kiện đáng nhớ và cũng để cô dâu bất ngờ.

Chàng trai trẻ mất một tháng để chuẩn bị 7 xe trâu kéo và một ngày để biến chúng thành xe rước dâu. Trước đó, ở xã Liên Phương, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ cũng đã có đám cưới rước dâu bằng xe trâu kéo. Cô dâu mặc váy trắng, đội nón, cầm bó hoa trắng cười tươi trên xe trâu mộc mạc, không được trang trí cầu kỳ như ở Bình Thuận. Để chứng minh, quê mình người trẻ cũng giàu sáng tạo, một bạn ở Buôn Mê Thuột từng khoe hình ảnh rước dâu bằng voi, đậm đà màu sắc buôn làng.

Nhưng rước dâu bằng trâu hay bằng voi không phải dễ thực hiện ở những vùng đô thị lớn. Người ở phố cũng có cách chơi riêng, tạo ra sự khác biệt. Mấy năm gần đây, không ít người tỏ ra thích thú với kiểu rước dâu bằng xe đạp. Mới nhất là đoàn rước dâu, do chú rể 9x cầm đầu, ở Vĩnh Phúc.

Những chiếc xe đạp được trang trí bằng nơ, bóng bay, hoa hồng khá đẹp mắt, cô dâu sung sướng ngồi sau xe chú rể giống như khi họ mới yêu nhau, cả hai chở nhau đi chơi bằng xe đạp. Cách đây 2 năm ở Tây Ninh cũng đã từng có màn rước dâu bằng 11 chiếc xe đạp gây ấn tượng mạnh mẽ. Chú rể là người nhìn xa trông rộng muốn đi ngược lại với căn bệnh hình thức đang đâm chồi trong xã hội hiện đại: “Người miền Trung coi trọng các phong tục cưới hỏi. Với họ, càng nhiều xe hơi trong lễ rước dâu càng thể hiện sự sung túc của nhà trai, mức độ linh đình của lễ cưới”. Hơn nữa, chú rể cũng nghĩ rằng: Rước dâu bằng xe đạp vừa độc đáo, lại tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Rước dâu bằng xe trâu.

Nhưng rõ ràng, rước dâu bằng xe đạp chỉ có thể tiến hành được khi hai nhà dâu, rể có khoảng cách địa lí không quá xa nhau. Ở xa mà rước dâu bằng xe đạp, không chỉ làm khổ cô dâu, chú rể mà cả đoàn hộ tống. Cũng có người linh động biến tấu rước dâu bằng xe đạp điện. Nhưng ở Trung Quốc cũng đã từng xảy ra chuyện dở khóc dở cười, khi chú rể đánh rơi cô dâu giữa đường vẫn hồn nhiên chạy xe đi tiếp. Một người đàn ông đi đường đã đỡ cô dâu lên xe của mình để đuổi theo chú rể.

Cô dâu Tày đẹp nhất Việt Nam

Cô dâu Tày xinh nhất Việt Nam trong ngày trọng đại.

Mới đây, ở Cao Bằng diễn ra một lễ cưới rộn ràng mạng xã hội, cô gái người Tày lấy một chàng trai người Kinh. Điểm độc đáo là cô dâu diện trang phục dân tộc Tày bên chú rể đóng comple lịch lãm.

Trong đám cưới, không chỉ có cô dâu mặc trang phục Tày, còn có các bà, các mế cũng diện trang phục của dân tộc mình, tạo ra một lễ cưới đậm đà bản sắc, hiếm thấy ngay tại Cao Bằng. Trang phục của người Tày từng đi vào thơ Tố Hữu: “Áo chàm đưa buổi phân li/Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Nhưng áo chàm đã bị lãng quên nhiều trong đời sống của người Tày hiện nay. Người trẻ không mặc trang phục dân tộc mình để đi làm, đi học, cũng không ai mặc trong dịp lễ, tết hay những buổi tụ tập đông người như sinh nhật.

Việc một cô gái lựa chọn trang phục dân tộc Tày trong buổi lễ trọng đại của đời người đã nhanh chóng được lan truyền như một sự kiện độc đáo. Đặc biệt trang phục giản dị của dân tộc Tày vẫn tôn vinh nhan sắc như hoa của cô dâu, nhiều người đã tặng cô danh hiệu: “Cô dâu Tày đẹp nhất Việt Nam”. Trong khi bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đang bị mai một do sự tấn công của đời sống hiện đại, có lẽ cần nhiều hơn nữa những cô dâu, chú rể tự hào, tự tin với nguồn cội của mình như cô dâu người Tày xinh đẹp đang nổi tiếng trên đây.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/doc-la-1001-kieu-cau-hon-on-ao-1294076.tpo