Đọc 'Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên' của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Nội dung cuốn sách gồm có 3 phần chính, phần một là phần mở đầu, phần 2 nói về 2 cuộc chiến tranh từ ngày 17/2/1979 đến ngày 18/3/1979 và từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 10 năm 1989, và phần 3 là những trăn trở và một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh 1931, nhập ngũ năm 1948, là người đã trực tiếp chiến đấu qua các cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc: chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc.

Nguyễn Đức Huy từng là Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời đầu tiên thị xã Quảng Trị (tháng 5/1972), nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 (năm 1973), Tư lệnh Sư đoàn 325 (năm 1976), Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (năm 1983), Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 (năm 1986), Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (năm 1993).

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ phía Bắc Tổ quốc, từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1989, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên, ông là Tham mưu trưởng Mặt trận (ông cũng đồng thời làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2). Hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên.

Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2 năm 1979 và từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 10 năm 1989 cũng đã đi qua mấy chục năm. Nhưng chúng ta ít nói về 2 cuộc chiến. Đặc biệt là cuộc chiến tranh xâm lược lấn chiếm biên giới Vị Xuyên từ ngày 25/4/1984 đến tháng 10 năm 1989.

Do đó, trong nhân dân ta, cán bộ ta, nhiều người không biết hoặc ít biết đến cuộc chiến tranh này. Đến nay, lịch sử quốc gia chưa viết, hoặc viết rất ít, sách giáo khoa lịch sử chưa được biên soạn, lịch sử các đơn vị đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên chưa được viết, chính vì vậy mà cuộc chiến tranh này gần như bị lãng quên.

Để góp phần lưu lại một số tư liệu về 2 cuộc chiến tranh này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là người đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở cả 2 cuộc chiến tranh trên với cương vị là Sư đoàn và Quân khu, qua hồi ức của mình và tư liệu của đồng đội, cùng với sự cộng tác tích cực của nhà báo Đại tá Đặng Việt Thủy, Thiếu tướng đã tổng hợp và viết cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên’.

Nội dung cuốn sách gồm có 3 phần chính, phần một là phần mở đầu, phần 2 nói về 2 cuộc chiến tranh từ ngày 17/2/1979 đến ngày 18/3/1979 và từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 10 năm 1989, và phần 3 là những trăn trở và một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Nội dung chính của cuốn Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên được trình bày ở phần 2, nói về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam, phần này được chia làm hai giai đoạn như sau:

Giai đoạn từ ngày 17/2/1979 đến ngày 18/3/1979. Cuộc chiến tranh này được các cơ quan thông tin và truyền thông đã nói đến nhiều, cán bộ ta, nhân dân ta hầu như ai cũng biết, nhưng có một điều mà đã 41 năm qua, các phương tiện thông tin truyền thông của ta lại nói đây là “Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc”.

Trong cuốn Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy không viết là cuộc chiến tranh biên giới mà viết là “Cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam”, sở dĩ viết như vậy, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đưa ra những lý do như sau:

Thứ nhất: Ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó, đâu chỉ giới hạn ở biên giới 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam và khi đã đánh được 6 tỉnh biên giới, nếu điều kiện thuận lợi, họ có thể đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam tới thủ đô Hà Nội như tên tướng Hứa Hữu Thế đã tuyên bố.

Thứ hai: Các tuyên bố của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như: Thông báo ngày 5/3/1979 của ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCNVN có đoạn viết “Trước tình hình bọn bá quyền Trung Quốc, điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam…”.

Quyết định của UBTV Quốc hội số 446/QHK6 ngày 5/3/1979 cũng viết: “Trước cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc đối với nước ta…”.

Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCNVN Tôn Đức Thắng đã viết: “Tổng động viên cả nước để bảo vệ tổ quốc XHCNVN, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc…”.

Giai đoạn từ ngày 28/4/1984 đến tháng 10 năm 1989, đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc lấn chiếm biên giới Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (ngày nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Đây chính là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc lần thứ hai đối với nước CHXHCN Việt Nam, chứ không phải là cuộc xung đột biên giới. Cuộc chiến tranh này, nhân dân ta, cán bộ ta theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là còn ít người biết đến, hoặc biết lại cho rằng nó nằm trong cuộc chiến tranh tháng 2 năm 1979.

Khi được phép thành lập mặt trận liên lạc CCB toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên (ngày 14/7/2016, trong bài phát biểu buổi ra mắt BLL tại hội trường Bộ Quốc phòng tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã khẳng định: “Đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc với mục lấn chiếm, vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam, tiếp tục phá hoại công cuộc tái thiết kinh tế của Việt Nam và nếu có điều kiện chúng sẽ tiến sau vào lãnh thổ Việt Nam”.

Trong cuộc chiến tranh Vị Xuyên này, Trung Quốc đã lần lượt huy động gần 60 vạn quân của 8 trên 10 Đại quân khu, hơn 400 khẩu pháo lớn, và hàng ngàn xe cơ gới các loại.

Với Việt Nam chúng ta cũng đã huy động tơi 9 sư đoàn chủ lực, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đại phương đặc công, hàng vạn quân du kích, hơn 100 khẩu pháo lớn, nhiều lữ đoàn, trung đoàn binh chủng pháo binh, công binh, thông tin, phòng không… và hàng chục vạn dân công.

Trong 5 năm từ 28/4/1984 đến tháng 10 năm 1989, Trung Quốc đã bắn vào Việt Nam tới hơn 1 triệu 800 ngàn quả pháo lớn, hằng ngày chúng bắn vào nước ta từ 3 vạn đếm 5 vạn quả đạn pháo. Có đợt trong 3 ngày liền chúng đã bắn tới 15 vạn quả đạn pháo.

Các núi đá ở mặt trận Vị Xuyên vỡ trắng như miệng các lò vôi, nên quân ta thời đó đã gọi là “Lò vôi thế kỷ”, thời gian kéo dài tới hơn 5 năm. Nếu tính cả từ năm 1979 thì tổng cộng là 10 năm tròn, nó còn kéo dài hơn cả 9 năm kháng chiến chống Pháp, nên thương vong của cả hai bên cũng là rất lớn.

Về phía Trung Quốc bị tiêu diệt và bị thương hơn 2 vạn tên, bị bắt sống 365 tên, có đợt cao điểm từ ngày 1/6/1985 đến ngày 11/6/1985 tại cao điểm A6B Trung Quốc bị ta tiêu diệt hơn 1000 tên, xóa sổ một trung đoàn bộ binh, Trung Quốc gọi đây là ngày thảm hại lớn nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Còn về phía Việt Nam chúng ta cũng có hơn 4000 cán bộ, chiến sỹ hy sinh anh dũng, riêng ngày 12/7/1984 ta hy sinh hơn 600 người, nên ngày này anh em gọi là “Ngày giỗ trận”.

Trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược lần thứ hai này, Thiếu tướng Nguyễ Đức Huy đã rút ra được 3 cái nhất của ta đó là: Quy mô lớn nhất (gần 60 vạn quân chỉ tập trung vào khu vực có diện tích hơn 20km, sâu khoảng 10km); Ác liệt nhất; Và thời gian dài nhất.

Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta, sự đoàn kết - đồng lòng của toàn dân, sự đấu tranh kiên cường, hy sinh anh dũng của quân đội, của các lực lượng vũ trang, nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn về chiến lược về lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chúng ta đã đánh bại hoàn toàn âm mưu và hành động xâm lược của Trung Quốc, giữ vững từng tấc đất biên cương của tổ quốc.

Phần thứ ba, trong “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” là những trăn trở và những kiến nghị với Đảng – Nhà Nước.

Cuộc chiến tranh chống xâm lược của Trung Quốc đã lùi xa, nhiều người từng tham gia 2 cuộc chiến tranh nay đã không còn, nhưng chúng ta chưa công bố cho nhân dân ta, con cháu ta về 2 cuộc chiến tranh này. Lịch sử quôác gia viết rất ít, sách giáo khoa lịch sử chưa viết nhiều về cuộc chiến tranh này.

Lịch sử của của các đơn vị tham gia chiến đấu chưa được viết, hoặc chưa được công bố sự thật và đầy đủ về 2 cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, viết ra không phải là để kích động thù hằn dân tộc, mà là để giáo dục cho con cháu chúng ta nâng cao lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sang hy sinh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam chúng ta.

Trăn trở của Thiếu tướng Nguyễ Đức Huy là tiếp tục cho tìm kiếm, quy tập hài cốt của hơn 2000 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, nâng cấp nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên cho xứng tầm, xây dựng tượng đài chiến thắng Vị Xuyên. Những năm chẵn cần tổ chức lễ tri ân cấp Quốc gia như: Thành Cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc, Chuông Bồn – Nghệ An, Vị Xuyên… để khỏi tủi những vong linh những người lính đã hy sinh và những người lính đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên.

Cần tổ chức những hội thảo khoa học cấp Quốc gia để đánh giá đúng, toàn diện, rút ra những bài học về 2 cuộc chiến tranh này. Cơ quan chủ trì hội thảo phải là Bộ Quốc phòng mới đúng với chức năng và nhiệm vụ của cơ quan chiến lược về phòng thủ và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, đóa cũng là những điều tâm huyết nhất của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy với “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/doc-%E2%80%9Choi-uc-chien-tranh-vi-xuyen%E2%80%9D-cua-thieu-tuong-nguyen-duc-huy-75439