Độc đáo tranh lụa Linh Chi

Công chúng yêu mỹ thuật vừa có dịp thưởng lãm gần 100 tác phẩm có giá trị của họa sĩ Linh Chi, trong đó có tác phẩm lần đầu được công bố, có nhiều tác phẩm được họa sĩ sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tác phẩm “Cô Mai” của họa sĩ Linh Chi - Bột mầu, 27x52 cm, vẽ năm 1958.

Tác phẩm “Cô Mai” của họa sĩ Linh Chi - Bột mầu, 27x52 cm, vẽ năm 1958.

Họa sĩ Linh Chi tên thật là Nguyễn Tài Lương, sinh năm 1921, thuộc lớp họa sĩ thế hệ thứ hai trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông tốt nghiệp khóa Kháng chiến Trường Mỹ thuật Việt Nam.

Tháng 9/1944, ông có triển lãm đầu tay gồm 43 bức tranh sơn dầu và bột màu tại Nhà Thông tin Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1950 ông cho ra mắt một phòng tranh với các bức tranh bột màu thuốc nước, với các bức ký họa tại Thủ đô kháng chiến Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Năm 1971 ông tiếp tục có Triển lãm tranh Linh Chi tại số 10 phố Hàng Đào (Hà Nội) do Hội Mỹ thuật Việt Nam bảo trợ gồm các tranh sơn dầu, lụa, bột màu, giới thiệu 73 tranh tới công chúng. Tháng 5/1988: Triển lãm tranh Linh Chi tại số 19 phố Hàng buồm do Hội Văn nghệ Hà Nội bảo trợ gồm với 90 tác phẩm tranh sơn dầu, lụa, bột màu đã có tiếng vang.

Họa sĩ Linh Chi mất ngày 1/3/2016. Nhiều tác phẩm của ông đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Các dân tộc phương Đông ở Moscow (Nga), Bảo tàng Châu á và Thái Bình Dương ở Warsaw (Ba Lan) và có mặt trong nhiều sưu tập cá nhân ở Pháp, ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản...

Những bức tranh trưng bày trong triển lãm vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội khiến người xem không khỏi ngạc nhiên trước những mảng tranh là thế mạnh của ông như: Tranh phong cảnh miêu tả cảnh sắc nên thơ của bản làng, rừng núi. Tranh chân dung thể hiện sự lạc quan, trong trẻo của các nhân vật. Mỗi tác phẩm đều khiến người xem ghi nhớ đậm nét bút pháp chân thực và mộc mạc của ông.

Nhận xét về các tác phẩm trưng bày tại triển lãm vừa qua, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, lụa chỉ là một chất liệu để ông vẽ, ông tỏ bày cảm xúc của mình, ông không quá nương vào cái loang nhòe vốn có của lụa mà bất kể họa sĩ nào vẽ lụa cũng khai thác. Ông vẫn diễn khối bằng đậm nhạt nhưng chỉ gợi chứ không vờn tỉa gò gẫm.

“Cho nên tranh lụa của ông có nhiều mảng phẳng và nghiêng về đồ họa, giữa gợi khối bằng đậm nhạt với mảng phẳng, giữa mảng phẳng và đi nét là mỹ cảm riêng có của ông. Lụa vẫn là lụa nhưng đã mới hơn, hiện đại hơn. Đặc biệt là nét, đành rằng nét là để tạo hình nhưng xem kỹ tranh của Linh Chi thấy nét tạo hình chỉ là một nửa, phần còn lại thì nét chính là để biểu cảm, ông đặt cái tình của mình, tấm lòng của mình vào nét, buồn vui, yêu thương, nhớ nhung, đều lộ ra ở nét” - họa sĩ Lê Thiết Cương phân tích.

Giá trị nhân văn trong tranh của họa sĩ Linh Chi chính là sự kết hợp hài hòa giữa thái độ ứng xử trước hiện thực và lý tưởng nghệ thuật. Tranh phong cảnh của ông có sự khác biệt ở bố cục và màu sắc, làm tăng cảm xúc cho người xem. Trong khi đó, mảng tranh sinh hoạt miền núi của ông lại gần gũi, tinh khiết như nắng mai. Tranh chân dung được sáng tác bởi họa sĩ Linh Chi cũng mang đến cho công chúng sự chân thực, mộc mạc, trong trẻo và tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-tranh-lua-linh-chi-561738.html