Độc đáo trang sức người Mông

Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc Mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Dân tộc Mông thường cư trú tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc.

Giống như nhiều dân tộc khác, phụ nữ Mông cũng đeo trang sức để làm đẹp và thể hiện những thông điệp liên quan đến cuộc sống riêng tư. Trang sức của họ thường được làm từ bạc, nhôm, đồng… với những nét họa tiết đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc mình.

Trang sức truyền thống của người Mông bao gồm vòng cổ, vòng tay, nhẫn, khuyên tai… Những món trang sức này được thiết kế rất độc đáo với những họa tiết sinh động, đặc sắc tạo ra sự thích thú cho người nhìn. Nếu có dịp đến với đồng bào Mông ở Lào Cai, Hà Giang…, dự các phiên chợ vùng cao sẽ thấy, hầu như không có người phụ nữ Hmông nào ra chợ mà không đeo hoa tai.

Từ các bà, các chị đến những bé gái, trên tai đều duyên dáng những chiếc khuyên lấp lánh. Những đôi hoa tai khi đơn giản, khi cầu kỳ, nhưng đều làm bằng bạc trắng. Phần lớn những đôi hoa tai phụ nữ Mông Tây Bắc có kiểu dáng tròn, biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, là những vị thần sức mạnh mà người Hmông tin tưởng.

Theo Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam (PGS. TS Nguyễn Văn Huy chủ biên) giới thiệu: Người Mông thường sử dụng hoa tai hình khuyên, làm bằng bạc, 2 đầu dễ mở, tiết diện dẹt, to bản ở giữa và một đầu, còn đầu kia nhỏ lại. Trên mặt khuyên có khắc trang trí hình hoa lá, mặt trăng, mặt trời, hình xoắn ốc… Hoa tai do những thợ bạc người Mông chế tác khi mùa màng thu hoạch gần xong hoặc lúc rỗi rãi, thường là tháng 11-12, gần đến tết của người Mông. Hoa tai chỉ dùng cho nữ giới. các bé gái khi mới 2-3 tuổi đã được bố, mẹ xâu cho lỗ ở dái tai, đến 7-8 tuổi thì bắt đầu đeo hoa tai. Người phụ nữ có thể đeo 2-4 đôi. Khi đeo, người ta luồn đầu nhỏ của của chiếc khuyên qua lỗ xâu, từ phía sau tai luồn ra phía trước.

Từ xưa đến nay, hoa tai vẫn là trang sức phổ biến và không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người phụ nữ Mông. Tuy nhiên ngày nay phần đông đã sử dụng loại hoa tai bằng nhôm do thợ người Kinh làm ra và có bán tại các phiên chợ trong vùng.

Trong một số câu chuyện còn lưu truyền của đồng bào Mông, người phụ nữ đeo những khuyên tai to là những người khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn. Vì lẽ đó cô gái nào khi đi hội cũng thường đeo khuyên tai rất to. Thậm chí có nơi như Than Uyên - Lào Cai, người ta còn đeo kép hai đôi khuyên tai. Người Mông vùng Bắc Hà có loại khuyên tai hình lưỡi liềm, một đầu đeo ở tai, đầu kia móc lên khăn ở phía sau đỉnh đầu rất đặc biệt…

Vòng cổ, cũng theo Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam giới thiệu, người Mông có 2 loại là vòng trang sức và vòng vía. Cả 2 loại đều do thợ bạc người Mông chế tác khi mùa màng thu hoạch gần xong hoặc lúc rỗi rãi.

Vòng trang sức thường được làm bằng bạc hoặc nhôm, 2 đầu có trang trí hoa văn và không hàn kín với nhau. Cả phụ nữ và đàn ông đều đeo loại vòng này ở cổ để trang sức hàng ngày và trong các dịp lễ tết. Ngày cưới cô dâu chú rể đeo loại vòng tương tự nhưng giữa 2 đầu được nối bằng các sợi tua bạc hình hoa bí hoặc những sợi dây xích bạc dài.

Vòng vía làm bằng 3 loại dây gồm đồng, bạc và sắt, xoắn lại với nhau, phía trước có thể gắn thêm những dây hình chìa khóa hoặc ổ khóa thật. Đây là loại vòng dùng để người ốm và người yếu bóng vía đeo cổ, bất kể nam hay nữ giới.

Theo người Mông, vòng vía có tác dụng ngăn cản ma tà xâm nhập cơ thể, đồng thời giữ cho hồn không rời bỏ cơ thể. Hiện nay người Mông vẫn sử dụng 2 loại vòng cổ này. Đây cũng là thứ đồ trang sức mà cả phụ nữ và nam giới Mông đều ưa thích. Có người chỉ có một chiếc, song cũng có nhiều người đeo từ 3 đến 5 chiếc. Vòng cổ có chu vi từ 45 đến 55 cm. Vòng không khép kín hoàn toàn mà để hở một khoảng nhỏ để dễ kéo căng lách qua cổ…

Chỉ là những đôi hoa tai tưởng chừng đơn giản, nhưng đối với đời sống phụ nữ Mông, món trang sức này thể hiện sự tinh tế, khéo léo, đời sống văn hóa giàu bản sắc và sự gắn kết với thế giới thiên nhiên xung quanh.

Tùng Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-trang-suc-nguoi-mong-507089.html