Độc đáo Trần Hùng

Giá kể không làm thơ, không làm quan chức, chỉ cần 'chân chỉ hạt bột' đá trên sân thương trường, thì hắn cũng giàu ngang lão Pản. Nhưng, bên cạnh việc công cán, hầu như hắn không quan tâm tới bất cứ cái gì, ngoài gia đình, nghệ thuật âm nhạc và thi ca. Thi ca chiếm một vị trí đặc biệt trong con người hắn.

Chả phải xem mặt mới bắt hình dong. Đây này, hắn sở hữu một cặp mắt vừa trong sáng, vừa nhanh nhạy sắc sảo, đen trắng phân minh. Đôi tai dày và to như tai Phật. Hai dái tai nổi cục như hai nắm cơm. Những người được cha mẹ cấu tạo ra như thế, họ sống nhân từ, cả đời không phải lo đói. Hắn lại có khuôn người cân đối vâm váp.

Vẻ mặt điển trai mắt mũi cân đối hài hòa, pha một chút ga lăng, một chút hài hước. Cho nên, con gái làng trên xóm dưới "chết" như ngả rạ vì hắn cũng phải thôi. Mỗi tội, hai hàm răng ám khói thuốc lào từ thuở lên tám, nó vô tình dìm cái bản mặt kẻng trai vốn có. Nhưng giờ hắn đã tẩy sạch, hai hàm răng trắng bong như ngô hạt. Điệu lắm cơ.

Hai chục năm trước đây, tôi từng được "ngủ chung giường" với nhà thơ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau này là Phó Chủ tịch tỉnh Cao Bằng - Trần Hùng. Nghĩa là chúng tôi có mười năm (chẵn hai khóa I và II) cùng chung sức làm văn nghệ tỉnh. Biết bao kỷ niệm vui buồn một thời. Được dịp nào đó, tôi sẽ khui ra khối chuyện vui về hắn, cười rơi cả rốn cho mà xem.

Nhớ cái hồi mới chuyển ngành về làm Chánh Văn phòng Thị ủy thị xã Cao Bằng, gia tài hắn có mỗi cái hòm đạn B40. Trong hòm có mấy cái áo, mấy chiếc quần bộ đội, mang mang cũ. Tuy rằng cũ nhưng đầy những kỷ niệm một đời lính. Đồ đoàn mang theo chân sếp, chủ yếu là sách. Hẳn một chiếc xe camnhông những sách là sách. Quyển dày cộp như cục đá ong. Quyển mỏng như lưỡi dao lam. Quyển bìa bằng da dê thuộc, màu nâu. Quyển hình vuông chằn chặn. Quyển hình tròn… Không biết hắn "chôm" ở đâu ra nhiều sách quý thế.

Từ sách dạy nấu ăn, sách xem tướng mặt, sách xem thiên văn địa lý, sách dạy làm giàu, sách Kinh Phật; Ki tô giáo. Sách bảo làm thế nào để mông treo mắt ướt... Đến các loại thuộc hàng kinh điển về văn chương nghệ thuật. Tôi đảm bảo với mọi người rằng, hầu như ở Cao Bằng, ít ai biết về tài sản đẳng cấp nhất nhì của hắn.

Nhờ sách mà trong nhà có đủ trai thanh gái lịch. Hai đứa con chăm ngoan và đẹp như tranh. Con trai trưởng đang học Đại học Luật. Cô con gái rượu đang học Nhạc viện. Đúng là con nhà nòi. Bên gia đình vợ Trần Hùng có đến ba đời, bốn người học tại Nhạc viện Hà Nội. Gồm có bà ngoại, vợ, em cậu và cô con gái út.

Được vào học trong một trường nghệ thật danh tiếng như thế, đâu phải dễ. Ngôi trường này đã sản sinh ra biết bao nghệ sỹ tài danh nổi bật trong nước và ngoài nước. Thí sinh lọt qua bốn năm mắt sàng tinh vi, chọn lọc cực kỳ kỹ càng. Những người thực sự có năng khiếu mới được gọi vào học.

Nhờ sách mà vợ chồng hắn sum vầy, đoàn tụ. Từ hồi trăng mười sáu hắn đã làm thơ trên cỏ. Trăng mười sáu nóng tưng bừng cho đến tận bây giờ. Không ngày nào hắn không chòng ghẹo, trêu đùa vợ và các con. Ngôi nhà ba tầng một tum bên bờ sông Hiến Giang lúc nào cùng đầy ặp tiếng sóng nhạc và tiếng người cười khơi khơi.

Nhà thơ Trần Hùng.

Nhà thơ Trần Hùng.

Bật mí một chút nhé, hồi chưa cưới, Thu Hồng (vợ Trần Hùng) tuyền gọi chú Hùng ơi chú Hùng à. Chú vào đây xem hộ cháu cái này… Thế rồi chú cháu nhà ấy tý toáy mân mê thế quái nào mà thành vợ chồng. Thế thì tài thật. Phục!

Tôi biết cuộc tình của họ thật đẹp và cũng thật lãng mạn. Nhưng cũng nhiều biến thiên trồi sụt như tỷ đôi uyên ương khác. Có lúc hai người giận nhau bỏ cơm bỏ gạo. Tưởng đứt đuôi con nòng nọc, nhưng đố mà đứt được. Tình yêu của họ âm thầm nhưng quyết liệt và dữ dội. Thỉnh thoảng mới lên cơn ho thôi, giống như hạt tiêu, muối ớt, hành tỏi, bột nêm xương ống dùng trong bữa ăn. Không có những cơn giận, hờn ghen, nghi ngờ, thậm chí bị bắt quả tang trong máy nhắn tin… thì tình yêu ấy nhạt toẹt. Nhạt hơn nước luộc đậu phụ.

Đồng đội cũ hắn kể, trong suốt mươi năm sống trong quân ngũ, đọc sách với Hùng mới đúng là chuyên nghiệp. Đọc tới đâu nhớ làu làu tới đó. Đọc một lần chưa thỏa, hắn đọc lại ba bốn lần cho thật nục. Khi đọc, không bao giờ hắn làm nhàu sách. Mỗi trang in được Hùng nâng niu, giữ gìn. Vì trên đó có người, mà người trong sách thường đau khổ, bất hạnh và mong manh.

Còn làm lãnh đạo chỉ huy cỡ Đại đội ư? Dĩn! Cỡ Tiểu đoàn hay Trung đoàn? Ruồi! Chả có gì khó cả. Mỗi chiến dịch có một mục tiêu cụ thể. Muốn hiểu trận đánh tới như thế nào, xin mời các đồng chí ra sa bàn.

Ngày hắn lên hàm sỹ quan chỉ huy, mới chóm chém lơ phơ ngoài mười tám hai mươi chứ mấy. Ồ. Hóa ra người ta tin dùng Trần Hùng sớm thế cũng phải. Chẳng có gì lạ.

Hồi Đại đội của hắn đóng quân trên đồi Nà Toòng, đơn vị cách thị xã Cao Bằng không xa, nhưng xung quanh toàn đồi cỏ giàng giàng, vắng lặng như trại hủi. Lính tráng biết thủ trưởng đang bần thần nhớ mẹ, giờ này mẹ đang thổi cơm chiều ở tận Yên Bái. Lính tráng bèn rủ nhau đắp mấy ụ đất, nặn thành hình trống, ở ngay sát mép hiên nhà để thủ trưởng giải khuây.

Cứ chiều đến, hắn ra ngồi bùm chát như đánh trống thật. Thường là đợi cho tới đêm thật đêm, nhìn lên trời cao, khi nào thấy có mưa sao vi vút, là hắn lại xách đàn ghi ta ra bãi cỏ ngồi chơi. Vừa chơi đàn, hắn vừa lim dim hát. Những bản tình ca thoát ra từ con người Trần Hùng, đẹp và trong như sương treo ngọn lá. Lính tráng ngồi cứ xanh la đà. Họ vểnh đôi tai lên nghe chi chít như nấm. Họ nháy nhau cùng yên lặng mà nghe thủ trưởng mình hát. Im lặng như đi rình gái tắm nhé, đừng có dại xì xầm khen hay. Nếu khen là hắn lập tức treo đàn lên vách, đi ngủ liền.

Đêm nào khô ráo, tiếng đàn của hắn lại càng ngọt thịt. Càng về khuya tiếng đàn bay đoi đỏi buồn buồn. Bọn con gái đàn bà bản Nà Toòng trộm khóc, nhòe cả mặt gối, chỉ vì nghe tiếng đàn nỉ non, thổn thức của Trần Hùng. Chẳng ai biết hắn học âm nhạc ở đâu, từ bao giờ. Mà sao ngón đàn ấy chứa chứa chan chan, làm đứt nhắp nhắng từng đoạn ruột non, ruột già. Trong hộp đàn hình như có tiếng trai tiếng gái. Chúng đang ứ hự híc híc yêu nhau. Đến lúc khác lại nghe có tiếng ông già ho hen cò cử từng tràng dài. Ông già kia than rằng, tôi chưa kịp hư thân mất nết, chửa làm gì cho sướng cái mùi đời, thế mà nay đã lên lão rồi. Chán không.

Hùng còn khoe, hồi mới lên Trùng Khánh, đóng quân ở cùng dân. Nhà có đôi vợ chồng trẻ, được ông bà cho ra ở riêng. Người vợ khi ấy đang có bầu tám, chín tháng. Giữa một đêm mưa rét, bỗng chị chủ nhà kêu đau bụng dữ dội. Tình hình này nước sôi lửa bỏng đến nơi rồi đây. Trần Hùng điều ngay một trung đội, toàn trai tráng khỏe mạnh, định khiêng cáng chị ấy lên bệnh viện huyện ngay trong đêm.

Nhưng chị ta la hét như xé vải. Càng lúc càng la hét dữ dội. Trần Hùng đứng ngay đấy, toát mồ hôi trán, mặn mồ hôi mặt, ướt mồ hôi chân tay. Hắn tập trung nghĩ ngợi xem có cách nào giải quyết vụ này. Trong khi đó anh chồng cuống cuồng chạy vào buồng vợ, lại chạy ra cầu thang, tay cầm chặt cái gáo bằng ống tre (cái gáo dùng để múc nước). Anh ta chẳng biết để làm gì nữa. Chắc anh ấy điên mất rồi.

Căng thẳng đến mức như đang đứng trên một cây cầu mục nát, sắp gẫy đến nơi. Hắn bèn lập tức ra lệnh cho lính tráng mang hết bông băng thuốc tím ra đây. Rồi Hùng nhẹ nhàng bế chị chủ nhà nằm ngửa. Có lẽ, đây là lần đầu tiên hắn chứng kiến cảnh này một cách đàng hoàng hợp pháp. Làm thế nào để lôi đứa bé ra khỏi…

Gay thật. Đôi tay này sinh ra là để cầm súng đánh giặc, chơi đàn, làm thơ chứ đâu phải đỡ đẻ. Khỉ quá. Nhưng lúc này… Làm thế nào bây giờ. Phải liều thôi. Trước hết là cứu bằng được người mẹ. Sau đó là đứa con.

Trần Hùng lấy hết sức bình sinh của chàng trai mười tám nhẹ nhàng, cẩn thận, khẽ lôi đứa bé ra khỏi cửa mình. Lòng bảo dạ, chị lấy hơi rặn mạnh lên nào. Tốt rồi. Nữa. Tốt nữa đi. Nào. Kẻo tuột tay đánh rơi mất đứa bé. Nước ối vỡ ra ào ạt, bôi trơn khắp người đứa bé. Bông gạc đâu. Mau lên.

Bỗng đứa bé bật lên tiếng khóc oe oe mới tinh. Tiếng khóc làm sáng rực ấm nóng cả ngôi nhà. Tiếng khóc oe oe đầu đời mới thiêng liêng làm sao. Ôi! Tiếng khóc của thiên thần đón chào ánh sáng. Tiếng khóc của một sinh linh bé nhỏ bắt đầu làm người. Bụng bảo dạ còn gì sung sướng hơn Hùng ơi. Ba gian nhà ngói chứa đầy ngô thóc, cùng bát đũa, cùng củi nòm, cùng bếp núc thở phào nhẹ nhõm.

Đến lúc ấy, đám lính tráng cùng với Đại đội trưởng Trần Hùng chỉ biết đứng dựa cột nhà mà nhìn và… thở.

Trần Hùng là vậy, là đến cỡ Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau này là Phó Chủ tịch tỉnh Cao Bằng, song căn cốt hắn vẫn là nhà thơ và dễ thương vô cùng!

Y Phương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/doc-dao-tran-hung-569006/