Độc đáo tờ báo dành cho những người không thích rời nhà ở Nhật Bản

Trên một cầu thang hẹp trong quán cà phê ở phía Tây Bắc thủ đô Tokyo, 10 người đang ngồi quây quần bàn thảo về các bài báo vừa hoàn thành. Đây là lần đầu tiên trong vòng vài tháng qua, 10 người này bước ra khỏi nhà.

Lý do kéo họ khỏi "cái tổ" của mình là bởi họ phải tham dự một cuộc họp của nhóm biên tập Hikikomori Shimbun - một tờ báo được viết bởi những người chỉ thích cuộc sống quanh quẩn trong nhà và không giao thiệp với mọi người xung quanh. Cụm từ "hikikomori" được định nghĩa là những người không rời khỏi nhà của mình hoặc không tương tác, giao tiếp với bất cứ ai trong ít nhất sáu tháng.

Naohiro Kimura, biên tập viên chính của tờ báo, là một người đàn ông 33 tuổi, cao lớn và rất hiếm khi rời khỏi nhà riêng trong vòng 10 năm qua. "Đó là một giai đoạn rất đau đớn. Không chỉ là vì tôi buồn mà thực sự là cô đơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, ốm yếu hơn nhiều", Naohiro Kimura nói.

Nhật Bản hiện đang có hơn 1 triệu người mắc chứng bệnh xa lánh cộng đồng. ảnh: IMD

Cũng theo lời kể của Naohiro Kimura thì nỗi cô đơn và sợ hãi giao tiếp đến với anh khi đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào trường luật. Vài tháng sau đó trôi qua và ngay cả khi các đồng nghiệp của anh có việc làm, anh vẫn không thể tự mình làm bài kiểm tra. Xấu hổ, anh quyết định chỉ sống trong nhà, khi cần thiết mua thức ăn mới ra ngoài và không muốn nhận sự giúp đỡ của ai.

Chỉ đến khi mẹ của Naohiro Kimura tìm sự tư vấn cho sự căng thẳng của anh, anh mới miễn cưỡng đồng ý gặp nhà tâm lý Tamaki Saito - người đã đưa ra định nghĩa ra thuật ngữ hikikomori vào những năm 1980. Naohiro Kimura nói rằng anh rất tức giận khi ông Tamaki Saito nói rằng anh ta phù hợp với tiêu chí của hikikomori.

Trên thực tế, sự kỳ thị, lảng tránh xã hội ở Nhật Bản không phải là chuyện hiếm. Đến nỗi Công nương Nhật Bản cũng có thời gian chỉ sống trong Cung điện và không đi đâu hay giao tiếp với ai. Trong bài báo ở trang nhất của tờ báo đầu tiên dành cho những người mắc hội chứng hikikomori, nhóm biên tập của Naohiro Kimura đã chỉ ra rằng, chính phủ phải có trách nhiệm chính trong việc giải quyết vấn nạn này.

Kikuyo Aoki, một giảng viên tại Đại học Ochanomizu, người điều hành một phòng khám do chính phủ Tokyo tài trợ cho những người mắc hội chứng hikikomori nói rằng, trong khi một số hikikomori có vấn đề sức khỏe tâm thần, thì có thể thấy rõ người mắc chứng này phần lớn do hoàn cảnh xô đẩy trong xã hội. Kikuyo Aoki khuyến cáo, cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là tìm đến sự tư vấn và dịch vụ, tìm vị trí công việc giúp họ tái hòa nhập vào xã hội.

Tuy nhiên, có một số trường hợp mắc chứng hikikomori một cách tuyệt vọng. Và nếu muốn giải quyết phải gọi các tổ chức xã hội hỗ trợ và bắt buộc những người này ra khỏi nhà. Truyền hình Nhật Bản từng chiếu cảnh những người đàn ông đập vào cửa, cố bám vào thành tường để giữ mình ở lại trong nhà trong khi người khác đang kéo ra ngoài. Naohiro Kimura nói rằng, một trong những chương trình như thế đã truyền cảm hứng cho anh để bắt đầu một tờ báo riêng dành cho những người mắc hội chứng hikikomori.

Anh muốn họ có một cơ hội, một sân chơi để giải thích về bản thân, đặc biệt là cho gia đình và người thân của họ hiểu hơn. Và có vẻ ý tưởng đó đã giúp ích được nhiều người. Nhiều bậc cha mẹ nói rằng tờ báo đã giúp họ hiểu được trải nghiệm của con cái họ. Cuộc họp biên tập cũng là một hình thức để thực hiện phiên điều trị nhóm, nơi mọi người có thể tự do thảo luận về những lo lắng đã giữ trong nhà.

"Nhiều người trong số này đã từng là nhà văn, nhà báo và khi giải tỏa được những lo lắng, họ đã trở lại làm việc. Tôi cũng giống như họ. Các cuộc tư vấn đã giúp hàn gắn mối quan hệ của tôi với mẹ và việc viết báo giúp tôi phát triển kỹ năng giao tiếp giữa, vượt qua sự trầm cảm", Naohiro Kimura tâm sự.

Theo kết quả khảo sát gần đây tại Nhật Bản, 70% người trẻ nước này, chủ yếu là những người ở độ tuổi 20, ngày càng e ngại trong việc tương tác trực tiếp với người khác. Cụ thể, họ cảm thấy căng thẳng khi nhận được cái nhìn từ người khác.

Khi được hỏi về phương tiện giao lưu và gắn kết bạn bè, hơn 30% thanh niên đề cập đến các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội. Một nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản năm 2016 còn chỉ ra rằng khoảng 30% phụ nữ và 15% người trẻ độc thân từng yêu một nhân vật hoạt hình hoặc nhân vật trong trò chơi điện tử.

Cũng từ đây, thống kê cho thấy, hiện số người mắc hội chứng hikikomori ở Nhật Bản đã lên đến hơn 1 triệu người. Với nhiều người mắc chứng hikikomori, đa phần họ gặp phải những chấn thương về tâm lý, những chán nản trong công việc hay học tập. Một số hikikomori khác dành toàn bộ thời gian trong nhà nhiều năm liền, không cần học, đi làm, giao du với bạn bè, thậm chí là không cần lấy vợ hay kết hôn.

Phương Linh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/nhat-ban-doc-dao-to-bao-danh-cho-nhung-nguoi-khong-thich-roi-nha-516723/