Độc đáo Tết nhảy của người Dao

'Tết nhảy' của người Dao là nghi lễ cúng truyền thống của người Dao với điệu nhảy độc đáo vào dịp Tết mà chỉ dân tộc này mới có.

Tết nhảy là nghi lễ cúng Bàn Vương thủy tổ dân tộc Dao ở nhiều vùng trong cả nước như Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang. Khi tiếng trống, tiếng kèn, chuông đồng vang lên rộn rã là lúc bước chân của những người đàn ông Dao nhún nhảy say sưa theo điệu nhạc. Trước tiên là các điệu múa đưa đường, bắc cầu để đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết.

Nét đặc sắc của Tết nhảy chính là phần hội, với nhiều loại hình diễn xướng dân gian như: trình diễn các điệu múa Chuông, múa Baba, múa Kiếm và đọc các bài thơ về các vị thần. Lễ và hội cùng đan xen nhau, người ta vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Múa Baba là một trong những điệu dân vũ được thể hiện trong Tết nhảy. Điệu múa thể hiện lòng can đảm, sự rèn luyện gian nan mới có được thành công. Sau đó là múa Kiếm. Đây là điệu múa có ý nghĩa mở đường, dọn đường, quét đường, cưỡi phượng, cưỡi ngựa, đóng chuôi dao, mài dao, múa cờ…

Tết Nhảy của người Dao là một nghệ thuật độc đáo tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian: nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật ngôn từ, cho đến nghệ thuật tạo hình để tạo ra nét riêng có của bản sắc văn hóa Việt. Đồng thời, đây là một trong những phong tục truyền thống độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tôn kính tổ tiên, gắn kết cộng đồng để cùng nhau xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/doc-dao-tet-nhay-cua-nguoi-dao