Độc đáo Tết Ngã rạ của dân tộc Cor ở Quảng Ngãi

Tết Ngã rạ của đồng bào Cor, huyện Trà Bông (Quảng Nam) là dịp cháu con quây quần bên nhau, truyền cho nhau ngọn lửa để cùng gìn giữ những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình...

Cứ vào khoảng cuối tháng 10 Âm lịch hàng năm, sau khi các gia đình đã thu hoạch xong lúa, nếp trên rẫy đem cất lên rẫy cử, già làng lại tổ chức họp dân làng và định ngày tổ chức Tết Ngã rạ để tạ ơn ông bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho làm ăn khấm khá, cuộc sống an lành. Đây còn là dịp cháu con trong nhà, các gia đình trong làng sum họp, vui vầy bên nhau, truyền cho nhau những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Tết ngã rạ diễn ra trong hai ngày, với hai phần chính là phần lễ và phần hội.

Vào ngày thứ nhất, dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần - Đây là nghi lễ đầu tiên của Tết ngã rạ. Già làng là người đi lấy lúa thiêng đầu tiên, sau đó báo hiệu cho các gia đình khác trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng...

Buổi chiều, các chị, các mẹ quây quần bên nhau làm bánh lá đót (gói bằng lá đót), bánh lá tốp (gói bằng lá tốp) và bánh ống (giống như cơm lam, gạo nếp bỏ vào ống nứa, để lên bếp nướng). Vừa làm, họ cùng nhau hát những điệu dân ca quen thuộc của dân tộc mình. Cánh đàn ông trong làng thì đan vỉ, để bày lễ vật cúng... Đêm đó, cả làng không ai đi ngủ. Các chị, các mẹ lo chuẩn bị đồ trang sức, áo quần cho cả gia đình, để ngày mai tinh tươm đón Tết.

Ngày thứ hai, từ sáng tinh mơ, không ai bảo ai, những người đàn ông trong làng đều thức dậy để chuẩn bị lễ cúng các thần linh. Theo quan niệm của người Cor, trong cuộc sống con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro, nên cuối mùa rẫy phải khấn trời, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh, ban cho nhiều điều may mắn.

Lễ cúng đầu tiên là cúng Nữ thần diễn ra vào 4 giờ sáng. Lễ vật gồm chim, thú rừng mà trong năm người dân săn bắt được treo gác bếp cho khô, chờ đến Tết ngã rạ. Lễ vật được bày trên lá chuối rừng, chén rượu cúng cũng được làm từ lá chuối, không có bất cứ thứ gì đựng đồ cúng làm bằng vật dụng gia đình hàng ngày, ngoại trừ chai đựng rượu.

Cúng Tết ngã rạ. Ảnh: Internet.

Lễ cúng Nam thần diễn ra sau đó, với vật cúng là heo, gà còn sống. Cúng xong, vật cúng được đem đi giết thịt, luộc chín để làm lễ cúng tổng thể: Cúng các thần và ông bà tổ tiên... Sau khi cúng xong, chủ gia đình lấy lễ vật đã cúng cho người nhà ăn phép, mời bà con dân làng đến cùng nhau ăn uống, chúc nhau năm mới nhiều may mắn. Tối đó, chủ các gia đình sẽ tập trung về nhà già làng để làm lễ cúng ma ga-ru. Ma ga-ru là loại ma tốt, không phải giống những loại ma phá hoại con người, nên lễ thức này người ta gọi là “cúng đổi ma”. Mỗi chủ gia đình sẽ đem theo các loại bánh của gia đình mình đến góp vào lễ cúng. Các chủ gia đình cũng mang chân gà đã cúng trong các lễ trước đó ở gia đình mình đến để già làng xem giúp điềm báo tốt xấu thế nào trong năm sau. Sau khi mọi người tề tựu đông đủ, già làng sẽ cúng xin phép thần linh cho làm vụ mùa sau. Sau lễ cúng, mọi người kéo nhau về nhà già làng để uống rượu phép.

Thi đấu Chiêng trong ngày Tết ngã rạ. Ảnh: Internet.

Kết thúc phần lễ, già trẻ, trai gái trong làng xúng xính áo quần tham dự phần hội của Tết ngã rạ, với các trò chơi dân gian: đẩy gậy, bắn nỏ, đấu chiêng... Không chỉ là thi thố tài năng, vừa đấu họ vừa truyền cho nhau ánh mắt, nụ cười thân thiện. Các chị, các mẹ được dịp vỗ tay cổ vũ không ngớt. Còn các già làng - những người có mặt sớm nhất xem các trận thi đấu, theo dõi rất tỉ mỉ từng thao tác, để đóng góp cho con cháu mình, mong Tết ngã rạ năm sau chúng thi đấu hay hơn. Phần đấu chiêng thi cuối cùng. Những chàng trai trẻ của làng sẽ được chọn thi đấu. Tiếng chiêng rộn rã xen lẫn tiếng hò vang tạo thành không khí tưng bừng, nhộn nhịp rung động cả núi rừng.

Theo Dân tộc Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doc-dao-tet-nga-ra-cua-dan-toc-cor-o-quang-ngai-d123613.html