Độc đáo sắc màu tranh Tết

Cuối Đông đầu Xuân, khi hơi lạnh se se lẩn khuất trong làn mưa bụi, họa sĩ Lê Trí Dũng (tuổi Kỷ Sửu) lại trưng ra những bức tranh Tết rực rỡ sắc màu. Một cành đào đỏ rực cắm trong bình nâu cổ, nhánh hoa gạo sang trọng và kiêu hãnh trong bức sơn mài, và mỗi năm là một con giáp ứng theo. Với ông, khi Tết về, vẽ con giáp của năm đã trở thành sứ mệnh bắt buộc.

Họa sĩ Lê Trí Dũng.

Họa sĩ Lê Trí Dũng.

Trong quá trình “vật lộn” với 12 con giáp, ngựa là con vật mà họa sĩ Lê Trí Dũng yêu thích nhất. Cho tới nay, tính sơ qua, họa sĩ Lê Trí Dũng cũng đã vẽ cả chục ngàn con ngựa, song mười một con vật khác vẫn được họa sĩ thương quý trân trọng, trong đó, gà, dê và trâu thì có hơn một chút. Với họa sĩ, điều khó khăn nhất vẫn là phải tìm ra được chân dung mỗi con vật để tạo ra vẻ đẹp thần thái độc đáo, mang phong cách riêng. Lâu dần, mỗi khi sắp đến Tết, họa sĩ Lê Trí Dũng đã hình thành thói quen vẽ con giáp của năm.

“Tôi được sinh ra trong cõi đời này, vừa may vừa không may” ... Họa sĩ Lê Trí Dũng bắt đầu câu chuyện.

“Được hoài thai ở Hà Nội, nơi văn hiến ngàn năm thì đến tháng thứ 9 trong bụng mẹ, cha của tôi - một nghệ sĩ trong quân đội đã đưa cả nhà cấp tốc tản cư vào vùng tự do Thanh Hóa. Trên đường di chuyển, vì lo lắng, vất vả nên mẹ tôi đã đẻ rơi tôi tại chợ Lương bên bờ một con sông nhỏ rất xanh tên là Châu Giang, năm đó, cũng vào năm Sửu, Kỷ Sửu 1949, một năm vô cùng rét. Tôi lọt lòng mẹ giữa đường, tím ngắt. Bà ngoại tôi đã đưa vào nhà cụ Chắt ven đường, xin rơm để sưởi, hơ nóng tôi... và tôi đã sống lại. Có lẽ, hơi nóng của bếp lửa của người nông dân, mùi rơm khô, mùi phân ngựa đã hun đúc cho tôi mà tôi rất yêu nông thôn. Năm năm sau đó, tôi lớn lên bên dòng sông Chu ở Thiệu Hóa, nghe gió thổi bên bờ tre, xem nắng vàng rực của những đống rơm ngày mùa và hít mùi mồ hôi của các nông dân đi làm đồng về bế tôi. Tôi lớn lên trong lòng ông bà ngoại và ít gần bố mẹ, bố thì đi kháng chiến, mẹ ra vào vùng địch để tiếp tế... Tôi chỉ thực sự là người Hà Nội sau 5 tuổi... Thực sự biết thế nào là hội họa”.

Hai tác phẩm về trâu mới nhất của Lê Trí Dũng.

Với Lê Trí Dũng, việc đến với hội họa hoàn toàn do người cha quyết định. “Cứ học xong tiểu học thì vào hệ sơ trung bảy năm Trường Mỹ thuật Việt Nam...: Phải theo nghề vẽ! Thế thôi. Cha tôi là một người nghiêm khắc và cẩn trọng... Ông cực kỳ ít nói. Khi rảnh, ông lấy xe đạp đèo tôi đi Bảo tàng Mỹ thuật cho ngấm không khí nghệ thuật, lớn lên một tý, ông giao bài cho tôi vẽ hàng ngày, một kỷ luật sắt... Tất cả những nếp làm việc của tôi đến tận bây giờ đều do kỷ luật sắt của ông rèn cho, ông không thích nói nhiều, lao động, lao động và lao động! Những năm khó khăn chúng tôi còng lưng vẽ bưu thiếp, mỗi cái hai xu. Cả nhà xúm lại làm. Ý thức cha mẹ tạo cho các con yêu lao động, không sa vào các trò tiêu khiển phí phạm thời gian, từ nhỏ đã tạo ra thói quen kham khổ, vẽ tới tận bây giờ”.

Với họa sĩ Lê Trí Dũng, ông có một may mắn nữa mà bây giờ ông vẫn thầm cám ơn trời đất. Đó là sau 1954, khi quay về lại Hà Nội, mẹ ông mở một đại lý bán sách báo ngay tại nhà ở 20 Tô Hiến Thành. Mỗi khi học bài xong, ông thường phải ngồi trông hàng, giúp mẹ nấu cơm: “Khi đó, tôi đọc sách thả phanh. Mới 7 tuổi, mắt nhìn hàng trăm đầu sách, bìa sách. Tiếp cận tranh truyện, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh của các danh họa. Tối tối học bài xong, việc còn lại của tôi là vẽ lại toàn bộ truyện “Tam quốc chí” và “Thủy hử”. Tôi thuộc lòng các nhân vật Quan Công, Trương Phi, Lã Bố và những con ngựa chiến nổi tiếng. Tôi vẽ tranh ngựa, đổi lấy me chua sấu dầm và kẹo cho lũ bạn…”.

Cha của họa sĩ Lê Trí Dũng là họa sĩ sơn mài nổi tiếng, danh họa Lê Quốc Lộc. Năm 2000, ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

20 tuổi, Lê Quốc Lộc thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 23 tuổi, ông đã làm tranh “Hội Chùa” và có xưởng vẽ riêng ở 42 Lò Đúc.

“Cha tôi tham gia lực lượng cứu quốc từ trước 1945. Tính ông ít nói, rất kiên trì. Ông mệnh Thổ, bền bỉ như đất như núi, làm sơn mài rất hợp. Ngay từ lúc 6 tuổi tôi đã biết làm sơn mài Việt Nam. Thời gian đầu tiên, ông bắt tôi tập mài phá, mài thô. Lớn lên vài tuổi, bố tôi bắt mài tinh, tỉa tre, rây bạc, dán bạc... Có thể nói trước khi vào Sơ cấp Mỹ thuật, tôi đã thông thạo nghề vẽ sơn ta. Nhưng tôi mệnh Hỏa, nóng nảy và bột phát! Rất thích những màu tương phản mạnh và đập nhanh vào não bộ người xem, tôi ghét sự lả lướt yếu mềm”, họa sĩ Lê Trí Dũng nói.

Cho tới nay, riêng về sơn mài khổ lớn, Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia lưu giữ 4 bức của Họa sĩ Lê Trí Dũng như: “Vượt trọng điểm” “Sớm mùa đông”... Nhưng ông vẫn thích vẽ trên giấy Dó. “Một cảm giác hưng phấn khi nhìn những tờ giấy nặng hồn dân tộc màu nâu sẫm, mép giấy còn loang lổ xơ tướp. Phóng một nhát bút lông mực Tàu loang cháy lòng! Trăm nhát loang không giống nhau, trăm con ngựa cùng một dáng mà không giống nhau...

Và tôi quyết định sau những thành công của sơn mài, phải đi một con đường khác, con đường của mệnh Hỏa. Tôi đã làm tròn sứ mệnh cha giao, và nếu xuống suối vàng sau này, cha sẽ vui mừng vỗ vai tôi và khen! Chắc chắn thế!”.

“Mỗi khi Tết đến Xuân về, lòng người lại xôn xao náo nức như chuẩn bị một hành trình về một nơi xanh thẳm từ cõi lòng” - họa sĩ Lê Trí Dũng tâm sự. Ông nói rằng, dù phía trước vẫn lắm gian nan nhưng luôn nhớ lời cha dặn, tất cả là chấp nhận và cố gắng vượt qua…

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-sac-mau-tranh-tet-552703.html