Độc đáo rừng cây pơmu di sản với muôn kiểu hình thù kỳ lạ

Trong khi rừng tự nhiên đang bị tàn phá tan hoang khắp chốn, thì tại tỉnh Quảng Nam, rừng cây pơmu cổ thụ, có những cây hơn ngàn năm tuổi với muôn kiểu hình thù kỳ lạ vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.

Khám phá rừng cây pơmu cổ thụ độc đáo nhất Việt Nam. (Video: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong khi rừng tự nhiên đang bị tàn phá tan hoang khắp chốn, khiến hàng ngàn hécta rừng bị “bốc hơi” khó hiểu, thì tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, quần thể rừng cây pơmu cổ thụ với muôn kiểu hình thù con vật kỳ lạ vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn như người ruột thịt thân yêu.

Quần thể cây pơmu ở Tây Giang thuộc hai xã Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng, với tổng diện tích khoảng 450ha nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển. Trong đó, nhiều cây pơmu cổ thụ có tuổi thọ đo được là hơn 1.800 năm.

Năm 2016, qua khảo sát, tổng số cây pơmu đo, đếm được là 1.396 cây, trong đó 725 cây có đường kính 1,5m trở lên đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản. Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, pơmu là một chi trong họ cây hoàng đàn.

Tại Việt Nam, pơmu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Vì thế, gỗ pơmu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Đây còn là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào “sách đỏ.”

Việc công nhận di sản đối với quần thể 725 cây pơmu sẽ là biện pháp cấp thiết để làm cơ sở bảo tồn loài cây quý này. Rừng pơmu Tây Giang cũng được đánh giá là một trong những quần thể pơmu có tuổi đời lớn nhất và số lượng tập trung dày đặc nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ góp phần bảo vệ loài cây “sách đỏ,” thành quả của việc gìn giữ rừng cây pơmu cổ thụ được xem là “báu vật” của Tây Giang còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, giúp đồng bào người Cơ Tu nơi đây “sống” được nhờ rừng, mà không phải vào rừng khai lâm sản trái phép, hay làm trái quy ước giữ rừng của mình./.

Quần thể cây pơmu ở Tây Giang nằm trên núi Zi’liêng, với tổng diện tích khoảng 450 ha nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Một gốc cây pơmu có hình thù kỳ lạ giống hình con hổ đang ngồi. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Người dân Cơ Tu bảo vệ quần thể rừng cây pơ mu như người thân ruột thịt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhiều cây pơmu cổ thụ có tuổi thọ đo được là hơn 1.800 năm.(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Một cây pơmu gốc có hình dáng kỳ lạ như hàm con ếch. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Năm 2016, qua khảo sát, tổng số cây pơmu đo, đếm được là 1.396 cây, trong đó 725 cây có đường kính 1,5m trở lên đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/video-doc-dao-rung-cay-pomu-co-thu-voi-muon-kieu-hinh-thu-ky-la/519189.vnp