Độc đáo phong tục miền đất Tổ

Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương - miền đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống với trên 100 lễ hội tiêu biểu, gắn liền với yếu tố tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không gian lễ hội trải dài hầu khắp các vùng miền và tập trung vào mùa Xuân với ý nghĩa cầu mong một năm mới vui vẻ, hạnh phúc.

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2019 tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: CTV

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2019 tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: CTV

Mở đầu cho các lễ hội mùa Xuân trên quê hương đất Tổ là Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ. Năm nay, phần hội của lễ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng, với các hoạt động thể thao, liên hoan văn nghệ quần chúng, tạo không khí phấn khởi vui Tết Nguyên đán, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển.

Lễ dâng hương ngày Tiên thăng (ngày giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ) được bắt đầu từ 7 giờ sáng, ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Tuất, tại đền Mẫu Âu Cơ; Lễ tế tại đình Đức Ông, tổ chức ngày mùng 5; Lễ rước kiệu và Lễ tế nữ quan gồm 2 phần: Phần rước kiệu từ 8 giờ, ngày mùng 7 tháng Giêng, từ đình Đức Ông vào đền Mẫu Âu Cơ. 86 nam thanh niên và 28 thiếu nữ có sức khỏe, có phẩm chất, đạo đức tốt được tuyển chọn tham gia. Phần tế nữ quan, tại sân hành lễ khu di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ, thực hiện theo nghi thức truyền thống, với 21 nữ thanh tân tham gia.

“Trò Trám vào đám mười hai/ Chẳng xem Trò Trám cũng hoài mất xuân” - Nghe câu ca ấy cũng đủ thôi thúc du khách về với xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, để xem Lễ hội Trò Trám - lễ hội độc đáo có một không hai của người dân địa phương, nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, được người dân ở đây trân trọng, gìn giữ.

Lễ hội gồm ba phần, mở đầu là hội trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài”, với các trò diễn như: Đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua xuân - bán xuân và dạy học. Tâm điểm của lễ hội và cũng là linh hồn của Trò Trám là “lễ mật”, diễn ra lúc sang canh, đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng - thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu, cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở. Sáng 12 tháng Giêng, diễn ra lễ “Rước lúa thần”, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Nhưng lễ hội được người dân miền đất Tổ chờ đón nhiều nhất là lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa, mới được phục dựng vài năm trở lại đây, ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, diễn ra trong 2 ngày 14-15 tháng Giêng. Phần lễ của lễ hội gồm các nghi lễ cáo yết, cúng Thần Nông, tiến hành vào ngày 18-2 (tức 14 tháng Giêng). Ngày 15 tháng Giêng là chính hội bao, gồm nghi thức rước kiệu, tế lễ, lễ nhập vía Vua Hùng và thực hành diễn xướng cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Sáng ngày 15 tháng Giêng, tại khu vực đền Thượng, phường Minh Nông, đông đảo người dân trong phường tập trung để chuẩn bị cho nghi thức rước kiệu đến đàn Tịch Điền. Cùng với các hoạt động lễ, nhiều hoạt động của phần hội với các trò chơi dân gian sôi nổi cũng thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.

Theo các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, người dân Việt Trì nói chung và người dân làng Minh Nông nói riêng, qua các đời vẫn lưu truyền câu chuyện Vua Hùng dạy dân cấy lúa, tại đồng Lú, thuộc làng Minh Nông (nay là phường Minh Nông). Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng, tôn Vua làm Tổ nghề nông, dựng Đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam, ngay trên mỏm đất vua ngồi khi dạy dân cấy lúa và tổ chức thực hành tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội gắn với tích Vua Hùng dạy dân cấy lúa hằng năm, gọi là lễ hội Kẻ Lú.

Kẻ Lú xưa thường được tổ chức 2 kỳ trong năm vào ngày đầu vụ cấy, tức mùng 1-6 và 1-11 âm lịch, trở thành lễ hội có tiếng khắp vùng Hạc Trì. Theo nhân dân địa phương, tới những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội không được duy trì đều đặn nữa. Sau nhiều năm gián đoạn, chính quyền xã Minh Nông và dân làng đã tiến hành phục dựng vào các năm 1993 và 2000. Từ đó đến trước năm 2018, do những điều kiện chủ quan và khách quan, lễ hội chưa được tổ chức thường niên như mong muốn.

Trực tiếp tham gia vào phần thi cấy lúa tại lễ hội năm nay, bà Lê Thị Mai, ở khu Minh 1, phường Minh Nông phấn khởi chia sẻ: “Tôi và bà con ở đây rất phấn khởi, tự hào bởi trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên vẫn còn lưu giữ được lễ hội độc đáo như vậy. Thông qua lễ hội, chúng tôi có cơ hội bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội; có thêm động lực để ra sức thi đua lao động sản xuất, góp sức cho mùa màng bội thu, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để lễ hội tiếp tục được bảo tồn, có sức sống lâu bền trong đời sống cộng đồng”.

Thực hành diễn xướng cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh: Khánh Trang

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, coi đây là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với thời đại các Vua Hùng như: Đình Lâu Thượng, đình Hương Trầm, Hát Xoan An Thái, lễ hội bơi chải Bạch Hạc, nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa, là những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt...

Cùng với yếu tố giải trí, người dân đất Tổ thường khéo léo đưa vào lễ hội những dấu ấn tâm linh, hướng con người tới đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa đất cội nguồn. Sở đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương tổ chức các lễ hội dân gian đảm bảo trang nghiêm, trọng thể phần lễ; vui tươi, lành mạnh, phong phú trong phần hội, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau dịp lễ hội để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, vui vẻ và văn minh. Đặc biệt, với hội Phết Hiền Quan năm nay sẽ có nhiều sự thay đổi ở cách thức cướp phết và vấn đề an ninh nhằm đảm bảo tính công bằng cho các đội chơi...”.

Đất Tổ Hùng Vương - miền đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Hát Xoan; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại..., thực sự trở thành sợi dây kết nối linh thiêng giữa thế hệ hôm nay, mai sau với cội nguồn dân tộc.

Khánh Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doc-dao-phong-tuc-mien-dat-to/