Độc đáo những cây di sản Việt Nam ở An Giang

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những cây cổ thụ được công nhận cây di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh không chỉ là tài sản diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng, mà còn nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ.

Đến xã Núi Tô (Tri Tôn), hầu như ai cũng biết “Cây me lớn”, hơn 600 năm tuổi. Cây me có bề hoành 6 vòng tay người lớn ôm không giáp, cao trên 20m, tán rất rộng có thể che mát cho hàng trăm người. Cây có nhiều nhánh rất to, mỗi nhánh được thiên tạo như những hình rồng uốn lượn rất độc đáo. “Cây me lớn” được xem là báu vật của người dân nơi đây. Chị Neáng Sóc Phol (đời thứ 6 trong dòng họ có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ “Cây me lớn”) chia sẻ: “Cây me đã có từ rất lâu. Người lớn kể rằng khi còn con nít, họ đã thấy cây me cao to như vậy rồi. Năm nào, cây me cũng ra trái đều đặn. Người dân trong xóm chỉ cần đi quanh gốc là có gia vị để nấu canh chua, kho cá... Mấy đứa nhỏ trong xóm bữa nào đi học về cũng tưới nước, nhổ cỏ quanh gốc… việc chăm sóc cây cứ truyền từ đời này qua đời khác”.

Cây me chua trên 600 tuổi ở xã Núi Tô (Tri Tôn)

Giống như “Cây me lớn”, nhưng được xem là cây di sản Việt Nam lâu năm nhất trên địa bàn tỉnh, cây dầu ở ấp Tô An, xã Cô Tô (Tri Tôn) đứng sừng sững, tỏa bóng mát hơn 700 năm qua. Cây dầu không có nhiều nhánh, thân cây to với chu vi trên 8m, cao hơn 30m vươn thẳng lên bầu trời. Từ xa đã thấy bóng của cây dầu che mát cả một khoảng sân rộng. Trải qua hàng trăm năm, vỏ cây dầu khô cứng như đá bao bọc thân cây. Ông Chau Pone (63 tuổi) cho biết: “Trước đây, một số người định đốn cây lấy gỗ, nhưng bao nhiêu cây cưa cũng bị gãy. Cho rằng cây có thần linh nên không ai dám cưa nữa. Bà con nơi đây rất tin tưởng vào sự linh thiêng của cây. Ai đi đâu xa cũng tới khấn vái, xin cây ban cho điều may mắn. Họ thường xuyên đến cầu bình an, mùa màng bội thu…” - ông Chau Pone chia sẻ.

Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xã An Tức (Tri Tôn) 2 cây vải thiều hơn 300 năm tuổi nhưng vẫn cho trái ngọt thanh đến lạ kỳ. Mỗi cây vải có thân to đến 3 người ôm mới giáp, cao trên 15m, tán rộng, cành lá sum xuê che mát cả một khoảng sân chùa Svây Ta Hôn. Theo lời kể của các sư trong chùa và người dân sống khu vực quanh chùa, 2 cây vải này rất đặc biệt, năm nào cả 2 cây vải ra trái thì năm đó thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Tin tưởng vào sự linh thiêng như một vị thần thời tiết của phum, sóc nên tất cả mọi người đều trân quý, chăm sóc và bảo vệ 2 cây vải. Vào các dịp lễ hay Tết, mọi người thường đến dưới tán cây vui chơi, sinh hoạt văn hóa, cầu thời tiết ôn hòa, mùa màng thuận lợi.

Cây dầu trên 300 tuổi ở xã An Cư (Tịnh Biên)

Xuôi về đồng bằng còn có cụm 3 cây bằng lăng nước cổ thụ hơn 300 tuổi ở thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân) vừa được công nhận cây di sản Việt Nam thuộc loại rất hiếm. Không ai biết cụm 3 cây bằng lăng nước này được trồng hay mọc tự nhiên từ khi nào mà nằm rất thẳng hàng và cách đều nhau. Trong đó có một cây trên 215 tuổi, 2 cây còn lại trên 300 tuổi. Chiều cao mỗi cây khoảng hơn 8m, chu vi thân cây rộng hơn 6m và có 3 màu hoa khác nhau. Gốc cây to, hình thành những bọng rỗng bên trong, người lớn có thể chui vào dễ dàng. Theo các cụ cao niên, khu vực 3 cây bằng lăng nước sinh trưởng từng là nơi cán bộ cách mạng ẩn náu và cất giấu tài liệu trong thời kỳ chiến tranh. Vì vậy, cụm 3 cây bằng lăng nước cổ thụ này không những quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, mà còn mang giá trị lịch sử quý báu đối với người dân địa phương.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/doc-dao-nhung-cay-di-san-viet-nam-o-an-giang-a238765.html