Độc đáo những bức tường cổ xây bằng mảnh chum, tiểu sành ở làng Thổ Hà

Trải qua hàng trăm năm, làng Thổ Hà (Bắc Giang) nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng vẫn còn lưu giữ những bức tường cổ độc đáo được gắn kết bằng mảnh chum vỡ, tiểu sành.

Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc với vẻ đẹp cổ kính, độc đáo mang dấu ấn đặc trưng của làng quê thuần Việt.

Làng Thổ Hà với 3 mặt giáp sông, người dân không có ruộng, bao đời nay nguồn sống chính là từ nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Trong số những nghề sinh tồn đó, Thổ Hà vang bóng một thời với nghề làm gốm dung dị, gần gũi với đời sống người dân quê trong sinh hoạt hằng ngày với những chum, vại, chĩnh, tiểu sành.

Do thăng trầm của thời gian, nghề làm gốm dần mai một nhưng dấu tích của nghề vẫn còn lưu giữ tại các bức tường.

Dù kinh tế phát triển, hiện đại hơn xưa nhưng nhiều nhà dân làng Thổ Hà vẫn còn lại những bức tường được xây bởi mảnh gốm, tiểu sành, mảnh chum, vại xếp lại. Những bức tường gốm nhuốm màu thời gian, những con ngõ nhỏ hun hút tạo nên một Thổ Hà khác biệt, cổ kính, rêu phong và đậm đà bản sắc vẫn được lưu giữ đến hôm nay.

Làng Thổ Hà nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, vang bóng một thời với nghề làm gốm cùng với Bát Tràng và Phù Lãng.

Làng Thổ Hà nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, vang bóng một thời với nghề làm gốm cùng với Bát Tràng và Phù Lãng.

Với địa thế 3 mặt giáp sông nên người dân Thổ Hà hay du khách đến đây phần lớn đều phải đi đò.

Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nhiều nét kiến trúc mang đặc trưng của thế kỷ 16. Ðình có quy mô lớn, bề thế thể hiện trình độ xây dựng đình khá cao của những người thợ thời xưa.

Vào thế kỷ 14, Thổ Hà từng là một trong ba trung tâm làm gốm nổi tiếng nhất của người Việt cùng với làng nghề gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) và Bát Tràng (Hà Nội).

Những dấu ấn làng nghề gốm cổ xưa vẫn hiện hữu trong từng ngõ, xóm của làng Thổ Hà.

Nghề gốm ở đây có từ thế kỷ 12, ông tổ của nghề là Đào Trí Tiến.

Hiện làng nghề làm gốm đã mai một nhưng sự hưng thịnh xưa kia vẫn còn, thể hiện qua các quần thể kiến trúc mà người dân Thổ Hà xây dựng lên bằng các vật liệu của làng nghề.

Những bức tường ở Thổ Hà không trát vôi vữa mà được tận dụng từ chính những mảnh gốm, chum vại, tiểu sành bỏ đi tạo nên nét độc đáo cho ngôi làng.

Ông Cát Trọng Điền, người dân làng Thồ Hà cho biết: "Cha ông, cụ kỵ chúng tôi làm gốm, có những mảnh vỡ hay sản phẩm chum, vại kém chất lượng thì đập ra, xếp lại để tạo thành những bức tường".

Làng Thổ Hà chỉ có một con đường chính, từ đây tỏa ra các con ngõ nhỏ và sâu hun hút chỉ đủ 2 người đi bộ tránh nhau

Trong các con ngõ nhỏ sâu hun hút của làng Thổ Hà là những ngôi nhà cổ trăm tuổi.

Bà Nguyễn Thị Lối chia sẻ: "Xa xưa, để chống trộm cướp, các cụ làm ngõ sâu và nhỏ. Mỗi đầu ngõ có cổng chung, các nhà kín cổng cao tường bên ngoài nhưng bên trong lại đầm ấm tình làng, nghĩa xóm".

Khi nghề gốm ở Thổ Hà bị mai một, người dân nơi đây đã chuyển qua làm bánh đa và bánh đa nem.

Bánh đa Thổ Hà là món bánh đặc biệt thơm ngon bởi vị bùi, thơm giòn của lạc, vừng, khoai lang hòa quyện với thứ gạo ngon cùng với bàn tay khéo léo trở thành thương hiệu của người dân Bắc Giang.

Đến Thổ Hà vào buổi sáng khi mặt trời chưa đứng bóng sẽ thấy cảnh người dân nhộn nhịp phơi bánh trên khắp các trục đường, con ngõ trong làng.

Từng con ngõ hẹp đều được người dân tận dụng để phơi bánh, những phên bánh xếp ngang dọc tạo cho Thổ Hà khung cảnh độc đáo, đẹp như tranh.

Với những nét cổ kính trầm mặc, bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và chuyển mình trong những năm gần đây, Thổ Hà là địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Văn Chương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doc-dao-nhung-buc-tuong-co-xay-bang-manh-chum-tieu-sanh-o-lang-tho-ha-ar587033.html