Độc đáo nghi lễ nhảy lửa của người Dao ở Ba Chẽ

Ba Chẽ có gần 80% là người dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là người Dao (41%). Những năm gần đây, Ba Chẽ đã chú trọng khôi phục lại nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, vốn đang dần bị mai một và trôi vào quên lãng, trong đó có nghi lễ nhảy lửa của người Dao.

Cuối tháng 12 tới đây, huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà gắn với Lễ hội Bàn Vương, một nghi lễ lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô lớn.

Bàn Vương được coi là thủy tổ của người Dao, được thờ cúng với gia tiên và 5 vị thần khác là thần thóc gạo, thần văn nghệ, thần săn bắn và 2 vị thần chăn nuôi. Trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, đồng bào Dao đều phải cúng Bàn Vương. Người Dao coi thờ cúng Bàn Vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc Dao.

Múa Phùn Voòng là một nghi lễ không thể thiếu trong các lễ cúng Bàn Vương.

Múa Phùn Voòng là một nghi lễ không thể thiếu trong các lễ cúng Bàn Vương.

Lễ cúng Bàn Vương được tiến hành theo nghi thức cúng tế với trình tự đại diện cho 12 dòng họ Dao thực hiện dâng hương, dâng hoa và các sản phẩm ngũ cốc lên Bàn Vương một cách thành kính. Trong buổi cúng tế Bàn Vương có một số nội dung nằm trong chuỗi lễ cúng như múa rùa, nhảy lửa, vật chày.

Nghi lễ nhảy lửa tạo dấu ấn cho người xem nhiều nhất. Đây là nghi lễ được huyện Ba Chẽ khôi phục lại từ cuối năm 2019 tại xã Đồn Đạc, là xã có đông người Dao sinh sống trên địa bàn huyện.

Theo những người Dao cao tuổi ở xã Đồn Đạc, thì lễ nhảy lửa tập quán xưa của họ thường được tổ chức vào cuối năm hoặc đầu năm mới, cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu cho thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức độc đáo của đồng bào Dao.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, UBND xã Đồn Đạc đã có Quyết định về việc thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán, gồm có 14 thành viên. Tại đây, nghi lễ nhảy lửa được thể hiện, nhằm góp phần giới thiệu các hoạt động của CLB trong thời gian tới.

Nghi lễ nhảy lửa được các thành viên CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán thể hiện trong lễ ra mắt.

Tại lễ nhảy lửa, một đống củi lớn được đốt lên ở khoảng sân rộng. Thày bói làm lễ cầu may, cầu phúc xong, cũng là lúc củi đã cháy gần hết, còn lại đống than hồng. Những người nhảy lửa cũng là những thành viên của CLB được tuyển chọn. Họ nhảy cả 2 chân trần trên đống than hồng, người nọ nhảy nối tiếp người kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm. Hoạt động này kết thúc coi như được thần linh hài lòng cho một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu.

Theo ông Triệu Xuân Hồng, Chủ nhiệm CLB thì những người nhảy lửa phải được học hoặc họ có bí mật riêng, vì nếu người bình thường nhảy vào đống than lửa sẽ bị bỏng. Môn nhảy lửa được khôi phục, dự kiến ngoài việc được tổ chức vào những ngày tết, lễ hội còn để biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu khi đến thăm Ba Chẽ.

Gắn liền với lễ nhảy lửa còn có múa rùa, từ truyền thuyết xưa, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng cùng chung sức đánh đuổi con rùa thành tinh đến phá hoại mùa màng. Các điệu múa diễn tả trận chiến nhưng mang nhiều nét tươi vui, báo hiệu một năm mùa màng tốt tươi, không sâu bệnh phá hại.

Nghi lễ nhảy lửa, múa rùa… sẽ được các thành viên CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) có nhiệm vụ bảo tồn và tuyên truyền cho con em người Dao trên địa bàn, để phục vụ hoạt động văn hóa và phát triển du lịch trên địa bàn.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202011/doc-dao-nghi-le-nhay-lua-cua-nguoi-dao-o-ba-che-2511081/