Độc đáo nghệ thuật kết hợp

Khi vở diễn 'Cây gậy thần' được ê kíp nghệ sĩ của hai đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam công bố dàn dựng, đã có nhiều ý kiến e ngại rằng một loại hình nghệ thuật mang đậm tính trữ tình với lối diễn tự sự, ước lệ của cải lương liệu có hòa hợp được với những cảnh nhào lộn, bay đu hoạt náo của xiếc. Xóa đi những 'mặc cảm', 'Cây gậy thần' đã được trình làng và mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị.

Khi nghệ sĩ cải lương đu dây, bay... và hát

Câu chuyện mà “Cây gậy thần” kể quá đỗi quen thuộc khi gắn liền với huyền tích dân gian về Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Vẫn là cốt truyện Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung nơi bãi sông Chử Xá rồi nên duyên chồng vợ, từng được cố soạn giả Hoàng Luyện viết cho cải lương, sau này tác giả Lê Thế Song chuyển thể, chỉnh lại, thêm một số chi tiết cho phù hợp với sự kết hợp giữa cải lương và xiếc.

Trên sân khấu của “Cây gậy thần”, đang những giây phút khá chùng lắng của cải lương với phần nhiều là thoại được đan xen cùng câu lý, câu vọng cổ ngắn... thì các trò diễn: Xiếc dây, xiếc thú, ảo thuật, tung hứng... giúp khán giả chộn rộn, hào hứng. Sự hấp dẫn càng tăng thêm khi khán giả được mắt thấy tai nghe nghệ sĩ cải lương Minh Hải (vai Chử Đồng Tử) và Như Quỳnh (vai Tiên Dung) vừa đu dây trên cao vừa... hát. Nghệ sĩ Như Quỳnh chia sẻ, được đảm nhận vai chính trong vở diễn với bản thân chị là sự vượt qua chính mình, với một người nghệ sĩ cải lương được hát, được diễn trong tình trạng bay lơ lửng trên cao có lẽ là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà bản thân nghệ sĩ được thể hiện.

 Cảnh trong vở diễn “Cây gậy thần”.Ảnh: MINH ANH.

Cảnh trong vở diễn “Cây gậy thần”.Ảnh: MINH ANH.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Từ sự kết hợp này, diễn viên của cải lương và xiếc đều có tương tác, học tập về kỹ thuật biểu diễn từ đồng nghiệp. Cá nhân tôi vô cùng khâm phục các nghệ sĩ cải lương khi thấy họ xả thân không ngại nguy hiểm, vừa đu trên dây như nghệ sĩ xiếc, vừa diễn, vừa hát. Chúng tôi cũng mong muốn những người yêu thích cải lương sẽ đồng hành với xiếc, dần dần xóa đi quan niệm xiếc chỉ dành cho trẻ em, hay cải lương chỉ dành cho người lớn”.

Tôn vinh giá trị văn hóa Việt

"Cây gậy thần" là tác phẩm đầu tiên được thực hiện trong dự án nghệ thuật “Huyền sử Việt” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phê duyệt. Theo kế hoạch, “Huyền sử Việt” triển khai dàn dựng 4 vở diễn thuộc thể loại ca-kịch-xiếc, ca ngợi “Tứ bất tử”-bốn vị Thánh trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người Việt, gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. “Cây gậy thần” dựa trên huyền tích về Chử Đồng Tử-Tiên Dung, thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người. Chử Đồng Tử đã để lại tấm gương sáng về trung-hiếu-tiết-nghĩa; đồng thời từ rất sớm, ngài đã tạo dựng nền tảng giao thương giữa các bộ tộc Việt với cư dân bốn bể.

Theo Quyền giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên: “Khi quyết định dựng về Chử Đồng Tử, chúng tôi mong muốn tìm một kịch bản viết theo hơi hướng cổ xưa và thể hiện thật mộc mạc, nguyên sơ. Điều này thiếu vắng trong các sáng tác thời gian gần đây. Kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện đáp ứng được yêu cầu của dự án, cốt truyện và tình tiết rất phù hợp cho hình thức kết hợp giữa hai loại hình sân khấu xiếc và cải lương”. Có thể thấy sự phối hợp chặt chẽ và ăn ý của hai đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng qua những thử nghiệm cho sân khấu ở “Cây gậy thần”, đã tạo nên không gian nghệ thuật và nhiều tầng sân khấu tròn rạp xiếc. Nhiều không gian và bối cảnh của vở được biến hóa linh hoạt, sân khấu thoắt ẩn thoắt hiện, có khi ở bên trái rạp là cảnh triều đình Lạc Vương thì bên phải rạp lại là cuộc sống sôi động của người dân Chử Xá... Cũng khó có thể tưởng tượng những vật nuôi như trâu, lợn đóng xiếc đã khó, giờ được đưa vào sân khấu trong một tình huống của vở diễn thực sự là một sự sáng tạo rất mới...

Tuy nhiên, trước sự kết hợp mới mẻ sẽ không tránh khỏi những tình tiết thiếu tinh tế, vô lý; một số cảnh huống khiến người xem thấy rõ chưa nhuần nhuyễn, lắp ghép như màn xiếc thú mừng quà cưới hay những màn xiếc đột ngột xuất hiện trong không gian chùng của cải lương... Một số ý kiến cũng cho rằng vở diễn hướng đến nhiều đối tượng khán giả ngày nay, trong đó khán giả nhỏ tuổi để lan tỏa giá trị văn hóa huyền sử Việt, thì thời lượng cũng cần tiết chế, ngắn gọn, súc tích hơn so với vở đang gần hai giờ đồng hồ.

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, ê kíp nghệ sĩ sẽ tích cực lắng nghe các ý kiến phản hồi để tiếp tục hoàn thiện tốt nhất cho vở diễn. Sau các buổi công diễn 12 và 13-12 tại Rạp xiếc Trung ương, vở diễn sẽ diễn ra đều đặn vào tối thứ 7 và chủ nhật hằng tuần cho đến giữa tháng 1-2021; ê kíp còn dựng một bản cho sân khấu hộp để đưa vở diễn đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/doc-dao-nghe-thuat-ket-hop-646530