Độc đáo mô hình nuôi ong trong thùng xốp mang lại thu nhập cao

Với sự đam mê, cần cù và ham học hỏi, chàng Bí thư Chi đoàn ở tỉnh Cà Mau đã bước đầu thành công với mô hình nuôi ong ruồi trong thùng xốp. Mô hình này cho phép người nuôi ong không phải đầu tư chi phí quá lớn, ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Thành công từ đam mê

Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, trải qua nhiều lần thất bại, đến nay anh Võ Xuân Khánh, Bí thư Chi đoàn ấp Rau Dừa C (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã bước đầu thành công với mô hình nuôi ong ruồi trong thùng xốp, mang về thu nhập khá cho gia đình.

Dẫn chúng tôi đến vườn nuôi ong của mình, anh Khánh kể, từ một chuyến tình cờ về quê tỉnh Hậu Giang, anh phát hiện có một số hộ nuôi ong ruồi lấy mật. Đồng thời, nhận thấy địa phương có nhiều bông lức là nguồn thức ăn dồi dào cho loài ong nên anh nảy ra ý định nuôi thử.

Thấy mọi người nuôi bằng thùng gỗ, suy nghĩ ở quê thường mua tôm giống đựng bằng thùng xốp, nên anh tận dụng “cây nhà lá vườn” để nuôi. Để tạo độ chắc chắn, anh Khánh lấy hồ dầu xi-măng sơn vào thùng. Chi phí cho mỗi thùng không quá 50.000 đồng. Mỗi thùng thường chứa từ 7-8 kèo ong.

Anh Võ Xuân Khánh đang chăm sóc đàn ong ruồi của mình.

Để thực hiện đam mê của mình, ban đầu anh đặt mua 2 thùng ong giống từ tỉnh Tây Ninh về nuôi thí điểm. Anh Khánh chia sẻ: “Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và hơn hết phải thật sự có niềm đam mê với nghề. Để có kiến thức nhất định về dòng đời, sự sinh trưởng và biết cách đặt thùng cho đàn ong đi lấy thức ăn, tôi thường lên mạng internet, sách, báo tìm tòi, học hỏi. Đến nay, tôi cơ bản đã làm chủ được tập quán sinh hoạt cũng như cách thức quản lý đàn ong”.

Để giúp chúng tôi hiểu rõ với mô hình nuôi ong mới này, anh Khánh giải thích thêm, nuôi ong trong thùng xốp gồm 2 loại ong: Ong nội địa và ong ngoại địa. Ong nội địa thì sản lượng mật thấp, ít bệnh và đặc biệt là không cần di chuyển. Đối với loài ong ngoại địa, để đàn ong cho mật quanh năm thì cần liên tục di chuyển đến các tỉnh khác lấy mật các loài hoa đặc trưng của từng địa phương. Một năm có 2 mùa lấy mật: Mùa nắng (từ tháng 11 đến tháng 4), mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10).

Khi được hỏi bí quyết nào dẫn đến thành công, với vẻ tự tin của người “sành nghề”, anh Khánh vừa cười vừa nói: “Đó là niềm đam mê và lòng yêu nghề, chính nghề nuôi ong đã tạo cho tôi niềm vui và sức khỏe”.

Chi phí thấp, dễ áp dụng

Là một trong những người đi tiên phong, anh Khánh đánh giá cao mô hình nuôi ong lấy mật trong thùng xốp. Theo anh, đây là mô hình "rẻ nhất quả đất”, có thể xem nuôi ong lấy mật là một nghề “một vốn, bốn lời”. Bởi, tất cả những sản phẩm của ong đều có thể bán như: Mật ong, sáp ong,... Những sản phẩm này chữa bệnh rất tốt.

Anh Khánh cho biết: “Đây là mô hình phù hợp với nhiều hộ gia đình vì không đòi hỏi nhiều nhân lực, không tốn nhiều diện tích đất nhưng mang lại thu nhập cao. Với 10 thùng ong hiện tại, mỗi thùng cho sản lượng khoảng 1 lít mật/tháng. Mật ong hiện nay trên thị trường đang có giá từ 600.000-800.000 đồng/lít, bước đầu đã đem lại thu nhập khá”.

Gia đình anh Khánh nhân giống được 10 thùng ong cho năng suất cao và chất lượng mật tốt.

Theo anh Khánh, nuôi ong bằng thùng xốp tiết kiệm nhiều chi phí hơn, thời gian sử dụng cao hơn, dễ chăm sóc, quản lý hơn… Dự định của anh Khánh trong thời gian tới là nhân rộng đàn ong lên khoảng 30 thùng và bán ong giống cho những hộ có nhu cầu.

Không chỉ mong muốn làm giàu cho mình, anh Khánh đang có ý định nhân rộng mô hình nuôi ong ruồi lấy mật cho các đoàn viên trong ấp để cùng phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập.

Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm và được anh Khánh nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/doc-dao-mo-hinh-nuoi-ong-trong-thung-xop-mang-lai-thu-nhap-cao-a370484.html