Độc đáo mâm xôi tiến Vua khổng lồ tại Lễ hội đình Phú Gia

Hòa chung không khí lễ hội mùa xuân đang diễn ra trên khắp cả nước, từ mùng 9 đến 11 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Phú Gia (Tây Hồ, Hà Nội) lại tưng bừng khai hội đình Phú Gia để tưởng nhớ Thành hoàng làng Trần Khai Nguyên, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ nước.

Đình Phú Gia tọa lạc trên thế đất “Hình nhân bái tướng”

Đình Phú Gia tọa lạc trên thế đất “Hình nhân bái tướng”

Tại Lễ hội, mâm xôi tiến vua khổng lồ với nhiều màu sắc được trưng bày trước sân đình, gợi nhớ xôi Phú Gia nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa và từng là món ngon “tiến Vua” mỗi dịp lễ, Tết...

Đình Phú Gia là nơi thờ vị Thành hoàng làng, thần có tên húy là Nhự hay còn gọi là “Thần Già La”. Thần là vị tướng thời Vua Hùng vương thứ 6, người có công đánh giặc cứu nước.

Theo “Bản xã thần ký” thì Đại vương chính là vị thổ thận được thờ phụng từ rất lâu. Người có công trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, đồng thời là vị thần linh ứng giúp cho việc chặn nạn hồng thủy đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Với công lao to lớn và sự hy sinh hiển hách, Ngài đã được ban tặng nhiều sắc phong qua các triều đại thể hiện tinh thần “Cứu nước, cứu dân, âm phù dương trợ, dân tình yên ổn” và được tôn là Tối linh thượng đẳng thân”.

Không ai biết nghề nấu xôi ở làng Phú Gia có từ bao giờ, chỉ biết rằng xôi Phú Gia nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa và từng là món ngon “tiến Vua” mỗi dịp lễ, tết.

Đình Phú Gia tọa lạc trên thế đất “Hình nhân bái tướng”. Bên ngoài hoa tươi đầy cửa, bên trong bút nghiên hội tụ, phía Đông có dòng nước ngược chầu về, phía Bắc có nút Tổ dẫn mạch, phía Tây có rùa vàng ngậm châu, phía Nam có minh đường mở ra cửa khẩu, xung quanh có ruộng đất chầu về như những lá cờ lớn trên gò. Bên ngoài nữa là Thất Diệu bao quanh với ba vòng cầu vồng tiếp dẫn và ở giữa là giếng chính huyệt.

Ngày 28/12/2001, đình Phú Gia được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi đình luôn được tu bổ, tôn tạo và ngày càng khang trang đẹp đẽ. Ngôi đình đã và mãi mãi là niềm tự hào, kính ngưỡng của dân làng Phú Gia.

Các dòng họ và người dân dâng lễ tại Đình Phú Gia.

Lễ hội đình Phú Gia diễn ra từ mùng 9 đến 11 tháng Giêng Âm lịch là hoạt động có ý nghĩa văn hóa tâm linh, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai làng, lập ấp. Đây cũng là hình thức liên kết cộng đồng, tăng thêm tình đoàn kết hòa hảo giữa bà con hàng xóm láng giềng, là nơi chuyển giao các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.

Ngày chính hội (mùng 10 tháng Giêng), các dòng họ ở làng và nhân dân vào dâng hương lễ thánh. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thi đấu cờ tướng, bóng bàn, tổ tôm điếm...

Lễ hội đình Phú Gia diễn ra từ mùng 9 đến 11 tháng Giêng Âm lịch là hoạt động có ý nghĩa văn hóa tâm linh, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai làng, lập ấp.

Lễ hội còn có khu văn hóa ẩm thực và vui chơi dành cho du khách và người dân đến tham dự.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doc-dao-mam-xoi-tien-vua-khong-lo-tai-le-hoi-dinh-phu-gia-87114.html