Độc đáo mâm cúng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, các tộc họ ở huyện Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Nghi lễ truyền thống này mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của người dân đất đảo, các lễ vật và cách thức cúng tế cũng rất đặc biệt.

Ngày 16.3 âm lịch vừa qua, Ban khánh tiết đình làng và các tộc họ ở làng An Vĩnh (Lý Sơn) đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2021, nhân dịp Bộ VH-TT&DL công nhận đây là Di sản phi vật thể quốc gia.

Mô hình 5 chiếc thuyền là lễ vật đặc biệt trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, mô phỏng các đội thuyền ra khơi đi giữ đảo thuở trước. Ảnh: X.THIÊN

Lễ tế nhằm tưởng nhớ và tri ân các hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh khi thực thi mệnh lệnh triều đình ra các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong lễ cúng, các tộc họ trên đảo tổ chức có 2 phần. Phần cúng các vị tiền hiền thuở khai lập đảo với những lễ vật cơ bản giống với lễ cúng ông bà, tổ tiên của người Quảng Ngãi nói chung như trầu cau, rượu, vàng mã, thịt heo, xôi chè...

Phần thứ hai là khao lề tế lính đội hùng binh với những lễ vật rất đặc biệt. Trong mâm cúng khao lề tế lính, phần trên cùng của bàn thờ là các linh vị được làm bằng giấy màu đỏ, ở trên có danh tính người lính Hoàng Sa trong tộc họ đã bị tử nạn. Lễ vật không thể thiếu đó là mô hình 5 chiếc thuyền được đặt chính giữa gian thờ ở bàn dưới cùng. Trên mỗi chiếc thuyền có 3 hình nhân nộm, cùng với đó là 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nhám. Trên đàn lễ còn có muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu... là những thứ mà người lính Hoàng Sa năm xưa mang theo trên thuyền.

Việc thực hiện nghi thức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa do một vị pháp sư thực hiện. Ảnh: X.THIÊN

Cùng với những lễ vật thì lễ cúng khao lề tế lính Hoàng Sa cũng rất khác lạ. Việc thực hiện lễ do một pháp sư thực hiện. Thầy pháp sư làm các nghi thức bùa phép trước bàn thờ, mời gọi các đội hùng binh về dự lễ. Tiếp đến là làm phép gửi tên tuổi và linh hồn vào hình nhân, thực hiện "phát lương" gồm gạo, muối cho vào thuyền, làm phép "khai nhãn, khai thị" cho đội thuyền để có thể ra khơi. Cùng lúc này là tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng.

Cuối cùng là lễ tiễn đưa đội hùng binh. Đi đầu là những thanh niên mang cờ, phướn, tiếp theo là thanh niên khiêng thuyền lễ ra bến thuyền. Theo sau là thầy pháp sư, tộc trưởng, các chi phái trưởng và đoàn người gồm bà con trong tộc họ, có cả những người trong làng, cùng đội chiêng trống.

Ra đến bến thuyền, sau khi thầy pháp sư khấn vái thần linh bốn phương, thuyền lễ được thả xuống nước và dùng thuyền đưa thuyền lễ ra xa. Lễ tế diễn ra khoảng từ 15 - 20 phút.

X.THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202105/doc-dao-mam-cung-le-khao-le-the-linh-hoang-sa-3055740/