Độc đáo lễ khai hạ của người Mường

Không chỉ với đồng bào Mường ở 4 vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động (tỉnh Hòa Bình) mà những người Mường sống tại những vùng đất khác cũng luôn duy trì một lễ hội hết sức đặc biệt trong những ngày đầu xuân năm mới, đó là Lễ hội khai hạ…

Lễ hội đầu năm

Lễ hội này mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, những điều tốt đẹp đến với bà con, xóm làng…

Lễ Khai hạ còn được gọi là lễ hội cầu mùa hay mở cửa rừng bởi thường chỉ sau khi diễn ra lễ hội, bà con mới được vào rừng hái măng, hái củi hay xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Đồ tế trong Lễ khai hạ có hàng trăm bát đĩa, lá lót bày lên hàng chục mâm cỗ đặt trên bàn thờ và trên mặt sàn nhà, miếu thờ.

Mỗi mâm bày 1 chai rượu, 1 chén uống rượu, 1 bát cơm, 1 đôi đũa, 1 chiếc tăm, 1 đĩa trầu cau, 1 bát nước, 5 chiếc bánh dày, 5 tấm bánh chưng ống, một đĩa thịt gà, xôi trắng. Trên mỗi mâm đều cắm hương. Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật để dâng cúng, thầy tế xướng lên những lời văn khấn cổ, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhân dân an thái.

Tiếp theo là Lễ rước kiệu Thánh từ đền ra bãi hội và rước trở về đền. Đám rước được tổ chức long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, các vị thầy tế và toàn thể người dân trong vùng.

Trong Lễ hội khai hạ ở Mường Bi có tục tu sửa mương Lò - con mương đảm nhiệm việc tưới tiêu cho cánh đồng lúa toàn vùng. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào công việc chung như: nạo vét lòng mương, lưu thông dòng chảy. Trong tiếng chiêng rộn rã, thúc giục của các giáp, mỗi người đều hăng say làm việc cho tới khi con mương được tu sửa xong.

Mọi người nghỉ tay, cùng dùng cơm và bước vào phần hội với những trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng…; thi hát sắc bùa, hát đối đáp. Lễ hội khai hạ hiện vẫn được đồng bào Mường tổ chức hàng năm, thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy.

Lễ khai hạ Mường Bi hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Bi. Xưa kia sau khi tổ chức xong lễ hội người dân mới bắt tay vào công việc đồng áng, hay lên rừng săn bắn, hái lượm...

Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ diễn ra tại miếu thờ xóm Lũy, xã Phong Phú. Nơi thờ các vị thần hoàng là: Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo. Tương truyền, từ thời còn “bời lời, bạc lạc”, Quốc Mẫu Hoàng Bà – thân mẫu của Đức Thánh Tản đã hạ giới và chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng 2 vụ, cách ăn, cách ở.

Tản Viên Sơn Thánh – con rể của Vua Hùng Vương thứ 18 là người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Còn Ải Lý, Ải Lo là hai vị thần có sức mạnh vô biên, chứng kiến sự khổ nhọc thiếu nước sản xuất của con dân, đã dùng sức mạnh đưa nguồn nước mát từ dòng Suối Kem vào con mương Mường Lò, đồng thời chỉ dạy con dân cách be dòng, dẫn nước tưới cho cả cánh đồng Noóng trù phú.

Để tưởng nhớ công lao của Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo, người dân Mường Bi lập miếu thờ tại xóm Lũy, tổ chức thờ cúng vào dip Lễ hội khai hạ hàng năm. Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi rượu, nhất thiết phải có 1 con hoẵng đi săn được, nếu không có thì thay bằng 1 con bò, kiêng mổ trâu; ngày nay con hoẵng được thay bằng con vật khác.

Thầy mo thay mặt toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị Thần Hoàng, cầu cho năm mới mùa màng tươi tốt, vạn vật xanh tươi, quốc thái, dân an. Tiếp đó là lễ rước Kiệu Thánh từ nơi tổ chức hội, sau đó trở về Miếu. Lễ rước được tổ chức rất long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, các thầy tế và đông đảo người dân trong vùng, diễn ra trong nhịp trống, chiêng sắc bùa và nhạc lưu thủy.

Phần hội diễn ra trước Miếu thờ xóm Lũy với những trò chơi dân gian như: bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng, ném còn… ngày nay được bổ sung một số môn thể thao như bóng chuyền và văn nghệ dân gian như: hòa tấu cồng chiêng, thi hát sắc bùa, hát đối, hát thường và giới thiệu các món ăn độc đáo của người Mường. Lễ hội là sự khởi đầu cho một năm mới, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng kính trọng các vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển…

Đây cũng là dịp để đồng bào Mường Bi giao lưu, gặp gỡ, gặt bỏ những lo toan vất vả trong cuộc sống thường nhật, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua lễ hội.

Các nghi lễ trong lễ hội khai hạ của người Mường được phục dựng đầy đủ nên được thực hiện một cách nghiêm trang và thành kính.

Các nghi lễ trong lễ hội khai hạ của người Mường được phục dựng đầy đủ nên được thực hiện một cách nghiêm trang và thành kính.

Lưu giữ nét văn hóa tiêu biểu

Không chỉ ở Hòa Bình mà người Mường ở ven TP Buôn Ma Thuột, vốn gốc tại huyện Kim Sơn (Hòa Bình) di cư vào đây từ năm 1952 vẫn luôn giữ những nét văn hóa truyền thống của mình. Người Mường đi đâu cũng vẫn giữ hồn cốt của phong tục tập quán dân tộc mình. Ở đâu thì cũng phải có cái đình.

Đình không chỉ thờ Thành hoàng, mà còn là nơi tụ tập bàn việc của cả cộng đồng. Năm nào, tối 27 Tết, các bô lão trong làng đều ra đình làm lễ tế. Lễ xong, tất cả dao rựa, cuốc xẻng đều phải được treo lên, cho “nó” nghỉ ngơi. Cả làng chỉ còn lo chuẩn bị ăn Tết, giàu nghèo gì cũng không ai chặt cây, cuốc cày hay làm gì với đồng ruộng nữa. 12g đêm mùng 6, các cụ của mọi dòng họ lại tập trung ra đình khấn vái, xin cho hạ cuốc, hạ dao, để sáng mùng 7 làm cỗ bàn, chặt cây cho các trò chơi dân gian sau lễ khai hạ (còn gọi là lễ hạ nêu).

Lễ khai hạ thường gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu vào 12g đêm mùng 6 khi người dân tề tựu đông đủ tại đình để làm lễ cúng động thổ. Đến sáng mùng 7, ông chủ đình thực hiện nghi lễ cúng Thành hoàng.

Phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian như: kéo co khai hội giữa các cụ ông và cụ bà, nhảy bao bố, thi vật, bịt mắt bắt heo, leo cột mỡ… Kết thúc lễ hội là nghi thức hạ cây nêu với niềm tin vào một năm mới tốt đẹp, nhiều may mắn. Lễ khai hạ đã trở thành nét đẹp văn hóa được người Mường sinh sống ở xã Hòa Thắng gìn giữ, phát huy, ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Ngôi đình bé nhỏ, xây dựng đơn sơ nhưng vẫn là hồn cốt của cả làng. Nụ cười hồ hởi của những người phụ nữ dắt theo bầy trẻ lít nhít tụ tập vừa cho bọn trẻ ăn sáng, vừa nhấp ngụm nước giải khát, sẻ chia những tháng ngày bận rộn hay chuyện buồn vui của mỗi nhà. Nhóm các bà, các mẹ ngồi bên dàn chiêng móm mém nhai trầu, ấm áp mở lời chào đón những vị khách là lãnh đạo xã, TP ghé qua thăm hỏi, chúc mừng…

Dẫu không còn chuyên canh lúa nước và chuyển gần hết diện tích sản xuất sang cây cà phê nhưng năm nào hai làng Mường ven TP Buôn Ma Thuột cũng tổ chức bốn lễ trọng, đều diễn ra ở các đình làng: Lễ khai hạ đầu xuân, lễ cầu mưa đầu tháng 5, lễ rửa lá lúa vào rằm tháng 7 và lễ ăn cơm mới vào giữa tháng 10...

Đó là những lúc để con người giao hòa với các vị thần linh, gặp gỡ, cùng chung trách nhiệm, sẻ chia với cộng đồng mọi buồn vui của cuộc sống. Cùng với những nét văn hóa truyền thống khác, Lễ khai hạ chính là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của người Mường sinh sống ở ven TP Buôn Ma Thuột và góp phần không nhỏ vào việc làm đa dạng nét văn hóa địa phương đồng thời duy trì được nét đẹp văn hóa riêng của từng dân tộc...

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doc-dao-le-khai-ha-cua-nguoi-muong-137872.html