Độc đáo lễ hội Then Kin Pang có 1 – 0 – 2 ở Lai Châu

Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10/3 (âm lịch), khi những bông bó mạ nở vàng trên núi đồi, những trận mưa đầu mùa lắc rắc rơi gọi mầm măng đắng nhú lên khỏi mặt đất là bà con dân tộc Thái trắng ở Lai Châu lại kéo về xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, Lai Châu để dự lễ hội Then Kin Pang.

Theo Cổng thông tin điện tử Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lai Châu, truyền thuyết dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Vua Trời là Then, các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu con người. Bởi vậy mà Vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp con người.

Dân bản trên mường dưới hễ đau ốm thì được Then cho thuốc, nhà nào gặp rủi ro vận hạn đến gặp Then sẽ được cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Bởi vậy nên cứ đến mùng 10/3 hàng năm là những người này lại đến tổ chức lễ tạ ơn Then, người khác đến cầu phúc xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên no ấm.

Trong ngày diễn ra lễ hội, bàn thờ Then được trang hoàng thật đẹp với đủ các loại hoa: Màu vàng của bó mạ, màu trắng của bó sim, đỏ của hoa giấy, rồi những quả còn với những cái tua sặc sỡ, hình những con chim én biểu tượng cho mùa xuân về sau mùa đông đi tránh rét.

Lễ vật dâng lên cúng Then gồm lợn cắp nách luộc cả con, 2 con gà trống luộc, trứng gà, xôi nếp cẩm, bạc trắng,...

Lễ cúng Then, ảnh: Minh Chí - TTXVN

Theo Báo Lai Châu, ngoài bàn thờ và lễ vật dâng lên cúng Then, Then Kin Pang bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường; tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ Mường.

Mọi người đến với lễ hội đều tâm niệm thắp hương lên bàn thờ Then để cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc. Các gia đình có người chết cũng dâng các lễ vật để nhờ Then xin với các vị thần linh cho các hồn ma về hưởng.

Theo Cổng thông tin điện tử Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngay từ khi nhập nghề và hành nghề, những người cúng Then phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện gian khổ, vất vả trong nhiều năm: học khấn, đàn, thuộc hàng ngàn câu hát; biết hát then, hát mạng, hát xao xên theo hành trình lễ hát khấn cầu.

Trên thực tế, người làm Then là những người có tài học truyền khẩu các bài thơ, các bài hát, làn điệu trong then, có năng lực ứng tác trong thơ ca, thuần thục phần nhạc đệm của cây đàn tính tẩu.

Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm Then đảm nhiệm.

Trước và trong những ngày làm lễ Kin Pang Then, người làm Then tránh trùng với ngày mất của cha mẹ đẻ, kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng ăn thịt lợn trắng, trâu trắng, cá da trơn, lươn, tôm, không ăn, uống đồ thừa, không đi qua dây phơi, máng nước.

Trước ngày lễ, người làm Then mời khách và các con nuôi về dự; mời anh em, họ hàng, những người giúp việc đến bàn về công việc tổ chức và phân công nhiệm vụ.

Tại nhà người làm Then, mọi người giúp mua sắm lương thực, thực phẩm, làm lễ vật bằng len, gấp bằng giấy, treo cây pang như: hoa chuối rừng, các con giống, chim én, tổ chim én, biểu tượng trống, chiêng, quả còn, dải băng, cá…, phân công người đi tìm, chọn cây pang trên rừng về trang trí không gian hành lễ.

Cây pang được chọn phải có gốc, thân thẳng đẹp, không cụt ngọn, lá xanh tươi, đưa về dựng trong nhà nhưng không được chạm nóc. Khi chọn được cây pang, người làm Then phải khấn xin phép thần núi, thần cây cho rước cây về làm lễ.

Bàn thờ Then được lau dọn sạch sẽ và trang trí đẹp mắt, đúng nghi lễ.

Ngày đầu tiên làm lễ, ông (bà) Then kiêng kị không ăn thịt các con vật; các cô gái được chọn làm Sao chẩu phải có sắc đẹp và chưa chồng để hầu hạ các vị thần xuống trần gian vui chơi.

Bà (ông)Then phải kiêng kỵ nhiều điều để đảm bảo sự uy nghiêm khi cúng Then, ảnh: lehoi.cinet.vn

Trong phần hành lễ, Bà Then (Me Then) ngồi trên bục cao trước bàn thờ trong trang phục váy áo đen hoa xanh thẫm với những dải nhũ vàng lấp lánh, cái mũ miện hình thang với những dải vàng, dải đỏ phủ dài xuống áo, tay cầm đàn tính hát Khay Pang cúng then và mời bà con chơi hội.

Hai bên bà Then là 3 người giúp việc (Me Đa) có nhiệm vụ lĩnh xướng. 8 cô Sao Chàu (gái hát chầu, chưa có chồng) lúc ngồi chầu quay theo tiếng nhạc, khi đứng lên múa và hát diễn tả lại lời của bà Then, khiến cho buổi lễ vừa trang trọng uy nghiêm, lại vừa vui tươi, hấp dẫn.

Kết thúc phần lễ là phần hội, lúc này dân bản khắp vùng cũng kéo đến dự lễ, tổ chức các cuộc thi múa hát dân ca; thi ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, bơi lội, té nước; thi nấu ăn,...

Lễ té nước tại lễ hội Then Kin Pang, ảnh: lehoi.cinet.vn

Chúng ta sẽ được thưởng thức những món ăn dân gian truyền thống của người Thái như: cơm lam, rau gai, cà rừng, cá bống nướng, ve sầu, bọ xít, dế mèn… bỏ vào miệng nhai kỹ ta mới thấy được vị thơm ngon của từng món ăn, mang đậm hương rừng Tây Bắc. Đồng thời, ta cũng thấy được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái.

Nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, mang đậm hương vị của người dân tộc Thái, ảnh: Báo Lai Châu

Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của Lai Châu, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn Tin Nhanh: http://tinnhanhonline.vn/doc-dao-le-hoi-then-kin-pang-co-1-0-2-o-lai-chau-1482562